07/02/2018 07:00 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Những cột mốc mà đội tuyển U23 Việt Nam vừa cắm trên đấu trường châu lục là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nền bóng đá quốc gia. Và đây cũng là nội dung chính của cuộc đàm luận tất niênthú vị giữa báo Thể thao & Văn hóavới BLV Quang Huy, nhà báo Dương Thanh Liêm (báo Lao Động) và MC - BLV Lý Chánh.
Cuộc 'cách mạng' mang tên Park Hang Seo
Nhà báo Trần Hải - Báo Thể thao & Văn hóa: Chỉ trong thời gian ngắn, chính xác là hơn 40 ngày tính đến trước thềm VCK U23 châu Á 2018, HLV Park Hang Seo đã làm cuộc cách mạng triệt để về lối chơi và thành công. Trong 1 bài viết tôi đã ví, Park như vị vua Midas, chạm vào đâu cũng thành “vàng”. Theo tôi, ông Park và cộng sự của ông nên xây dựng lối chơi có bản sắc cho bóng đá Việt Nam, từ chính cái cách mà đội tuyển U23 Việt Nam đã vận hành.
BLV Quang Huy: Chưa bao giờ chúng ta thấy 1 đội bóng Việt Nam chơi quật cường, bản lĩnh, chạy không biết mệt với đấu pháp hợp lý đến thế. Công đầu vẫn phải nói đến HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo. Cũng là 1 HLV đến từ Đông Bắc Á như ông Miura nhưng Park không bị đơn độc khi có trong tay 2 trợ lý đồng hương tuyệt vời. Chế độ tập luyện, dinh dưỡng hợp lý cùng sự kiên định trong lối chơi và cách dụng binh quá xuất sắc đã khiến U23 như lột xác đến mức HLV lão làng Lê Thụy Hải phải thốt lên rằng: "có những chiêu thức dụng binh của ông Park mà các HLV trong nước như tôi không biết được".
Và trong thành công của U23 chúng ta cũng cần nhắc đến vai trò của Giám đốc kỹ thuật Juegen Gede.
Nhà báo Dương Thanh Liêm: Vượt qua vòng bảng, vào đến chung kết và chỉ thua ở phút cuối hiệp phụ, thành tích đó có thể còn rất lâu nữa bóng đá Việt Nam mới chạm tới.
Có thể là điều may mắn, khi U23 Việt Nam bước vào giải với cái đầu nhẹ tênh. Đầu nhẹ thì dễ bảo đôi chân, đó là lợi thế của một đội bóng yếu, bị đánh giá thấp và được chơi “cửa dưới” với tư tưởng không thua là thắng. Rồi có 2 yếu tố chuyên môn mà thầy trò HLV Park Hang Seo thuyết phục tất cả: Một là hệ thống phòng ngự được xây dựng, tổ chức quá tốt và không bị rối, kể cả những thời điểm chịu sức ép nhất. Thứ hai, đó là những phương án tấn công khi cần đều tạo ra kết quả. Đó là kết quả của sự chuẩn bị chứ không phải may mắn.
Tuy nhiên, với cách chơi chỉ cầm bóng khoảng 30% mỗi trận, phòng ngự 2 tầng và đưa bóng cho đối thủ chơi dù đã thành công tại giải vừa rồi, vẫn cần phải chờ đợi U23 Việt Nam của ông Park khi gặp tình huống khác, ví dụ trước các đối thủ ngang hàng ở Đông Nam Á hoặc thấp hơn mà Việt Nam phải chủ động chơi bóng, tấn công và áp đặt.
MC Lý Chánh: Ở một đất nước cháy bỏng vì bóng đá như Việt Nam, việc người hâm mộ xuống đường sau những chiến tích vang dội là điều bình thường. Tuy nhiên, thái độ của người hâm mộ lần này cho thấy nó còn hơn cả sự ăn mừng như đã nói, mà còn thể hiện lòng tin vào một thế hệ xanh, sạch, và đẹp. Và cả tương lai của bóng đá Việt Nam nữa!
Cuộc đời xem bóng đá của tôi chưa từng chứng kiến một đội bóng trẻ nào (chưa phải là đội tuyển quốc gia) lại có thể mang cả DÂN TỘC xích lại gần nhau đến như vậy. Người Việt ở Mỹ, ở Úc, ở Canada, ở Pháp - kể cả những người mà thường ngày vẫn còn có thành kiến với nơi chôn nhau cắt rốn của mình - cũng đã cùng hít thở chung một bầu không khí bóng đá của dân tộc.
Hiệu ứng tuyệt vời cho nền bóng đá
Nhà báo Trần Hải: Tôi cho rằng, đội tuyển U23 Việt Nam đã và sẽ mang lại hiệu ứng tuyệt vời cho nền bóng đá, từ việc thu hút nguồn lực, kích cầu. Chúng ta phải biết nắm bắt thời cơ, bởi nó không thường xuyên xảy ra.
Nhà báo Dương Thanh Liêm: 4 năm trước, U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa đầu tiên của Học viện HAGL cũng tạo ra thứ hiệu ứng kinh khủng như U23 Việt Nam làm được bây giờ. Thứ dễ nhận thấy và tác động trực tiếp nhất, đó là đánh thức tình yêu, quan tâm của nhiều thế hệ và có thể tạo ra một thế hệ khán giả rất trẻ, mới lần đầu tiếp xúc với bóng đá.
Thành công của bóng đá trẻ Việt Nam từ đôi ba năm đổ lại cho thấy, đào tạo trẻ phải được đề cao và trở thành trách nhiệm với nền bóng đá quốc gia.
Cá nhân tôi cho rằng, tác động hiện hữu và gần gũi nhất từ thành công U23 Việt Nam là tiếng kêu cứu từ đội hạng Nhì Quảng Ngãi và thực tế có đến 3 đội bóng ở hạng thấp đáng lẽ phải là chân đế của các giải chuyên nghiệp này rút lui khỏi giải đấu. Nếu nhờ U23 Việt Nam và sức lan tỏa của thành công có thể giúp lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có động thái, ví dụ cho cơ chế để bóng đá tồn tại và các doanh nghiệp chung tay để gây dựng, nuôi bóng đá, đó mới là thành quả hữu ích nhất.
BLV Quang Huy: Thành công của U23 làm chúng ta không thể quên công sức của các lò đào tạo như HAGL, Hà Nội, PVF, SLNA, Viettel... Giờ đây mọi người đều đã thấy được ích lợi của công tác đào tạo trẻ và chắc chắn sắp tới bóng đá trẻ của chúng ta sẽ còn tốt hơn nữa.
Cũng nhờ U23 mà V-League 2018 sẽ có 1 cú hích và có cơ hội tái cấu trúc không thể tốt hơn. Rất nhiều người lâu nay quay lưng với bóng đá trong nước chắc chắn sẽ lại đến sân.
MC Lý Chánh: Xem U23 đá, mọi người cũng dễ dàng tha thứ cho nhau vì niềm vui chung. Xem tứ kết ở một quán bia, khi Việt Nam gỡ hòa, anh phục vụ bàn lấy luôn ly bia của chúng tôi lên cụng. Chuyện nhỏ. Xem bán kết, trong lúc ăn mừng tôi đã vô tình chỉa ngón tay làm chảy cả máu mắt một bạn trẻ, bạn cũng cho qua, vì “Việt Nam mình thắng là được rồi anh ơi!”. Những chuyện nhỏ, nhưng niềm xúc động lại vô cùng lớn.
Ở nơi làm việc, mọi người cũng gần gũi, thân thiện, cởi mở với nhau hơn. Đó là chuyện có thật.
Nói theo ngôn ngữ điện ảnh thì mỗi lần ra sân là mỗi lần U23 Việt Nam tạo ra một bộ phim bom tấn mà kịch bản không cần viết trước. Hãy nhìn Mỹ Đình (Hà Nội), phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) là sẽ biết.
Những con người làm nên lịch sử này xứng đáng được nhận lấy những gì tốt đẹp nhất, từ nhà nước, từ những Mạnh Thường Quân, và từ chính sự nổi tiếng của họ.
Trên cao là gió
Nhà báo Trần Hải: Chúng ta vui với chiến tích lịch sử của đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng có lẽ không nên vui quá, sau bao bài học nhãn tiền. Khi đội bóng đang mừng công tại SVĐ Thống Nhất (TP.HCM), với bao hoạt động lễ lạt mang màu sắc thương mại, thì ở cách đó vài km, cựu danh thủ Võ Thành Sơn và những người bạn lại đang tri ân các HLV, các đồng đội cũ gặp khó khăn. Nên nhớ, những người này đã từng giúp bóng đá Việt Nam vô địch SEAP Games (tên gọi tiền thân của SEA Games), giành ngôi quán quân Merdeka Cup...
Tôi cho rằng, chúng ta đã vui quá đà mà quên đi một trong những nghĩa cử thiêng liêng nhất mà bóng đá đem lại, đấy là trách nhiệm với cộng đồng. Rồi việc thương mại hóa đội bóng một cách quá đà giống như căn bệnh khó chữa.Chưa kể vụ Bùi Tiến Dũng nữa…
BLV Quang Huy: Với vụ việc liên quan đến thủ môn Bùi Tiến Dũng, cá nhân tôi thấy đây là bài học rất kịp thời với cá nhân Dũng và những cầu thủ có triển vọng. Chúng ta rất mong muốn những cầu thủ tài năng có thề giàu có bằng sức lao động bản thân nhưng cần phải hiểu ngay cả Messi hay Neymar ở độ tuổi U23, nhất nhất đều phải theo CLB chủ quản.
Hy vọng Bùi Tiến Dũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi "sự cố" vừa rồi và mọi người cũng nên thông cảm cho em bởi nói cho cùng Dũng chưa ký bất kỳ hợp đồng nào và làm tổn hại bất kỳ ai.
MC Lý Chánh: Sẽ không có gì bất thường nếu như họ duy trì phong độ, đạo đức, và sự nghiệp ở đỉnh cao để trở thành những cầu thủ triệu phú - như đạo diễn Lê Hoàng đã nói trong một chương trình Đội tuyển tôi yêu. Lúc đó, họ sẽ còn trở thành những người hùng, và là kim chỉ nam cho thế hệ tiếp sau nữa.
Nhà báo Dương Thanh Liêm: Một bài học cho tất cả và nó đặc biệt ý nghĩa với các cầu thủ trẻ, giữa dòng xoáy xã hội mà ở đó mạng xã hội chi phối sâu rộng. Không chỉ cầu thủ, từ những người làm bóng đá đến khán giả và truyền thông đều có cơ hội để ý thức rõ nhất về vấn đề không thể thiếu với bóng đá chuyên nghiệp.
Nhà báo Trần Hải: Xin cảm ơn các anh về cuộc trao đổi thú vị và nhân dịp năm mới chúc các anh cùng gia đình - Sức khỏe, hạnh phúc. Chúc bóng đá Việt Nam bay cao hơn từ lứa U23 này.
Báo Thể thao & Văn hóa (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất