Quần vợt tại Thế vận hội: Sân chơi cho những kẻ mộng mơ

25/07/2024 06:32 GMT+7 | Thể thao

Trong khi Novak Djokovic vẫn khao khát tấm HCV Olympic, thì trong lịch sử, có khá nhiều tay vợt chưa từng đăng quang ở Grand Slam, nhưng đã lên ngôi tại Thế vận hội.

Steffi Graf, Rafael Nadal, và chị em nhà Williams là những tay vợt hiếm hoi trong lịch sử được tận hưởng niềm vui ở cả Grand Slam và Olympic. Trong khi đó, vô số huyền thoại Grand Slam như Pete Sampras, Andre Agassi, Roger Federer, Novak Djokovic, Monica Seles, Justine Henin, Martina Hingis… chưa bao giờ đoạt HCV đơn ở Olympic kể từ khi môn quần vợt được đưa chương trình thi đấu.

Và cũng có những tay vợt chưa bao giờ giành được Grand Slam nào, nhưng đã được hưởng niềm vui mà Djokovic đang khao khát: Giành HCV Olympic. Đó cũng chính là những thành công lớn nhất trong sự nghiệp của họ.

1988: Miroslav Mecir

Nhà vô địch đơn nam Olympic đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Năm đó, tấm HCV của Mecir bị lu mờ bởi kỳ tích Golden Slam của đồng nghiệp bên phía giải nữ, Steffi Graf - người đã vô địch cả 4 Grand Slam và giành HCV Olympic.

Tay vợt người Séc & Slovakia khi ấy là hạt giống số 3 ở Seoul. Ông đã đánh bại hạt giống số 1 Stefan Edberg sau 5 set đấu rượt đuổi ngoạn mục về tỷ số. Đến chung kết, Mecir hạ nốt hạt giống số 2 Tim Mayotte sau 4 set đấu. Mecir là một trong những nhà vô địch Olympic từng suýt đoạt Grand Slam. Ông từng lọt vào chung kết US Open 1986 và Australian Open 1989, nhưng đều thua đồng hương Ivan Lendl.

Trong sự nghiệp của mình, Mecir từng giành 11 danh hiệu ATP và đạt thứ hạng cao nhất là số 4 ATP vào tháng 2/1988.

1992: Marc Rosset

Một trong những nhà vô địch bất ngờ nhất trong lịch sử Thế vận hội. Hẳn nhiên, tấm HCV Olympic tại Barcelona 1992 ấy là điểm sáng nhất trong sự nghiệp tay vợt người Thụy Sĩ này.

Ở nội dung đơn nam môn quần vợt ở Olympic 1992, Rosset không được xếp hạng hạt giống, nhưng ông liên tiếp tạo nên những cơn địa chấn. Đầu tiên là chiến thắng 3-0 trước hạt giống số 1 Jim Courier tại vòng ba, và sau đó đánh bại tiếp hạt giống số 4 Goran Ivanisevic tại bán kết. Trong trận chung kết, Rosset gặp một hiện tượng khác - niềm hy vọng nước chủ nhà Jordi Arrese - và giành chiến thắng sau 5 set đấu căng thẳng.

Trong sự nghiệp của mình, Rosset đã giành 15 danh hiệu ATP và từng xếp hạng 9 thế giới, nhưng thành tích tốt nhất của ông tại Grand Slam chỉ là lọt vào bán kết Roland Garros 1996.

Quần vợt tại Thế vận hội: Sân chơi cho những kẻ mộng mơ - Ảnh 1.

Monica Puig từng khá vô danh trước khi giành HCV đơn nữ ở Rio 2016

2004: Nicolas Massu

Ngoài Serena và Venus Williams, Nicolas Massu là tay vợt duy nhất giành HCV ở cả nội dung đơn và đôi tại Olympic. Cả hai danh hiệu ấy đều đến ở Athens 2004.

Tại kỳ Thế vận hội cách đây đúng 20 năm, Massu là hạt giống số 10 ở nội dung đơn nam. Anh đã đánh bại hạt giống số 3 Carlos Moya ở vòng tứ kết, loại tiếp Taylor Dent ở bán kết. Và trong trận chung kết gặp Mardy Fishy, Massu giành chiến thắng sau 5 set đấu căng thẳng. Không những thế, anh còn cùng với đồng hương Fernando Gonzalez giành HCV nội dung đôi nam.

Trong sự nghiệp của mình, Massu từng xếp hạng 9 thế giới và đoạt 6 danh hiệu ATP, nhưng anh chưa bao giờ lọt được vào nổi tứ kết Grand Slam.

2008: Elena Dementieva

Dementieva có lẽ là tay vợt nữ hay nhất chưa từng giành được Grand Slam. Bù lại, cô đã vươn tới đỉnh cao ở Bắc Kinh 2008, giải đấu mà cô là hạt giống số 5. Trước đó 8 năm, tay vợt người Nga cũng gây ấn tượng rất mạnh khi giành tấm HCB ở Sydney 2000 (thua Venus Williams).

Tại Bắc Kinh, Dementieva đã gây sốc khi loại Serena Williams ở vòng tứ kết, và sau đó loại đồng hương Vero Zvonareva tại bán kết. Ở chung kết, cô đánh bại tiếp một đồng hương nữa là Dinara Safina - người sau đó lên ngôi ngôi số một thế giới - để giành HCV. Với việc Zvonareva đánh bại Li Na ở trận tranh huy chương đồng, nội dung đơn nữ ở Bắc Kinh 2008 là một màn "càn quét" thực sự của người Nga.

Dementieva từng xếp hạng 3 thế giới, giành 16 danh hiệu WTA. Tại sân chơi Grand Slam, cô từng vào chung kết Roland Garros 2004 (thua Myskina) và US Open 2004 (thua Kuznetsova).

2016: Monica Puig

Đây chắc chắn là cú sốc lớn nhất trong lịch sử môn quần vợt Olympic. Tay vợt gần như vô danh người Puerto Rico đã viết lên một câu chuyện cổ tích tại Rio 2016 khi tiến thẳng đến trận chung kết và giành HCV.

Trên hành trình ở Rio, Monica Puig đã đánh bại nhưng ứng cử viên sáng giá như Garbine Muguruza và Petra Kvitova. Ở trận chung kết, cô tiếp tục gây sốc khi đánh bại đương kim vô địch Australian Open Angelique Kerber - người sau đó không lâu đã vô địch cả US Open - với 3 set đấu.

Đó mới là danh hiệu thứ hai và cũng là danh hiệu WTA cuối cùng trong sự nghiệp của Monica Puig, người chỉ vươn đến hạng cao nhất là 27 thế giới. Năm 2022, Puig từ giã sự nghiệp sau một loạt chấn thương.

2020: Alexander Zverev và Belinda Bencic

Đây là kỳ Thế vận hội duy nhất mà cả tay vợt giành HCV đơn nam (Zverev) và đơn nữ (Bencic) đều chưa từng giành được một danh hiệu Grand Slam nào.

Trong số hai người, Zverev từng lọt vào đến chung kết US Open 2020 (thua Dominic Thiem), và mới đây là chung kết Roland Garros 2024 (thua Carlos Alcaraz). Tại Tokyo 3 năm trước, Zverev đã đánh bại hạt giống số 1 Novak Djokovic ở vòng bán kết trước khi thắng dễ Karen Khachanov 2-0 ở trận chung kết. Giờ đây, anh sẽ tới Paris với tư cách ĐKVĐ. Zverev đang sở hữu 22 danh hiệu và từng xếp hạng 2 ATP.

Bencic chắc chắn không thể tới Paris để bảo vệ chức vô địch bởi cô vừa hạ sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, tay vợt người Thụy Sĩ chắc chắn vẫn còn lưu giữ những ký ức đẹp 3 năm trước. Năm đó, Bencic loại Elena Rybakina sau 3 set ở bán kết, trước khi thắng tiếp 3 set ở chung kết trước Marketa Vondrousova. Ở nội dung đôi, Bencic đánh cặp với Viktorija Golubic và đã giành huy chương bạc.

Belinda Bencic đang sở hữu 8 danh hiệu WTA và từng xếp hạng 4 thế giới - thời điểm mà cô được so sánh với huyền thoại đồng hương Martina Hingis. Nhưng thành tích tốt nhất của cô ở Grand Slam chỉ là lọt vào bán kết US Open 2019.

Kỷ lục của Murray

Andy Murray, người vừa tuyên bố sẽ từ giã sự nghiệp sau Olympic 2024, là tay vợt bị đánh giá thấp nhất trong Big Four, nhưng anh là tay vợt duy nhất trong lịch sử đã hơn một lần giành cả Grand Slam lẫn HCV Olympic.

Cụ thể, ở đấu trường Grand Slam, Murray đã giành 3 chức vô địch ở Wimbledon 2013, 2016, và US Open 2012. Bên cạnh đó là 6 lần về nhì ở Australian Open (5) và Roland Garros (1). Trong khi đó, tại sân chơi Olympic, Murray đã xuất sắc giành HCV ở hai kỳ Thế vận hội 2012 và 2016. Anh cũng là tay vợt duy nhất trong lịch sử bảo vệ thành công tấm HCV Olympic.

Phương Chi

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm