10/07/2016 14:28 GMT+7 | Tranh cãi
(giaidauscholar.com) - Khi Đức thua Pháp ở bán kết, đã có rất nhiều người cảm thấy thất vọng vô cùng. Họ có thể là fan tuyển Đức, một fan trung lập, hoặc thậm một người yêu Les Bleus nhưng đủ mở lòng để nhìn nhận rằng đội bóng nào đã chơi xuất sắc hơn suốt cả một giải đấu nói riêng, và 2 năm vừa rồi nói chung.
1. Đơn giản, họ kỳ vọng thứ bóng đá đẹp mà khoa học; mẫn cảm mà chính xác; tinh tế mà lý trí của Đức sẽ lên ngôi. Như hồi 2008 vậy, khi TBN vô địch, nhiều người nói đó là “chiến thắng của cái đẹp”. Hôm nay, nhiều người mong Đức cũng mang lại một chiến thắng cho cái đẹp. Vậy mà cái đẹp ấy lại không thể lên ngôi, một lần nữa.
Nhưng khi chúng ta đọc được những dòng mà Mesut Oezil viết trên Twitter, sau thất bại của Đức, hoá ra chức vô địch không chỉ là một chiến thắng ở trận chung kết, và chiếc cúp được trao vào tay những người quả cảm. Vẫn còn một chức vô địch khác, vô hình: Chức vô địch trong lòng người.
“Cảm giác thất vọng não nề về một thất bại cay đắng vẫn còn vẹn nguyên y như ngày hôm qua. Nó không chỉ là số trời vậy, hay chuyện may mắn không ở bên chúng tôi. Tuy nhiên, thực sự chúc mừng những người Pháp vì đã là một chủ nhà tuyệt vời. Đội bóng của các bạn và đặc biệt là khán giả của các bạn quá xứng đáng với tất cả những gì các bạn đã làm trên khắp đất nước kể từ tháng 11/2015. Tạm biệt và cảm ơn nước Pháp”. Oezil đã viết như thế, một dòng cảm ơn khiến người Pháp phải trân trọng. Và điều đó càng làm cho vẻ đẹp của bóng đá Đức được ngưỡng mộ hơn. Trong lòng mỗi chúng ta, Đức chính thức là nhà vô địch của EURO, dù không chạm tay vào cúp.
2. Khi Pháp đặt chân vào chung kết, có những bình luận của những người Việt không khỏi khiến người yêu tuyển Pháp phải phiền lòng. Họ chú thích dưới tấm hình Griezmann đang chạy ăn mừng bàn thắng và sau lưng anh là các đồng đội với những câu chữ kiểu như “Ồ, sao mà tuyển Pháp tối om thế này”. Họ ám chỉ những cầu thủ gốc Phi của tuyển Pháp. Đó là cái cách họ vẫn nói về Les Bleus từ năm 1998 tới nay. Họ cho rằng đó là thứ sức mạnh vay mượn mà họ quên mất rằng, nước Pháp là nơi mở rộng vòng tay cho những người nhập cư cả một thời gian dài, để rồi phải nhận cả những bi kịch từ đó. Sự kỳ thị hoá ra nằm sẵn trong tiềm thức của mỗi chúng ta, đặc biệt là khi chạm đến ngưỡng của yêu-ghét vị kỷ. Không lẽ, màu da lại có lỗi hay sao?
Năm 2015, ở Đức có một bộ phim độc lập được ra mắt, có tên là “Er ist wieder da” (Xem kìa, ai trở lại?). Bộ phim đưa ra một câu chuyện tưởng tượng bỗng dưng Hitler sống lại, giữa nước Đức ở giai đoạn này, và bắt đầu trở thành ngôi sao truyền hình thực tế. Và người phóng viên truyền hình dùng ông như nấc thang để quay lại với công việc mà anh ta mới vừa bị mất đã nhận ra, sau một hành trình dài với Hitler, rằng anh ta không thể sống cùng một con người mang trong mình tư tưởng kỳ thị như thế được. Và ở đoạn kết, anh ta bắn Hitler, ông ta rơi từ tầng cao xuống đất. Anh ta nghĩ mình đã giải thoát khi Hitler chết nhưng đột nhiên Hitler xuất hiện ngay sau lưng anh ta, nói mỗi một câu: “Anh nghĩ anh thoát nổi ta sao? Ta là một phần trong anh, là một phần trong tất cả mọi người”.
Đó là đoạn hay nhất của một bộ phim nhàng nhàng. Nhưng nó nói được đúng một sự thật: “Trong mỗi chúng ta đều tồn tại một Hitler, tồn tại một con quỷ kỳ thị. Chỉ có điều, ta có đánh thức nó hay không mà thôi”.
3. Pháp hay BĐN có lên ngôi, cũng như nhau thôi. Vì chức vô địch dành cho đội nào chơi tốt hơn, may mắn hơn ở chung kết. Nhưng chúng ta rất cần một chức vô địch khác nữa, trong một trận chung kết trường kỳ của cả xã hội lẫn cuộc đời từng con người. Đó là trận chung kết giữa cái thiện và cái ác, giữa trái tim độ lượng với con quỷ kỳ thị đang ẩn nấp mỗi ngày. Và chức vô địch ấy mới cần hơn tất thảy, nhất là ở trong giai đoạn thế giới đã ngày càng trở nên điên rồ hơn rất nhiều.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất