Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Bản sắc Việt Nam, giá trị toàn cầu

14/07/2025 06:28 GMT+7 | Văn hoá

Vào lúc 13h ngày 12/7, giờ Paris (tức 18h ngày 12/7, giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 47 của UNESCO, giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch kỳ họp - đã chính thức gõ búa công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.

Đây là di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).

Từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, trải dài trên các địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi, là biểu tượng cho truyền thống văn hóa, tín ngưỡng và triết lý nhân sinh của Việt Nam. Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, dòng thiền Trúc Lâm do các vua Trần (đặc biệt là Phật hoàng Trần Nhân Tông) sáng lập vào thế kỷ XIII, không chỉ góp phần hình thành bản sắc dân tộc mà còn lan tỏa những giá trị khoan dung, hòa hợp, gắn kết con người với thiên nhiên.

Triết lý này là sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo đại thừa, đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo cùng tín ngưỡng bản địa, tạo nên nền tảng tinh thần bền vững của người Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu gìn giữ giá trị chung của UNESCO: giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình, tôn trọng tự nhiên và phát triển bền vững.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Bản sắc Việt Nam, giá trị toàn cầu - Ảnh 1.

Quang cảnh tại kỳ họp ở Paris, khi quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được vinh danh

Ở quần thể này, các di tích, đền chùa, am thất, bia đá, mộc bản… được bảo tồn nghiêm ngặt, phân bố trên không gian rộng lớn từ Yên Tử tới Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn, Kiếp Bạc, phản ánh rõ các giai đoạn phát triển của Phật giáo Trúc Lâm: từ thành lập, thể chế hóa, phục hưng đến tiếp tục lan tỏa các giá trị nhân văn, sáng tạo. Những di tích này là trung tâm văn hóa tâm linh, điểm hành hương của hàng triệu du khách mỗi năm.

Việc UNESCO chính thức công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới gắn với việc di sản này đảm bảo các tiêu chí (iii) và (vi).

Ở tiêu chí (iii), quần thể này cho thấy sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam; cùng cảnh quan linh thiêng được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết với thiên nhiên; và một hệ thống đạo đức dựa trên lòng yêu chuộng hòa bình, tu dưỡng bản thân, lòng khoan dung, nhân ái và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Còn theo tiêu chí (vi), quần thể này là minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách thức một tôn giáo, xuất phát từ nhiều tín ngưỡng, bắt nguồn và phát triển từ quê hương Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục, thúc đẩy một quốc gia mạnh mẽ, bảo đảm hòa bình và hợp tác khu vực.

Cụ thể, quần thể này thể hiện đầy đủ truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, từ việc thành lập tại vùng núi thiêng núi Yên Tử được chứng minh trong các đền cổ, di tích khảo cổ, đến di tích chùa Vĩnh Nghiêm và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; và sự hệ thống hóa các triết lý thể hiện qua các văn bia, di vật liên quan và thực hành nghi lễ. Các di tích này cung cấp đầy đủ đại diện về các chiều kích lịch sử, tinh thần và địa lý của Phật giáo thiền Trúc Lâm, đồng thời liên tục là nơi tổ chức các nghi lễ, lễ hội, hoằng dương Phật pháp và hành hương đến các điểm di tích - cả ở Việt Nam và các tổ chức Phật giáo Trúc Lâm quốc tế - chứng minh sự liên quan toàn cầu bền vững của triết lý nhân sinh, giá trị sống, tinh thần cộng đồng xã hội, sống hài hòa với thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình và lòng nhân ái.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Bản sắc Việt Nam, giá trị toàn cầu - Ảnh 2.

Chùa Đồng ở Yên Tử. Ảnh: TTXVN phát

Đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương

Xúc động trước việc quần thể này được UNESCO ghi danh là Di sản Thế giới, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (Phó Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ), chia sẻ: Đây là niềm tự hào lớn không chỉ với ba địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước.

Bà Hạnh cũng nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, bảo đảm tính bền vững và lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của Di sản Thế giới này.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ, sự kiện này khẳng định những đánh giá cao từ quốc tế với các giá trị của quần thể di tích và những tư tưởng nhân văn, hòa hiếu của Phật giáo Trúc Lâm, cũng như nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản. Bên cạnh đó, việc quần thể được UNESCO ghi danh còn giúp tăng cường liên kết vùng giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, xây dựng một không gian di sản thống nhất, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Trong nội dung phát biểu đáp từ tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Bộ VH,TT&DL cùng các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới theo hướng bền vững, thực hiện tốt mô hình quản lý các di sản thế giới ở Việt Nam. Điều này đã được cụ thể hóa bằng Luật Di sản văn hóa năm 2024, với việc bổ sung các quy định phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO, xây dựng kế hoạch quản lý di sản, đánh giá tác động di sản, gắn bảo tồn di tích với bảo vệ di sản phi vật thể, phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm