05/04/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày 2/4 vừa qua, đoàn cải lương xã hội hóa của ông bầu NSƯT Vũ Luân đã có vở diễn hoàn toàn mới với tên Tống Nhân Tông hoàng đế tại rạp Hưng Đạo. Cũng tại đó, ngày 23/4 tới, đoàn Đại Việt của ông bầu, soạn giả Hoàng Song Việt sẽ tái diễn vở Nàng Xê Đa, một dấu ấn mới của đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ, cũng tại cùng địa điểm.
Trong bối cảnh cải lương gặp khó khăn, nhiều đoàn tư nhân phía Nam vì không có nguồn tài trợ và ít vốn nên thường chọn giải pháp tái diễn lại tuồng cũ với kịch bản cũ. Vì vậy, đơn vị nào đủ khả năng dựng tuồng mới luôn là một nỗ lực đáng khen ngợi.
Không thể “ăn mày quá khứ”
Tất nhiên, việc dựng tuồng mới mới rất tốn kém vì phải đầu tư mới hoàn toàn. Trong khi đó, các đoàn diễn tuồng cũ thì không tốn tiền mua kịch bản mới, thuê đạo diễn, phục trang, cảnh trí, âm nhạc, âm thanh và ánh sáng. Trong bối cảnh cải lương đang nghèo khó, tái diễn kiểu “bổn cũ soạn lại” là giải pháp an toàn nhất. Thế nhưng, với người tâm huyết, dù phải vay tiền, bán nhà, bán xe hoặc “cày bừa” từ các công việc khác để có kinh phí đầu tư, họ vẫn hy sinh chứ quyết không “ăn mày quá khứ”.
Thực tế, từ khi đoàn cải lương Đại Việt được thành lập, ông bầu Hoàng Song Việt luôn dựng tuồng với kịch bản mới 100%, dù ông còn rất nhiều kịch bản cũ đã được trình diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Vở đầu tiên mà Đại Việt đầu tư là Chuyện tình Khau Vai, tới nay vẫn chưa thu hồi vốn. Vậy mà, đến vở thứ 2 Nàng Xê Đa, anh “chơi lớn” hơn nữa khi bỏ ra gần 800 triệu đồng để “khoác chiếc áo mới” cho tác phẩm. Đương nhiên, vở sẽ cần diễn thêm rất nhiều suất nữa mới hy vọng không bị... lỗ nặng.
“Cải lương muốn thu hút khán giả phải mới và đẹp từ nội dung đến hình thức, nên tôi hướng tới kịch bản mới. Chúng tôi viết kịch bản kiểu đo ni đóng giày cho các nghệ sĩ của mình, với hy vọng họ sẽ phát huy hết tài năng của mình. Trong trường hợp dựng lại các vở tuồng kinh điển, vẫn bắt buộc phải đầu tư mới về đường dây kịch bản và mọi thứ cần thiết. Bởi, chất lượng nghệ sĩ ngày nay đã khác nên diễn lại hệt như tiền bối, họ sẽ không thể thoát ra chiếc bóng quá lớn của người đi trước” - soạn giả, ông bầu Hoàng Song Việt chia sẻ - “Tư duy của công chúng ngày nay đã thay đổi. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận tốn kém để tạo nên vở diễn có sắc thái mới”.
Việc NSƯT Vũ Luân dựng tuồng mới Tống Nhân Tông hoàng đế cũng nằm trong nỗ lực mang lại cảm xúc mới cho khán giả. Trước đó, từ khá lâu, đoàn cải lương tư nhân Vũ Luân chỉ diễn đi diễn lại các tuồng cũ đã từng ăn khách. Các vở tuồng ấy khán giả là fan ruột của Vũ Luân gần như thuộc lòng. Họ mua vé xem gần như chỉ để ủng hộ thần tượng. Và như lời Vũ Luân, anh cũng nhận thấy cần có kịch bản mới để mình và các nghệ sĩ có sự sáng tạo, thăng hoa trong diễn xuất.
Quá hiếm soạn giả giỏi
Thế nhưng, các ông bầu dám dấn thân dựng tuồng mới như Vũ Luân,Hoàng Song Việt luôn vấp phải trở ngại lớn về kịch bản. Với Hoàng Song Việt, anh là soạn giả cải lương hàng đầu hiện nay, nhưng đoàn cải lương của anh cũng rất cân nhắc trong việc chọn kịch bản. Với các đoàn khác, việc tìm kịch bản mới và hay gần như mò kim đáy biển vì soạn giả cải lương lão luyện, đủ trình độ viết tuồng như Hoàng Song Việt quá khan hiếm. Đó cũng là nguyên do vì sao, các đoàn cứ diễn quanh đi quanh lại các tuồng cũ.
Ngoài ra, cũng có một điểm khá tế nhị: Khán giả cải lương phía Nam thích xem thể loại cải lương tuồng cổ có cốt truyện Trung Hoa, hay còn gọi là hát Hồ Quảng. Hiện tại, các đoàn tư nhân đang sáng đèn vẫn bám víu vào thể loại này, trong đó có những vở tuồng họ đã hát đi hát lại cả chục năm. Những kịch bản kiểu nàymang tính giả sử nên muốn sáng tạo kiểu gì cũng được, không sợ bị phán xét và bình phẩm, đào và kép chánh dù đang hóa thân vào nhân vật gì cũng có thể yêu đương mùi mẫn, ghen tuông đủ sắc thái với phục trang lấp lánh và điệu bộ đẹp mắt.
Trong khi đó, kịch bản cải lương sử Việt vô cùng khó viết, khi luôn đòi hỏi tác giả phải rất am hiểu lịch sử. Những ai hiểu biết chưa đủ mà dám chấp bút thường bị phê phán vì các tình tiết sai, chưa kể không tạo nên một câu chuyện hấp dẫn. Thêm vào đó, các nhân vật lịch sử có thật trong vở cũng không dễ để “yêu đương lãng mạn” nên chất trữ tình của cải lương bị giảm đi nhiều. Trong khi đó, tuồng xã hội xem ra dễ viết vì thuận lợi việc đề cập các vấn đề đương đại mà công chúng quan tâm, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, sau khi các thầy tuồng bậc thầy gác bút, không có một tuồng xã hội nào đủ gây dấu ấn mạnh mẽ với khán giả trung thành của cải lương.
Trong bối cảnh ấy, nhiều người tâm huyết cho rằng cải lương còn sáng đèn, chưa chết hẳn đã là may mắn. Và, nỗ lực của các ông bầu Hoàng Song Việt hay NSƯT Vũ Luân lại càng cần được trân trọng...
Nguyễn Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất