Yohan Blake: "Quái thú" đã sẵn sàng đánh bại "tia chớp"

30/07/2012 12:57 GMT+7 | Các môn thể thao khác

 

(TT&VH) - Yohan Blake là người chạy nhanh nhất thế giới trong năm 2012, người có nhiều hy vọng nhất để đánh bại người bạn thân, bạn tập, đồng hương và huyền thoại điền kinh Usain Bolt ở lượt chạy 100 mét chung kết trên SVĐ Olympic ngày 5/8 tới.

 

Tôi ăn, ngủ, suy nghĩ, đi đứng và cầu nguyện về cuộc thi đó. Lượt chạy chung kết ở Olympic là thượng đỉnh của thượng đỉnh”, Blake chia sẻ. “Làm sao tôi không bị ám ảnh bởi nó chứ? Tôi nhắm mắt lại và mơ về nó. Tôi cống hiến tất cả mọi thứ. Đó là lý do tại sao tôi có biệt danh Quái thú. Triết lý của tôi là: khi những người khác còn ngủ thì tôi tập. Tôi không bao giờ ngừng tập luyện, tôi muốn là người giỏi nhất”.

 

"Quái thú" là biệt danh mà Bolt đặt cho Blake sau khi anh trở thành người chạy 200 mét nhanh thứ hai trong lịch sử, 19,26 giây, ở Brussels năm ngoái. Thành tích đó kết thúc một mùa hè vang dội khi Blake giành HCV 100 mét ở giải vô địch thế giới tại Daegu, Hàn Quốc sau khi Bolt bị loại vì xuất phát sai luật. Trước cuộc đua ở Brussels, Bolt gọi Blake là “Bolt hậu bối”, vì tuổi đời trẻ hơn và khát vọng lật đổ chính anh.

 

Blake đã bước sang tuổi 22 vào ngày Boxing (26/12) vừa rồi. “Điều đó có nghĩa là Chúa Jesus hơn tôi một ngày”, anh đùa. Blake không có ý báng bổ thần thánh. Trái lại, anh là một người Công giáo sùng đạo luôn bắt đầu một ngày mới bằng vài phút cầu kinh trong im lặng. “Cha mẹ tôi, cả gia đình tôi đều sùng đạo”, Blake nói. “Đó là lý do tại sao tôi là một người không thích ồn ào, nhưng trên đường chạy thì khác”.

 

Bolt, sẽ 26 tuổi vào tháng tới, không phải là một người sùng đạo như thế. Anh tin tưởng hơn vào chính mình, và thế giới cũng tin tưởng vào anh, tất cả tạo nên một kịch bản rất đáng chờ đợi ở các nội dung chạy nước rút tại Olympic London 2012. Nhiều người thậm chí đặt giả thuyết chính tốc độ của Blake đã gây áp lực khiến Bolt xuất phát sớm ở giải vô địch thế giới. Những người khác chờ đợi việc Blake đánh bại Bolt ở lượt chạy thử nội dung 100 và 200 mét ở Jamaica tháng trước cũng là những gì có thể xảy ra tại London.

 

Nếu Bolt có thể lặp lại phong độ của anh trong các năm 2008 và 2009, anh chắc chắn là không thể đánh bại. Nhưng đang xuất hiện nhiều nghi hoặc xung quanh thể lực và tinh thần của Bolt sau khi anh không xuất hiện trong một buổi tập công khai ở khu huấn luyện của đội điền kinh Jamaica tại Birmingham tuần này. Blake, giành chiến thắng ở giải vô địch thế giới dễ dàng với mức 9,85 giây, không ngại ngần tạo thêm chút áp lực cho đối thủ: “Bất bại trong năm nay là điều quan trọng. Tôi có lợi thế về tâm lý”.

 

Cạnh tranh sòng phẳng với Bolt

 

Nhưng sự cạnh tranh không làm sứt mẻ tình cảm giữa họ. “Tôi là bạn anh ấy”, Blake nói về người đồng hương cùng xuất thân từ CLB điền kinh ở Kingston, lò đào tạo trứ danh của HLV Glen Mills, mà cả hai coi như một người cha. “Usain và tôi là đối thủ ở nội dung cá nhân, nhưng là đồng đội trong nội dung tiếp sức. Chúng tôi chia sẻ với nhau về cuộc sống, khát vọng, về cricket, các cô gái, chia sẻ bí quyết để tập trung, ăn tối cùng nhau, mọi thứ”.

 

Xuất thân giống nhau là rất quan trọng. Cả hai cùng lớn lên ở thế giới thứ ba tại Jamaica, vùng nông thôn cách xa những bãi cát mịn và các khu nghỉ dưỡng xa xỉ trên các tờ rơi quảng cáo du lịch hàng triệu dặm. Blake lớn lên ở Bogue Hill, gần Montego Bay, thành phố lớn thứ hai Jamaica. “Mọi chuyện chẳng dễ dàng”, Blake nhớ lại. “Cuộc sống vui nhưng vất vả”. Bolt lớn lên ở Trelawny, nơi cha anh Gideon giờ vẫn còn bán đồ tạp hóa ở cửa hàng nhỏ xíu của ông. Cả hai đều bỏ học sớm và đều rất yêu cricket.

 

Blake tham gia điền kinh năm 16 tuổi và 2 năm sau gia nhập lò huấn luyện của Mills ở Đại học West Indies, thủ đô Kingston. Không lâu sau khi gia nhập lò Mills, Blake bị xét nghiệm dương tính với chất bị cấm methylxanthine. Ủy ban chống doping Jamaica treo giò anh 3 tháng, khiến Blake bỏ lỡ giải vô địch thế giới 2009. Niềm tin tôn giáo giúp anh vượt qua nỗi buồn. “Tôi luôn cầu nguyện”, anh nói. “Chúa giúp tôi tin mọi việc đều có thể… Có nhiều VĐV ở Jamaica cùng xuất thân như tôi, họ cũng nỗ lực rất lớn để đạt được giấc mơ của mình. Tôi muốn trở thành một tấm gương, muốn làm từ thiện, muốn khuyến khích và giúp đỡ mọi người bên ngoài đường chạy”.

 

Anh sẽ có nhiều cơ hội hơn làm những điều đó với 3 mục tiêu lớn ở London lần này, những tấm HCV ở các nội dung 100, 200 và 4x100 mét.

 

T.T

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm