Quả cầu Vàng 2018: Tuyên chiến với nạn 'quấy rối' ở Hollywood

09/01/2018 07:32 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Từ bộ trang phục màu đen của một loạt ngôi sao Hollywood cho tới bài phát biểu của "nữ hoàng" truyền thông Oprah Winfrey đều cho thấy việc chống nạn "quấy rối" tình dục đã trở thành một thông điệp ấn tượng trong lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 75.

1. Lễ trao giải diễn ra tối 7/1 (theo giờ địa phương), tức sáng 8/1 (theo giờ VN), tại Beverly Hilton, California. Nhiều ngôi sao Hollywood, như Angelina Jolie, Jessica Biel, Kerry Washington và Catherine Zeta Jones, đã thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân bị quấy rối bằng việc mặc đồ đen khi xuất hiện trên thảm đỏ.

Nữ diễn viên Catherine Zeta Jones (48 tuổi) tuyên bố: "Mặc trang phục màu đen không làm giảm đi sự lộng lẫy của bạn".

Nền điện ảnh và truyền hình chọn màu đen để đưa ra tuyên bố chống lại những hành vi không đứng đắn đang tràn ngập Hollywood. Trước đó, trào lưu có tên #MeToo đã được hình thành sau khi ông trùm sản xuất "khét tiếng" Harvey Weinstein đã bị nhiều ngôi sao tố cáo quấy rối và lạm dụng họ.

Chú thích ảnh
"Nữ hoàng" truyền thông Oprah Winfrey phát biểu khi nhận giải Cecil B. DeMille Thành tựu trọn đời.

Oprah Winfrey đã nhận được tràng vỗ tay như sấm rền khi bà nhận giải Quả cầu Vàng cho thành tựu trọn đời (Cecil B. DeMille) với bài phát biểu đầy cảm động đề cập đến các quyền công dân và trào lưu #MeToo, đồng thời tuyên bố "triều đại" của những người đàn ông lạm dụng đã kết thúc.

Winfrey hiện là người sáng lập mạng lưới truyền thông OWN, cựu người dẫn chương trình trò chuyện, nhà sản xuất điện ảnh-truyền hình và là một nhà hoạt động nhân văn. Bà đã trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được trao giải Cecil B. DeMille.

Trong bài phát biểu, Winfrey đã nói về những cảm xúc của mình vào năm 1964, khi chứng kiến giấy phút Sidney Poitier nhận giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Lúc ấy, Winfrey chỉ là một đứa trẻ, còn Poitier là nam diễn viên da màu đầu tiên đoạt được Tượng Vàng ở hạng mục diễn xuất chính. Thế nhưng, niềm tự hào của một cô bé da màu vẫn được Winfrey nhớ đến giờ.

"Cà-vạt của Poitier màu trắng, nước da của ông màu đen và tôi chưa bao giờ thấy một người đàn ông da màu nào được tôn vinh như vậy" - Winfrey nói.

Winfrey còn kể câu chuyện của một phụ nữ da màu tên là Recy Taylor, đến từ Alabama, người đã qua đời hôm 28/12/2017 ở tuổi 97, cũng như cuộc đấu tranh vì công lý của người phụ nữ này sau khi bị bị 6 người đàn ông da tắng cưỡng bức hồi năm 1944.

Winfrey bày tỏ lòng biết ơn đối với Taylor và tất cả những người phụ nữ từng phá bỏ sự "im lặng" nhiều năm để chống lại hành vi bỉ ổi của những người đàn ông đầy quyền lực. "Trong một thời gian dài, phụ nữ không được tin tưởng nếu như họ dám nói sự thật. Điều ấy đến từ quyền lực của những người đàn ông. Nhưng thời điểm của phụ nữ đã tới" – Winfrey tuyên bố trong tiếng vỗ tay của khán giả.

Chú thích ảnh
Angelina Jolie là một trong nhiều ngôi sao nữ xuất hiện trên thảm đỏ lễ trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 75 với bộ đồ đen.

2. Winfrey nhiều lần nhắc lại từ "Time's Up" nhằm nói tới sáng kiến của nhiều ngôi sao ở Hollywood và nhiều phụ nữ khác trong cuộc chiến nhằm chống lại hành vi không đứng đắn. Và, đó cũng là trọng tâm của thông điệp mà các nữ diễn viên muốn truyền đi bằng việc mặc đồ đen tại lễ trao giải Quả cầu Vàng.

Winfrey khẳng định: dù công lý không công bằng với Taylor khi những kẻ tấn công bà không bị xét xử, nhưng sự thật về câu chuyện của bà vẫn luôn hiện hữu trong công việc của một phụ nữ da màu khác: Rosa Parks, biểu tượng nhân quyền người Mỹ gốc Phi (đồng thời là nhà điều tra của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ trong vụ Taylor).

11 năm sau vụ án của Taylor, vào ngày 1/12/1955 tại Montgomery, Alabama, Parks, khi đó 42 tuổi, đã từ chối lời đề nghị của người lái xe buýt James Blake khi yêu cầu nhường chỗ cho một hành khách da trắng. Dù không phải là người đầu tiên bất tuân những yêu cầu có tính phân biệt chủng tộc, nhưng hành động của Parks đã dấy lên phong trào tẩy chay xe buýt ở Montgomery.

"Vụ việc của Taylor vẫn đau đáu trong tâm trí Rosa Parks trong gần 11 năm sau. Và bà quyết định không ngồi yên trên chiếc xe buýt ở Montgomery" - Winfrey nói trong bài phát biểu.

Winfrey còn cảm ơn Hiệp hội Báo chí Nước ngoài Hollywood, tổ chức trao giải Quả cầu Vàng

"Chúng ta đều biết rằng báo giới giờ đây đang bị "bao vây", song chúng ta cũng biết rằng không vì thế mà mình lờ đi nạn tham nhũng, bất công, những kẻ bạo ngược và nạn nhân, những bí mật và lời nói dối" – Winfrey nói. Bà chấm dứt bài phát biểu của mình bằng khẳng định "một ngày mới đang ở đường chân trời".

Danh sách các giải chính của Quả cầu Vàng 2018:

- Phim chính kịch hay nhất: Three Billboards Outside Ebbing, Missouri

- Nam diễn viên phim điện ảnh/chính kịch: Gary Oldman (Darkest Hour)

- Nữ diễn viên phim điện ảnh/chính kịch: Frances McDormand (Three Billboards Outside Ebbing, Missouri)

- Đạo diễn phim điện ảnh: Guillermo Del Toro (The Shape of Water)

- Serie phim truyền hình hay nhất: The Handmaid's Tale

- Nam diễn viên phim truyền hình: Sterling K. Brown (This is Us)

- Nữ diễn viên phim truyền hình: Elisabeth Moss (The Handmaid's Tale)

Đề cử giải Quả cầu Vàng 2018: Chưa thoát được 'lối cũ'

Đề cử giải Quả cầu Vàng 2018: Chưa thoát được 'lối cũ'

Bộ phim có bối cảnh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh "The Shape Of Water" của nhà làm phim Mexico Guillermo del Toro đã dẫn đầu danh sách đề cử giải Quả cầu Vàng năm 2018 với 7 đề cử, trong khi phim chính kịch "Big Little Lies" của HBO được 6 đề cử.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm