22/12/2020 15:15 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hơn 20 năm trước, rời xứ Nghệ, Quang Khải vào học lớp cải lương tại Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Lựa chọn này ngay từ đầu Khải đã lường trước những khó khăn riêng: Do đặc điểm phương ngữ miền Bắc nên hát cải lương khó “mùi mẫn” như người Nam Bộ. Nhưng đến nay, con đường của Quang Khải chắc không dừng ở 2 HCV qua 2 vở diễn Mê cung và Mai Hắc Đế như hiện có.
1. Tôi gặp chàng trai có chất giọng xứ Nghệ trầm ấm trong một cuộc giao lưu cùng các văn nghệ sĩ. Em trân trọng mời tôi xem vở cải lương mới Chuyện tình Khau Vai (tác giả là PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ). Mới gặp thôi nhưng em đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Sau vở diễn với bao cảm xúc về tình yêu đẹp như một bài thơ trên miền cao nguyên đá tai mèo nhọn sắc ấy, tôi lên lớp dạy môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và… gặp “chàng Ba” đang là sinh viên lớp Cải lương liên thông khóa 33 Khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội…
“Chàng Ba” ấy là Trần Quang Khải (nghệ danh Quang Khải) sinh ngày 7/2/1979 trong một gia đình thuần nông tại xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa tỉnh Nghệ An. Là anh cả, từ nhỏ Khải đã làm đủ mọi công việc phụ giúp cha mẹ: Từ việc nhà nông như chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng… đến dấn thân chốn thương trường với một “tiểu thương” bán kem, giao bánh mì…
Gia đình Khải thuần nông, nhưng rất yêu nghệ thuật. Ông nội anh biết hầu hết các loại nhạc cụ dân tộc. Năm 16 tuổi, ông đã vào Huế chơi nhạc ở triều đình. Cây đàn kìm của nội có tuổi đời gần 100 tuổi vẫn được treo trang trọng trong nhà. Thừa hưởng gen của nội, cha và các cô chú trong gia đình đều biết chơi đàn, biết hát dân ca Nghệ Tĩnh và biết cả hát chèo. Khi có đoàn văn công nào về huyện, cha mẹ đều cho Khải đi coi. Thế nên, từ nhỏ, cậu bé Khải đã được xem các nghệ sĩ ở Đoàn Cải lương Bông sen trắng của tỉnh Nghệ An và các nghệ sĩ phía Nam về quê biểu diễn. Những vở cải lương như Mùa tôm, Gánh cỏ sông Hàn… đã gieo trong lòng cậu bé niềm khao khát, mơ ước.
Như mưa dầm thấm đất, không khí âm nhạc đã ít nhiều tác động đến cậu bé và vì thế năng khiếu nghệ thuật cứ âm ỉ gieo, chỉ chờ phát lộ. Là một cây văn nghệ của trường, cậu thích hát, thích diễn kịch, nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ của trường và địa phương. Cậu có chất giọng đẹp. Phương ngữ xứ Nghệ thích hợp cho cậu hát dân ca Nghệ Tĩnh. Mỗi khi cất lên, giọng ca của Khải trầm ấm, vang ngân cùng những nốt luyến láy đầy truyền cảm.
Năm 1997, tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai xứ Nghệ cũng phân vân “giữa ngã ba đường”. Thương cha mẹ vất vả, cặm cụi đồng áng, lại là con cả, Quang Khải định học nghề chụp ảnh để có thể phụ giúp gia đình, giúp các em học hành. Nhưng thương cậu cả 12 năm đèn sách, cha mẹ đã động viên con thi vào một trường nào đó mà con thích. Nghe lời cha mẹ, Khải chủ động định hướng sự nghiệp của mình theo con đường nghệ thuật.
Quang Khải bồi hồi nhớ lại những ký ức về trường từ những ngày đầu bỡ ngỡ: “Chúng em từ nhiều miền quê ra Hà Nội học tập. Đứa nào cũng ngô nghê, ngô ngố, lạ lẫm mọi thứ... Lúc đó, em nhỏ thó, ốm nhom, gầy tong teo mà các thầy vẫn phân công làm lớp trưởng. Thời điểm đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập của trường còn thiếu thốn lắm. Nhưng với niềm đam mê học tập, ham học hỏi, nên em đã vượt qua tất cả. Mà khó khăn này đã thấm tháp gì với ngày em ở quê. Nhà nghèo, hai anh em chung nhau một chiếc cặp sách. Em học sáng, nên tan trường là phải chạy về ngay, để đứa em kế còn có cặp sách đi học buổi chiều. Em vẫn ám ảnh bữa ăn chỉ cà mặn, nhút muối, khoai lang…Có được chất nhờn bóng môi, hay miếng thịt chỉ chờ đến ngày Tết và trong giấc mơ thường trực.
Nhưng em nghĩ cái khó chỉ là tạm thời. Câu đúc kết về người xứ Nghệ "Do đất xấu dân nghèo nên chịu khổ nhẫn nại, cần cù kiệm ước đã quen nề nếp" (Bùi Dương Lịch) cho em thêm năng lượng. Vì thế, được ra Hà Nội, xa gia đình, sống tự lập, nhưng em tự giác, xác định phải tập trung cao độ cho học tập, không chây lười, biếng nhác và có lẽ cũng chính vì thế mà em quên hết chuyện khác. Khó khăn, gian khổ đến mấy cũng không còn là chuyện lớn và đều có cách khắc phục. Trong 3 năm học, em được nhận học bổng và đi hát kiếm tiền đỡ đần cho cha mẹ ở quê”.
Những nỗ lực học tập của Quang Khải đã được ghi nhận. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tháng 9/2000, Quang Khải đầu quân cho Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam).
2. Cho đến bây giờ, 20 năm vào nghề, Quang Khải đã khẳng định được chất giọng đẹp mang màu sắc riêng trầm ấm, trữ tình, tha thiết đầy đậm hơi ấm tình cảm.Với nghệ thuật cải lương, giọng hát là yếu tố quan trọng, nhưng vẫn chưa phải là tất cả. Sở hữu chất giọng vàng, nghệ sĩ Quang Khải thăng hoa trên sân khấu, bởi sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giọng ca với khả năng diễn xuất phù hợp với từng loại nhân vật.
Từ Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 tại Đồng Nai, Quang Khải đã tạo được ấn tượng sâu sắc qua vai Thành trong vở cải lương Mê cung và đoạt HCV. Cũng từ thành công này, nhiều cơ hội có thể coi như “bàn đạp” đã đến với chàng trai xứ Nghệ.
Sự nỗ lực lao động sáng tạo, cháy hết mình cho nghệ thuật của Quang Khải đã “lọt mắt xanh” của đạo diễn Triệu Trung Kiên vốn rất kỹ tính. Anh đánh giá cao tài năng tiềm ẩn của người em cùng Đoàn đã từng vì “cơm áo kéo lôi”, đã “bạc mặt” với đủ nghề mưu sinh, thậm chí có lúc phải “đày đọa” bản thân, lãng phí chất giọng vàng đến mức chùng dây thanh đới, ù tai, không nghe được nhạc và nguy cơ mất giọng rất cao: “Quang Khải là nghệ sĩ có tiềm năng. Khi Khải hát, có thể không lập tức đập vào tai người nghe, nhưng nghe lâu lâu một chút, đặc biệt khi Khải vào vai diễn, thì lạ và có sức hút. Khải hát dân ca Nghệ An rất hay, khi đưa cái e, cái rung đó vào cải lương thì tạo cho Khải lối hát có nét riêng”.
Vì thế, từ năm 2013 đến nay, nghệ sĩ Quang Khải khá bận rộn, liên tục nhận những vai diễn “nặng ký” được đầu tư kinh phí (có sự đóng góp xã hội hóa) trong các vở diễn: Chuyện tình Khau Vai (2013), Mai Hắc Đế (2014),Vua Phật (2015), Hừng đông (2016), Ni sư Hương Tràng (2017), Thầy Ba Đợi (2018), Người đi tìm minh chủ (2018)…
Quang Khải có may mắn được giao những vai chính diện. Đó là những nhân vật lịch sử tầm cỡ, như: Mai Hắc Đế, Trần Nhân Tông, Phan Đăng Lưu; đồng thời là nhân vật có số phận, có nội tâm phức tạp. Quang Khải tự thấy cái tạng của mình hợp với những vai diễn tầm cỡ như thế và đó cũng là sở trường của “chàng Ba”. Nhưng đến vai Đặng Trần Thường trong vở Người đi tìm minh chủ, công diễn vào ngày 1/8/2018 tại Rạp hát Kim Mã (Hà Nội) khán giả thật sự bất ngờ cùng những ấn tượng sâu sắc về vai diễn mới.
Vở diễn tái hiện trên sân khấu cải lương cuộc đời của chí sĩ Ngô Thì Nhậm - một cuộc đời đầy biến cố, thăng trầm của một con người vẹn tròn tài, đức nhưng là hành trình đi tìm minh chủ để cống hiến cho nước, cho dân. Lần đầu tiên Quang Khải đảm nhận vai phản diện Đặng Trần Thường. Một lần nữa em đã chứng mình một cách thuyết phục tài năng nghệ sĩ không có “vùng cấm” với bất cứ vai diễn nào chính diện hay phản diện, tầng lớp vua quan hay thứ dân, đỉnh cao vinh quang hay kẻ ăn xin lấm đất…
Tôi xem Quang Khải vào vai Đặng Trần Thường ngọt đến mức, “đã” đến độ “bỗng dưng muốn ghét”. Chị bạn tôi ngồi bên cạnh khóc rưng rức khi Đặng Trần Thường hành hạ Ngô Thì Nhậm và chị nói với tôi còn ngân ngấn nước mắt: “Phải công nhận cái cậu diễn viên đóng Đặng Trần Thường đạt quá khiến mình ghét cay, ghét đắng, ghét không để đâu hết”.
3. Sau 14 năm tốt nghiệp, thành công trên con đường nghệ thuật, được ghi nhận qua từng vai diễn, nhưng chàng trai xứ Nghệ xác định “cái biết chỉ như một giọt nước”. Anh trở về trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tiếp tục học tập chuyên ngành diễn viên cải lương liên thông để làm đầy thêm tri thức như “biển cả mênh mông”. Năm 2016, Quang Khải tiếp tục nhận tấm bằng xuất sắc với vai Thành trong vở cải lương Mê cung do Triệu Trung Kiên vừa là tác giả, vừa là đạo diễn.
Ghi nhận nỗ lực cống hiến, tài năng nghệ thuật đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, năm 2019, Trần Quang Khải đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
(Còn tiếp)
Quang Khải hiện đang là Phó Trưởng đoàn biểu diễn 1 (phụ trách chuyên môn) của Nhà hát Cải lương Việt Nam - Đoàn Thể nghiệm với mục đích là tìm và thử áp dụng các phương pháp mới nhằm tìm hướng mới cho sân khấu cải lương hiện nay. |
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất