(giaidauscholar.com) -
Với kinh nghiệm của một nghệ sĩ thực hành, một giám tuyển và là nhà nghiên cứu nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Như Huy đã chỉ ra một khía cạnh: Zone 9 - nơi được đầu tư và xây dựng theo lối nhân tạo.
“Quận nghệ thuật vừa là một hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa hậu công nghiệp (theo nghĩa là một khuôn mặt tất yếu của ngành công nghiệp không khói, tức công nghiệp văn hóa), vừa có tính nhân tạo, theo nghĩa vừa là một thực hành chủ động để tạo ra lợi nhuận của các cá nhân/chính quyền - biết tận dụng toàn cầu hóa để thu hút nguồn đầu tư/lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự phát triển địa phương”, Nguyễn Như Huy bắt đầu câu chuyện.
Một tất yếu đời sống
* Như anh vừa nói, “quận nghệ thuật” phải là một phát triển tất yếu từ đô thị hậu công nghiệp?
- Nhìn từ góc độ khách quan, theo tôi, thì đúng là vậy. Có một thực tế là về mặt nguồn gốc, những quận nghệ thuật đầu tiên trên thế giới, đều được sinh ra từ hiện tượng đô thị hóa. Có nghĩa rằng chúng đều sinh ra từ các hệ quả/hậu quả của việc chuyển đổi chức năng sử dụng, hay từ việc thay đổi/quy hoạch đô thị.
Lấy ví dụ từ một trong những quận nghệ thuật đầu tiên trên thế giới là khu SoHo “South Of Houston (Street)” ở New York chẳng hạn. Vào thời điểm đó, khi nơi này đang bị đưa vào chương trình tái quy hoạch đô thị và do đó trở thành khu vực có nhiều nhà máy, kho hàng, hay tòa nhà bỏ trống, các nghệ sĩ đã tự động di chuyển tới đó để chiếm dụng hay thuê mướn không gian làm việc với giá rất rẻ. Hay bản thân một khu rất nổi tiếng của Trung Quốc sau này đã thành một địa điểm du lịch buộc phải đến cho mọi du khách ghé Bắc Kinh là khu 798, thuộc quận nghệ thuật Dashanzi, cũng vậy.
* Thưa anh, có nơi nào quận nghệ thuật được làm theo kiểu bắt chước, rập khuôn không?
- Câu hỏi về sự bắt chước, rập khuôn ở đây cũng chính là câu hỏi về sự áp dụng thực hành tạo lợi nhuận và thu hút đầu tư kiểu này như thế nào để phù hợp với từng văn cảnh khác nhau. Và để cùng lúc vừa tạo lợi nhuận, vừa thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch, song vẫn duy trì được các thế mạnh địa phương của mình.
Tôi vẫn muốn quay lại mô hình Gillman Barracks của Singapore. Chúng ta phải thấy là chính quyền Singapore, hay nói chính xác hơn các nhà đầu tư đã rất thông minh khi sử dụng lõi cốt của một quận nghệ thuật theo kiểu truyền thống - tức sử dụng các không gian cũ chuyển chức năng thành không gian nghệ thuật. Việc này giúp mau chóng tạo cơ sở hạ tầng cả về mặt văn hóa lẫn mặt sử dụng kinh doanh cho “quận nghệ thuật” của riêng họ. Tuy nhiên, khác với các quận nghệ thuật theo kiểu du mục thời kỳ đầu, ở đây họ có sự quản lý rất chặt chẽ cả về quy hoạch, đầu tư cũng như về các mặt định chế kinh doanh nghệ thuật. Nó bao gồm hệ thống thuế má, các cơ sở có thẩm quyền về việc đảm bảo quyền tác giả hay bản quyền tác phẩm... Tức là, nơi đầy đủ những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy và mở ra một thị trường nghệ thuật sinh động, qua đó sinh lợi.
Dĩ nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể cũng như tình hình thực tế mà mỗi nơi sẽ tạo ra các mô hình quận nghệ thuật khác nhau. Vấn đề là phải cân bằng được sự chủ động (nhìn từ góc độ hỗ trợ qua các chính sách của chính quyền) với sự ngẫu hứng (nhìn từ góc độ sáng tạo của các nghệ sĩ). Điều cần thiết nhất ở đây, theo tôi, từ góc độ các nhà lập chính sách văn hóa, là việc họ phải thật tỉnh táo để nhìn nhận mô hình quận nghệ thuật trong ánh sáng của thế giới toàn cầu hóa, tức nhìn nó như một thực hành công nghiệp văn hóa tạo lợi nhuận và thúc đẩy phát triển văn hóa địa phương. Và để chủ động tận dụng nó, ít ra như chính quyền Bắc Kinh đã tận dụng khu 798, hay chính quyền Singapore đã tận dụng khu Gillman Barracks.
Về phía nghệ sĩ, theo tôi cũng cần nhìn nhận quận nghệ thuật dưới ánh sáng này, nên không cần biến quận nghệ thuật thành một ốc đảo cực đoan theo kiểu những năm 1960-1970, hay thành các thực hành văn hóa kiểu cảm tử của một thế giới chưa có Internet hay chưa có sự bùng nổ du lịch. Có như vậy, thì mới tận dụng thực hành này như một lối ra thế giới, cũng như tạo lợi nhuận cho mình trong vai trò những nghệ sĩ độc lập.
* Nói như vậy thì những mâu thuẫn nội tại của “quận nghệ thuật” còn không, khi mà giá thuê rẻ/đắt, thử nghiệm và kinh doanh nghệ thuật… đã trở thành nhu cầu “trao đổi” thuần túy hơn?
- Thật ra, nếu nhìn nhận quận nghệ thuật như một khu vực kinh doanh, một thực hành thương mại của ngành công nghiệp văn hóa, dĩ nhiên việc thuê rẻ, đắt, sự đảm bảo an toàn về các mặt, cơ sở hạ tầng về mặt luật pháp, bản quyền..., là những thứ cần phải nhìn nhận và xem xét một cách nghiêm túc.
Có thể lấy ví dụ ngay tại Hà Nội, nếu nói quận nghệ thuật theo nghĩa một khu vực giá sinh hoạt rẻ, quy tụ được các nghệ sĩ về sống và làm việc, thì chính là làng Ngọc Thụy, bên Gia Lâm. Nơi đây mới là một khu vực kiểu thuần túy như thế, tức được hình thành một cách khách quan, nằm bên ngoài các bài toán kinh doanh, so với khu vực Zone 9 - nơi được đầu tư và xây dựng theo lối nhân tạo.
Dĩ nhiên ở một khu vực như Zone 9, nơi các nhu cầu và thực hành văn hóa, nghệ thuật và thương mại, cũng như các hiệu ứng xã hội sẽ phức tạp hơn rất nhiều khu vực làng Ngọc Thụy. Cho nên các nghệ sĩ/các nhà kinh doanh nghệ thuật và văn hóa tại đây cần phải tuân thủ một cách thông minh và sáng tạo - tôi nhấn mạnh: một cách sáng tạo - các yêu cầu từ phía chủ quản, hay chủ cho thuê, để đạt được mục tiêu của mình.
Về mặt thử nghiệm nghệ thuật, thì ở một khu vực như Zone 9, nơi tập trung rất nhiều nhu cầu phức tạp, thậm chí lẫn lộn cả về thương mại lẫn văn hóa, tức nơi đậm chất “cảnh diễn” (spectacle) - xin mượn thuật ngữ của nghệ sĩ và nhà lý thuyết Guy Debor - hơn là nơi của thực tế thường nhật, theo tôi cũng cần phải xem xét kỹ càng từ nhiều góc độ. Ở góc độ của bài này, tôi chỉ muốn bàn tới chủ đề quận nghệ thuật như một thực thể thuộc ngành công nghiệp văn hóa, tức từ góc độ quản lý và điều phối nó sao cho tạo ra lợi nhuận và thúc đẩy sự phát triển văn hóa tại địa phương.