Michel Platini: 'Nếu không có tiền, đừng mua xe Ferrari'

26/05/2013 19:03 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(giaidauscholar.com) - Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở và đề cập rất nhiều vấn đề gai góc với nhà báo bóng đá người Anh nổi tiếng Martin Samuel của tờ Daily Mail.

Cuộc phỏng vấn gai góc giữa Chủ tịch UEFA, ông Michel Platini (trái) và nhà báo Martin Samuel (ngoài cùng bên phải)

Platini có lẽ là vị chủ tịch gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu. Ông bỏ phiếu cho Qatar trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022, mở rộng EURO lên thành 24 đội và sẽ để giải đấu này diễn ra trên khắp châu lục vào năm 2020. Ông cũng giới thiệu luật công bằng tài chính, giờ hóa ra là lại làm lợi hơn cho các đội bóng lớn, những thế lực đã được thiết lập ở châu Âu.

Luật công bằng tài chính là để bảo vệ các CLB

“Tôi hiểu báo chí quý vị không dễ dãi với chủ tịch UEFA”, Platini nói. Samuel là một nhà báo chỉ trích nhà lãnh đạo người Pháp chua cay và bền bỉ trên báo chí Anh. Platini biết, và muốn tranh luận trực tiếp với phóng viên này. Ông tin rằng mình có rất nhiều ý tưởng, dù rằng những ý tưởng hiếm hoi thành hiện thực cho tới giờ chỉ có các nỗ lực ngăn chặn sự giàu có tích tụ ở đỉnh kim tự tháp bóng đá châu Âu, như luật công bằng tài chính.

Đó cũng là nơi thích hợp để bắt đầu câu chuyện, về cáo buộc rằng trong khi tìm cách áp đặt sự công bằng thông qua liên hệ khoản tiền mà đội bóng được phép chi tiêu với bản cân đối doanh thu của họ, UEFA đã phớt lờ một điều nghiễm nhiên là trong bóng đá chuyên nghiệp, các CLB phải cạnh tranh để tồn tại. Platini còn không buồn phủ nhận điều đó: “Luật công bằng tài chính là để bảo vệ CLB khỏi phá sản, khỏi những vấn đề họ sẽ gặp trong tương lai. Vấn đề không phải là cạnh tranh hơn. Nếu bạn mua một chiếc Ferrari, bạn phải có tiền. Nếu không có tiền, đừng mua xe Ferrari. Trong bóng đá, bạn không có tiền mà vẫn mua được Ferrari, và chiến thắng, đó là ăn gian, là không đúng. Việc của tôi là điều chỉnh lại. Vấn đề không phải là để tăng sự cạnh tranh, mà là bảo vệ CLB. Glasgow Rangers, Portsmouth và nhiều đội khác, họ phá sản và sẽ biến mất. Đó là quan điểm của tôi”.

Quan điểm đó không có gì mới, như nhiều lời giải thích khó hiểu khác của ông cho việc bố trí thêm trọng tài ở hai đầu sân, thay vì áp dụng công nghệ, những bảng đấu loại nhàm chán khi EURO được mở rộng lên thành 24 đội, và cả luật công bằng tài chính. Thêm vào đó, Platini luôn giải thích rằng những cải cách của ông “vẫn đang diễn ra”. Nếu cũng những CLB giàu có sẽ vô địch quốc gia trong 10 năm tới, ông sẽ lại xử lý vấn đề.

Tuy nhiên, Olympiakos đã vô địch Hy Lạp 15 trong 17 mùa gần nhất, và BATE Borisov sắp có chức vô địch thứ 7 liên tiếp ở Belarus nhờ tiền Champions League. Điều tương tự cũng đúng ở các giải đẳng cấp, Anh, TBN và Đức. Platini có thể làm gì để thay đổi? “Đừng quên, đây mới là bắt đầu, chưa phải kết thúc”, ông nói. “Chúng ta còn có thể làm rất nhiều thứ”. Nhưng ông đã không làm gì cả.

Tiền Champions League là không thể đụng đến

Một điều lẽ ra Platini có thể làm là thay đổi cách phân phối tiền cho các đội dự Champions League, rải đều cho các giải đấu quốc gia, thay vì tập trung vào một nhóm nhỏ những đội hàng đầu. Nhưng khi vấn đề này được nêu ra, Platini, vốn thích tỏ ra đầy quyền lực, lại đứng trước một áp lực khá quen thuộc. “Phức tạp đấy vì từng có cuộc tranh chấp vài năm trước giữa các CLB, nhóm G14, và UEFA”, ông nói. “Tôi đã tiêu diệt G14, nhưng một trong những điều kiện là không xem xét việc phân phối lại tiền trong vài năm nữa. Chúng tôi có bản ghi nhớ về chuyện đó. Tôi nghĩ tôi không có quyền quyết định tiền sẽ đi đâu. Nhưng nếu LĐBĐ các nước ở châu Âu nghĩ có cách tốt hơn để phân phối tiền, tôi sẽ theo. Đây là tiền của họ, mọi việc phụ thuộc vào họ. Tôi không muốn lại tranh cãi với các CLB như trong quá khứ. Chúng tôi không thể làm gì nếu không có sự cho phép của các đội bóng”.

Riêng về chuyện tiền nong ở Champions League, Platini trả lời như thể ông không phải là chủ tịch UEFA. “Tôi phải nói chuyện với (Karl-Heinz) Rummenigge đã”, Platini giải thích “Tôi không muốn tranh luận công khai vì mọi chuyện rất phức tạp, tôi phải tiến hành kín đáo, lặng lẽ, với người ở các CLB”. Thật khó hình dung những cuộc nói chuyện đó sẽ kéo dài bao lâu. Karl-Heinz Rummenigge, giống Platini, cũng là một cầu thủ lớn, nhưng ông hiện là giám đốc điều hành Bayern Munich và chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA).

Trong bối cảnh bóng đá Đức đang được xưng tụng lên tận mây xanh mấy tuần lễ qua, Munich vẫn không phải là một mô hình công bằng và chia sẻ sự giàu có. Thỏa thuận gần nhất giữa UEFA và ECA được ký năm 2012 và có thời hạn tới 2018. Cho tới đó, Bayern vẫn sẽ là đội giàu nhất nước Đức, nhưng có lẽ là cả sau đó nữa.

Một trong những nhân vật chủ chốt của luật công bằng tài chính là Jean-Luc Dehaene, cựu thủ tướng Bỉ và chủ tịch ngân hàng Dexia. Điều mỉa mai nằm mở chỗ ngân hàng của ông đã phải viện tới hai gói cứu trợ trị giá hàng tỉ EURO của chính quyền khi cổ phiếu Dexia rớt từ 15,72 EURO vào ngày 31/12/2001 xuống còn 0,71 EURO vào ngày 31/12/2012. Tức là giống như trong rất nhiều vấn đề khác của bóng đá châu Âu, Platini đang nhầm mục tiêu, nhầm đối tượng, nhầm cách thức, hoặc nhầm người.

Trần Trọng (theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm