23/03/2023 16:10 GMT+7 | Tin tức 24h
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm Liên bang Nga kéo dài 3 ngày với nhiều kết quả quan trọng. Hai nước đã cùng ký và công bố tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và hợp tác song phương trong kỷ nguyên mới.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung Quốc ngày càng khăng khít
Từ ngày 20 đến 22/3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm Liên bang Nga để tăng cường hợp tác song phương và thắt chặt mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, do đó chuyến thăm một lần nữa khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng phối hợp cùng với Nga để giải quyết những vấn đề “nóng” trên toàn cầu.
Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Cách đây tròn 10 năm, vào tháng 3/2013, Nga cũng là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch nước. Điều này phần nào thể hiện sự gần gũi và tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước láng giềng được cho là có nhiều điểm song trùng về lợi ích, cũng cho thấy rằng Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Nga. Ngay cả trước thềm chuyến thăm, khi thông báo về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước, tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Trong chuyến thăm, nhiều văn kiện song phương sẽ được ký kết và các vấn đề về quan hệ đối tác chiến lược được thảo luận”.
Trên thực tế, quan hệ Nga-Trung đã được nâng lên tầm cao mới trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Trung Quốc hồi đầu tháng 2/2022 khi hai bên khẳng định trong tuyên bố chung rằng tình hữu nghị giữa hai nhà nước là “không giới hạn”. Hơn một năm sau khi xác lập khuôn khổ quan hệ song phương này, cũng là quãng thời gian các quan hệ quốc tế biến chuyển mạnh sau khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022, quan hệ Nga-Trung đã “ở mức cao nhất trong lịch sử” (theo bài viết của Tổng thống Putin đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 19/3/2023).
Cũng trước khi thăm Moskva, ông Tập Cận Bình đã viết trên tờ Rossiiskaya Gazeta của Nga rằng hai nước đã “củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau và thúc đẩy một mô hình quan hệ nước lớn mới” và “quan hệ song phương đã trưởng thành và bền vững hơn”.
Trong năm 2022 vừa qua, trong bối cảnh Nga chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, quan hệ Nga-Trung Quốc càng được thắt chặt hơn. Theo các nhà phân tích, một loạt sự kiện từ cuộc xung đột ở Ukraine tới lệnh hạn chế của phương Tây về xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc, hay gần đây là thỏa thuận tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia đã khiến Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Về hợp tác kinh tế, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại chính của Nga trong hơn 10 năm qua, đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 30% trong năm 2022, dự kiến vượt mục tiêu 200 tỷ USD đề ra vào năm 2024. Cùng với nhiều công trình giao thông kết nối hai nền kinh tế, Nga đứng thứ hai về cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống và thứ tư về khí đốt hóa lỏng cho Trung Quốc. Hiện hơn 50% giao dịch thương mại giữa hai nước thực hiện bằng nội tệ. Nga và Trung Quốc cũng tổ chức hai cuộc tập trận trong năm 2022.
Ngoài ra, đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từng nêu trong một thông điệp đăng trên Twitter ngày 17/3 rằng Trung Quốc sẽ giữ “vị trí khách quan và công bằng” về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và “đóng vai trò xây dựng trong việc khuyến khích đàm phán vì hòa bình”. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine, cùng với vị thế quốc tế ngày càng lớn, nên Trung Quốc có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trung Quốc cũng là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày càng khẳng định vai trò là một cường quốc có trách nhiệm. Gần đây, vào dịp tròn 1 năm xung đột Nga-Ukraine (ngày 24/2/2023), Trung Quốc đã công bố đề xuất 12 điểm được gọi là "Giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine" - vốn được xem là kế hoạch hòa bình đầu tiên mà Bắc Kinh đưa ra nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, Trung Quốc đã bày tỏ rõ lập trường rằng đối thoại, đàm phán là cách khả dĩ duy nhất nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine. Bên cạnh đó, Trung Quốc cho rằng, tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine làm việc theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt, để dần dần hạ nhiệt tình hình, cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.
Tiếp tục thắt chặt quan hệ hơn nữa
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều nhất trí giữ vững nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi; thực hiện phát triển độc lập lâu dài của hai nước, nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Nga, tạo động lực mới cho việc thúc đẩy hợp tác song phương toàn diện, duy trì đà tăng trưởng nhanh chóng của thương mại song phương về hàng hóa và dịch vụ.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai bên không giống như các liên minh quân sự và chính trị trong Chiến tranh Lạnh, mà vượt qua các mô hình quan hệ này. Nga cần một Trung Quốc thịnh vượng, ổn định và Trung Quốc cần một nước Nga lớn mạnh, thành công. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc và Nga, với tư cách là các cường quốc và là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký kết 2 Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới và về Kế hoạch phát triển các lĩnh vực trọng điểm trong hợp tác kinh tế hai nước đến năm 2030. Cùng với đó là 12 văn bản, trong đó có nghị định thư về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, từ thương mại, công nghiệp đến khoa học và quân sự.
Phát biểu với báo chí, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Tổng thống Putin khẳng định, các cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, cũng như đàm phán giữa các phái đoàn trong khuôn khổ hẹp diễn ra thành công, trong bầu không khí xây dựng, thân thiện và nồng ấm. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, thúc đẩy quan hệ với Nga là một lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đã đưa ra trên cơ sở lợi ích cơ bản của chính mình và các xu hướng phổ biến của thế giới. Hai nước chia sẻ cam kết xây dựng một thế giới đa cực và dân chủ hóa các quan hệ quốc tế, góp phần vào sự phát triển toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn.
Trong Tuyên bố chung về Kế hoạch phát triển những ưu tiên trong hợp tác kinh tế Trung Quốc-Nga đến năm 2030, hai bên đã đưa ra nhiều mô hình hợp tác mới nhằm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên trên 200 tỷ USD trong năm 2023 và tăng hơn nữa trong những năm tiếp theo. Đáng chú ý, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi trao đổi hối đoái bằng đồng nội tệ để tiết giảm tối đa sự phụ thuộc vào đồng USD, mở ra một xu hướng đa phương tiện thanh toán quốc tế, có tác dụng hỗ trợ về kinh tế cho mô hình trật tự thế giới đa cực.
Nga cam kết sẽ tăng cường cung cấp thực phẩm cho thị trường Trung Quốc rộng lớn. Hai bên nhận thấy nhiều cơ hội xuất khẩu thịt, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác từ Nga sang Trung Quốc. Các bộ liên quan của Nga đang tiến hành các công việc cần thiết để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và cải thiện khả năng tiếp cận lẫn nhau đối với các sản phẩm thực phẩm.
Hai nước cũng nhất trí thiết lập kế hoạch toàn diện trong hợp tác thương mại. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng 116% trong 10 năm. Kết quả này không chỉ củng cố quan hệ song phương, mà còn tạo động lực đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội hai nước.
Về năng lượng, Nga vẫn là nhà cung cấp chiến lược dầu mỏ, khí tự nhiên, cũng như than và điện cho Trung Quốc. Tổng thống Nga Putin khẳng định doanh nghiệp Nga có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng từ nền kinh tế Trung Quốc.
Liên quan tình hình xung đột tại Ukraine, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, nhiều điểm trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng tại Ukraine phù hợp cách tiếp cận của Nga và có thể được coi là cơ sở cho giải pháp hòa bình khi Kiev và phương Tây sẵn sàng thảo luận. Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì nhấn mạnh, Bắc Kinh tuân thủ quan điểm khách quan và công bằng về vấn đề Ukraine, ủng hộ hòa bình, đối thoại, cũng như tích cực thúc đẩy khôi phục đàm phán...
Các nhà phân tích đánh giá, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp diễn, gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế, an ninh, trật tự thế giới thì việc duy trì một mối quan hệ bền vững Nga và Trung Quốc trở thành nền tảng để đôi bên tiếp tục thể hiện trách nhiệm, nâng cao vai trò trong giải quyết những thách thức toàn cầu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất