11/07/2016 17:42 GMT+7 | Euro 2020
(giaidauscholar.com)- Có quá nhiều điều để nói về thất bại của tuyển Pháp, từ chuyên môn cho tới tinh thần thi đấu, từ bản lĩnh cho tới đẳng cấp… Khi đã có kết quả, mổ xẻ những cá nhân thành công hay thất bại rất dễ. Với người thành công, ta có thể đưa họ một tấc lên mây. Còn với kẻ thất bại, mọi cái hố đều được đào sẵn để vùi chôn chính họ.
Payet khẳng định rằng anh không cố tình chơi ác ý để làm đau CR7. Nhưng ai tin lời anh nói nhỉ? Người ta sẽ cho rằng “Kiểu gì mà hắn chẳng phải nói thế”. Đơn giản, khi đã mang cái yêu-ghét vị kỷ trong nhận định, chúng ta rất dễ sa vào cái bẫy của thuyết âm mưu, với những âm mưu được tưởng tượng ra để phục vụ cái lý của mình.
Nhưng tôi tin Payet, không phải vì tôi là fan của tuyển Pháp. Tôi tin Payet ở tư cách một người cầm bút, công bình, trung dung. Và tôi có lý do để tin.
Mùa giải 2015/16 vừa rồi, Payet đã 30 trận cho West Ham ở Premier League. Trong 30 trận ấy, Payet chỉ “tắc kê” (tackle) bóng đúng 24 lần với tỷ lệ thành công đạt 67%. Điều đó chứng tỏ, Payet không phải là một mẫu cầu thủ ham tắc bóng, đặc biệt là khi anh chơi ở West Ham, dưới triết lý áp sát quyết liệt của Bilic. Và trong 30 trận tại Premier League mùa vừa qua, Payet chỉ phạm lỗi đúng 13 lần, nhận 3 thẻ vàng. Yêu-ghét vị kỷ trong ta có thể nói dối. Nhưng con số thống kê không nói dối. Payet có thể được coi là mẫu cầu thủ chơi bóng sạch sẽ, quân tử và nếu nói không quá thì là hiền lành.
Payet bị ghét vì pha phạm lỗi với Ronaldo
Đánh giá con người, chúng ta phải đánh giá bằng quá trình. Và với quá trình ấy, Payet không thể là người bị kết án đã cố tình chơi ác ý để buộc Ronaldo phải rời sân.
Trở lại với pha va chạm của Payet với Ronaldo, chúng ta phải khẳng định rằng đó là một cú “tắc kê” đúng nghĩa. Báo chí Anh, báo chí Pháp, báo chí BĐN đều dùng từ “tắc kê” để mô tả pha vào bóng ấy. Nhưng nó có phạm lỗi không? Tôi khẳng định là không. Payet vào đúng bóng. Nhưng cú va chạm ấy, và tư thế khi va chạm, đã khiến gối của Ronaldo bị “vặn” (twist). Ronaldo không trách Payet. Payet cũng nắm lấy tay Ronaldo khi đối thủ nằm sân. Họ là dân chuyên nghiệp, họ cùng hiểu một mùa bóng dài quá tải đã khiến Ronaldo không thể trụ lại trước những va chạm kiểu ấy, những va chạm bắt-buộc-phải-có, bắt-buộc-phải-chấp-nhận khi chơi bóng đá.
Thế mới thấy rõ, khi yêu, người ta có thể bỏ qua tất cả. Còn khi ghét, người ta có thể rủa xả rất nhanh, như những ý kiến đang rủa xả Payet như thể anh là một gã đồ tể.
Pháp muốn thắng BĐN không? Họ muốn đến cháy lòng. Nhưng họ là nhưng ngôi sao lớn, và họ muốn đánh bại đối thủ cũng phải là ngôi sao lớn. Họ hiểu, thắng BĐN không Ronaldo thì chẳng thể vẻ vang bằng thắng BĐN được dẫn dắt bởi Ronaldo. Nhưng tiếc rằng, họ đã thua, vì BĐN còn những ngôi sao lớn khác, như Pepe, như Nani…
Bóng đá là phải có yêu, có ghét thì thưởng thức nó mới thú vị. Song, khi nhận xét về bóng đá, về cầu thủ, về trọng tài, đừng để cái yêu-ghét ấy nó làm chủ mình. Trên lằn ranh của yêu ghét, ta càng phải tỉnh táo hơn, nhất là khi nhận xét của ta gắn liền đến phẩm cách của một cá nhân nào đó.
Trên youtube có một video rất hay mô ta một thanh niên Pháp, trong màu áo Les Bleus, khóc nức nở sau trận chung kết. Và rồi, lại gần an ủi anh là một cậu bé, cỡ 10-12 tuổi, trong màu áo BĐN. Anh đã lau nước mắt, để nhận ra rằng thắng thua cũng thường tình. Anh ôm lấy cậu bé, hôn lên tóc cậu, cảm ơn cậu.
Cả chàng trai Pháp và cậu bé BĐN kia có yêu, ghét hay không? Có. Nhưng họ đi trên lằn ranh đó, rất phân minh, rất lịch lãm.
Và biết đâu chừng, cậu bé ấy khi lớn lên, sẽ lại là một số 7 lừng danh, khóc trong một trận chung kết???
Hà Quang Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất