Hôm nay, Hà Nội thực hiện đổi giờ: Ngổn ngang trăm mối

01/02/2012 09:01 GMT+7 | Thế giới

Mọi câu chuyện diễn ra tại cổng các trường học khu vực trung tâm Hà Nội chiều 31/1 đều xoay quanh chủ đề "đổi giờ học".
Hiệu quả giảm ùn tắc giao thông thì chưa thể đong, đếm nhưng những hệ lụy từ quyết định trên đã được các bậc phụ huynh "tính đủ".
 
Phụ huynh lo lắng
 
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 1/2 lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng sẽ phải làm việc sớm hơn 30 phút để điều hành giao thông. Bên cạnh đó, thời gian hoạt động phục vụ giờ cao điểm của hệ thống xe buýt sẽ kéo dài hơn 60 phút so với hiện nay. Cụ thể, giờ cao điểm sáng sẽ bắt đầu từ 6h đến 9h, cao điểm chiều từ 16h30 đến 19h30. Ngoài ra, trên những tuyến có nhiều trường đại học, lượng phương tiện cá nhân cao như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Xuân Thủy... sẽ tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay đến 7-8 phút/lượt...

Đây là tâm trạng của hầu hết các phụ huynh và người nhà học sinh mà chúng tôi tiếp xúc. Các phụ huynh cho rằng việc đổi giờ sẽ gây xáo trộn lớn đến mọi gia đình. Có phụ huynh nói rằng, việc đổi giờ cho thấy sự bế tắc trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông của Hà Nội, hầu hết các biện pháp tình thế đã đưa ra như phân làn, cấm taxi, bịt ngã tư... đều không phát huy hiệu quả.
 
Bà Phạm Thị Hiền, có con 9 tuổi đang học tại Trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa) nói: "Tôi nghĩ thay đổi giờ giấc thế này sẽ khiến phụ huynh và học sinh mệt mỏi thêm. Các cháu học cả ngày ở trường đã mệt lắm rồi, bây giờ lại chờ đợi cả tiếng đồng hồ nữa mới được đón về. Không phải gia đình nào cũng có ông bà hoặc người giúp việc, các ông bố bà mẹ sẽ rất khó khăn để tính toán giờ giấc cho hợp lý". Ông Lâm (phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa), sau khi đọc thông báo về thực hiện đổi giờ học của Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Đống Đa) quay sang nói với nhiều người cùng đợi đón con, cháu: "Chỉ khổ các cháu. Cháu tôi 4h chiều tan học về nhà đã ăn ngấu ăn nghiến. Từ nay giờ 5h chiều mới được tan học thì có mà chết đói"...
 
Việc thành phố chỉ quy định giờ bắt đầu và kết thúc học cũng đã gây sự không thống nhất về giờ tan học buổi trưa và giờ vào học ca chiều đối với ngay cả những trường cùng khối, cùng quận. Cụ thể tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt quy định nếu học sinh không ăn bán trú thì 11h phụ huynh đón con và 14h20 đưa tới học ca chiều. Nhưng tại Trường tiểu học Văn Chương (Đống Đa) thì giờ tan học sáng là 11h15 và giờ đưa con tới ca học chiều là 14h15.
 
Nhà trường lúng túng
 

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong thời gian đầu thực hiện đổi giờ học theo quyết định của UBND thành phố sẽ gặp một số khó khăn: thời gian làm việc của các cô giáo mầm non và tiểu học sẽ phải kéo dài thêm từ 1 đến 2 tiếng; điều chỉnh thời khoá biểu sao cho phù hợp, hài hoà giữa ca sáng và ca chiều; học sinh học ca chiều tại các trường THPT tan vào sau 19h sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt, học tập vào buổi tối... Cũng theo Sở GD&ĐT, sẽ không tránh khỏi tình trạng học sinh đi học muộn khi bắt đầu thực hiện quyết định. Do đó, Sở yêu cầu các nhà trường cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên vào học, tránh tình trạng học sinh sinh viên không được vào lớp vì lý do đi học muộn giờ. Đối với trường hợp học ca chiều, phụ huynh học sinh chưa kịp đến đón con, nhà trường cần có biện pháp quản lý chờ gia đình đến đón.

Để thực hiện quyết định điều chỉnh giờ của thành phố, từ trước Tết Nguyên đán, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị và ra công văn hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, đến ngày 31/1 vẫn còn nhiều trường không có báo cáo về Sở tình hình thực hiện quyết định điều chỉnh giờ. Trong thông báo phát đi lúc 15h20 ngày 31/1, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị còn lại khẩn trương gửi báo cáo về kết quả triển khai của đơn vị. Cũng tại thông báo trên, Sở yêu cầu các đơn vị không được tự ý định ra các giờ học trái quy định của văn bản chỉ đạo điều chỉnh giờ làm việc và giờ học tập của thành phố và của ngành. Trong quá trình triển khai thực hiện các trường học và các cơ sở giáo dục cần tổng hợp tình hình và ý kiến đóng góp phản hồi của cha, mẹ học sinh, sinh viên để Sở tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đến hơn 17h ngày 31/1, Sở vẫn phải ra thông báo khẩn đề nghị Hiệu trưởng trường THPT các quận nội thành và các trường THPT thuộc 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm báo cáo gấp giờ vào học ca sáng và giờ kết thúc ca chiều trước 9h ngày 1/2. Sự "khẩn cấp" trên cho thấy các trường THPT đang lúng túng, bị động khi thực hiện điều chỉnh giờ học.
 
Ước tính có khoảng 900 trường với trên 510.000 học sinh trên tổng số hơn 2.500 trường học và gần 1,5 triệu học sinh trên toàn thành phố nằm trong diện cần thực hiện thay đổi giờ học theo Quyết định số 315/QĐ-UBND (chiếm khoảng 30%) của UBND thành phố Hà Nội.
 
 
Theo Gia đình và Xã hội
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm