Ai cứu được quần vợt Việt Nam?

11/04/2015 13:45 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Chuyện lộn xộn, tố cáo lẫn nhau giữa các tay vợt của đội tuyển với Liên đoàn quần vợt sau Davis Cup mới đây chỉ là sự tiếp nối những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ.

Sự việc xuất phát từ lời tố cáo của tay vợt Lâm Quang Trí về một nhân vật núp bóng Liên đoàn thao túng đội tuyển. Rồi ông Tổng thư ký Nguyễn Quốc Kỳ đòi kỷ luật Quang Trí và cả Minh Quân với cáo buộc anh vô kỷ luật giành quyền đội trưởng của đội tuyển ở Davis Cup khi đấu với tuyển Campuchia tại Malaysia.

Hoàng Nam “gánh” đòn khi  người lớn “đấu” nhau   

Tưởng như đó là một đội tuyển đoàn kết nhất như các tay vợt tuyên bố, và là chìa khoá giúp Việt Nam thăng hạng, trở lại nhóm 2 thì hoá ra cũng chẳng cải thiện so với quá khứ.

Năm ngoái, tay vợt số 1 Hoàng Nam từng dính tai họa đầu đời khi bị cấm thi đấu, tước danh hiệu tuyển thủ tiêu biểu. Tài năng trẻ quê Tây Ninh bỗng dưng là nạn nhân từ cuộc “đối đầu” ngoài sân bóng của người lớn. Thậm chí, nó còn giống như một màn “tấn công trực diện” được khởi phát từ ông thầy ruột và B.Bình Dương.  Cũng chẳng cần giấu bài hay kín miếng, đơn vị chủ quản đã hai lần kiên quyết  “chống lệnh” không để Nam lên làm nghĩa vụ quốc gia. 



Lý Hoàng Nam từng nhiều lần lỡ cơ hội thi đấu cho đội tuyển quốc gia vì những tranh chấp không đáng có

Họ còn chẳng “thèm” phản hồi các quyết định triệu tập, thằng thừng từ chối làm việc với lãnh đạo bộ môn và Liên đoàn Quần vợt Việt Nam để tháo gỡ khúc mắc. Nơi đã có công phát hiện, đào tạo nên Nam cho rằng “cấp trên” vốn đã không hỗ trợ được gì mà còn luôn tỏ ra quan trọng và gây khó dễ. Còn các nhà quản lý môn này sau vài cuộc xuống nước mà vẫn bị qua mặt và coi thường, đã đáp trả quyết liệt bằng một án kỷ luật nặng dành cho Nam.

Hồi 2013,  cũng chỉ vì một trường hợp khiếu nại về danh sách ĐTQG, Liên đoàn “lớn” đã cùng Liên đoàn TP.HCM đã sử dụng mọi diễn đàn để đùn đẩy trách nhiệm, làm xấu mặt nhau suốt vài tuần liền. Căng đến mức, TP.HCM còn cho đăng hẳn một thư trên trang thông tin chính thức  của mình để nói về “cái lưỡi không xương” của ông Trưởng bộ môn kiêm Phó Tổng thư ký Liên đoàn Trung ương.

Càng bi hài bởi chính hai “đầu mối” bộ môn và Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cũng có “truyền thống” mất đoàn kết. Các buổi tổng kết “hỗn hợp” đều xảy ra tranh cãi nảy lửa, chỉ trích cá nhân thậm tệ. Người ta có thể  thoải mái đứng lên yêu cầu ông Phó Chủ tịch này hay ông Tổng thư ký kia nghỉ. Không phải ngẫu nhiên, Liên đoàn từng phải cho ông Trưởng bộ môn kiêm nhiệm Phó Tổng thư ký nghỉ giữa nhiệm kỳ, tiếng là để tập trung cho mảng quản lý nhà nước song thực chất để nội bộ đỡ rối.

"Dằn mặt " và "trả đũa"

Một môi trường chung mờ đục như thế, ĐTQG chính là một sản phẩm kết đọng cho tất cả, với những HLV, VĐV hầu hết đều… không phải dạng vừa. Từng có thời điểm, việc triệu tập ai, để ai thi đấu, sắp xếp đội hình như thế nào hoàn toàn do ông hay bà “sao”  ấy  quyết định. Hễ động chạm tới quyền lợi, hay đơn giản không theo đúng ý mình, họ lập tức xù lông nhím phản ứng tới cùng.

Trong đó, “kinh điển” nhất có lẽ phải kể đến vụ lùm xùm thầy dằn mặt trò, trò trả đũa thầy ở đợt tập huấn ĐTQG chuẩn bị cho SEA Games 2011. Ở đó, không hề có sự tồn tại của mối quan hệ thầy trò hay chí ít người đồng môn ở mức tối thiểu. Mọi người đều bàng hoàng khi tay vợt Lê Quốc Khánh trưng ra tin nhắn mà HLV ĐTQG  Trương Quốc Bảo (đơn vị Quân Đội)  với cách xưng hô “mày tao” cùng nội dung không chỉ dằn mặt học trò một thời trên Tuyển  mà còn dọa dẫm theo kiểu “quyết đấu” với ông thầy Bảo Trị và người đồng đội Minh Quân của Khánh ở đội TP.HCM.  Và chính Khánh cũng đáp lại ông Bảo với những cái tin “ghê” không kém, đầy thách thức như ở ngoài đường ngoài chợ.

Rồi cũng ngay trước thềm SEA Games 2011, hai “sao” một già một trẻ Minh Quân và Đài Trang còn khiến dư luận cả nước dậy sóng với hành động tổ chức “họp báo” công bố yêu sách sẽ rút lui khỏi ĐTQG nếu như hai tay vợt Quốc Khánh, Mai Huỳnh không được gọi bổ sung. Tất nhiên, chuyện đòi tự chọn đội hình không được chấp nhận, Quân  Trang phải xin lỗi và xin rút đơn. Chỉ có điều, sau đó, họ không phải nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào, thậm chí vẫn được dự tranh SEA Games.

Khi “đầu tàu” lạc lối và sa lầy

Sự vụ ầm ĩ quen thuộc và không đáng có của ĐTQG nam ngay sau chiến tích giành quyền lên nhóm 2 Davis Cup khu vực châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục cho thấy làng banh nỉ Việt chưa biết đến bao giờ mới có đoàn kết thực sự.  Có nhiều nguyên nhân của nghịch cảnh kéo dài đó, song suy cho cùng  trách nhiệm lớn nhất thuộc về  hai “đầu tàu”- bộ môn quần vợt của ngành thể thao và nhất là Liên đoàn Quần vợt VN.

Dù có xuất phát điểm cực tốt, vô cùng thuận lợi để hội nhập quốc tế và xã hội hóa song hai “đầu tàu” này đã tụt lại quá xa so với đòi hỏi thực tế. Chính bộ môn và Liên đoàn đã không thể tận dụng thành công phong trào tennis phát triển mạnh chục năm qua để phát triển đỉnh cao. ấVn đề cốt tử là quần vợt Việt Nam lâu nay  không thu hút, tập hợp được những người đứng mũi chịu sào đủ tài, tầm, uy cùng điều kiện cần thiết để điều hành, thúc đẩy cả môn tiến lên.

Bộ môn quần vợt của ngành thể thao, hơn 20 năm nay, do một cán bộ có gốc là trọng tài quốc tế bóng bàn, mà đến giờ vẫn sắm vai một người ngoại đạo, mọi công việc gần như chỉ ứng phó cho hết trách nhiệm. Liên đoàn Quần vợt VN- tổ chức xã hội nghề nghiệp -  còn tệ hơn  vì  mấy nhiệm kỳ vừa qua luôn rơi vào tình cảnh Chủ tịch hưu trí và Tổng thư ký làm thêm.

Các “đầu tàu” này  đang cho thấy sự bất lực trong việc đưa quần vợt Việt Nam phát triển. Vậy thì ai có thể cứu được quần vợt Việt Nam?

Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm