23/10/2014 13:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Luis Enrique là một con người dữ dội. Và ông cũng là một người của Barcelona. Một cuộc hôn nhân của những yếu tố trái ngược đang mang đến những kết quả không ngờ.
Enrique là một người của Barca, và cách nói ấy không chỉ đơn thuần rằng ông đã từng chơi bóng ở CLB. Ông còn là một tuyển trạch viên và huấn luyện viên ở đây, đã từng dẫn dắt đội trẻ của Barca.
Với Enrique, đối thủ là kẻ cắp
Enrique thấm nhuần phong cách bóng đá của Barca, và quyết định bổ nhiệm ông cũng phản ánh ý muốn trở lại với phong cách đặc trưng của CLB. Nhưng ông không chỉ đưa Barca trở lại với tiki-taka, ông còn đưa các cầu thủ của mình trở về với cái gốc của đội bóng, đẹp nhưng không kém phần mạnh mẽ.
Tiki-taka tất nhiên là đẹp, nếu người ta nghĩ rằng chơi bóng ngắn và phối hợp nhiều là tiêu chuẩn của cái đẹp trong bóng đá. Nhưng Luis Enrique không nghĩ điều đó là tuyệt đối. Joaquin Valdes, một trị liệu viên đã đi theo Enrique trong suốt 6 năm làm nghề huấn luyện nói: “Các cầu thủ, những người luôn có một động lực cá nhân nào đó khi ra sân, luôn có khả năng thành công cao hơn những người có động lực tập thể. Luis muốn các cầu thủ khi vào sân phải coi đối thủ như kẻ thù, như những tên móc túi, những tên cướp tài sản, là gì cũng được miễn đó là những kẻ mà mình khi nhìn thấy đã phải phát ốm. Bóng đá đối với ông ấy cũng như một cuộc chiến”.
Enrique là người thân thiện, luôn rộng cửa chào đón các cầu thủ và nói chuyện thân mật với họ. Nhưng khi làm việc, ông đối xử với họ không chút thân tình, “giống như bậc đế vương sai bảo cận thần vậy”, ông Valdes nói. Enrique có lần nói trước mặt các cầu thủ: “Tôi không chấp nhận một cầu thủ không hết lòng hoặc không có tham vọng, bởi những kẻ như thế là những kẻ tự dối gạt mình”.
Victor Sanchez Mata, tiền vệ của Espanyol, kể lại: “Chúng tôi đã phải thực hiện 3 môn phối hợp khi Enrique đến dẫn dắt Barca B. Chúng tôi chạy bộ trên sa mạc, xuống sông bơi một đoạn ngắn sang bờ bên kia, rồi nhảy lên xe đạp trên xa lộ Collserola. Chúng tôi thậm chí còn phải chạy bộ trên các bậc thang. Ông ấy đã từng dự nhiều giải marathon sau khi nghỉ hưu, nên không phải cầu thủ nào cũng bắt kịp được Enrique. Chúng tôi còn hay gọi ông ấy là “Người sắt”, vì ông ấy từng đi dự cuộc thi Người sắt ở Frankfurt”.
Real cũng là quân thù
Enrique đã làm như vậy ở Barca B, ở Roma, ở Celta Vigo, và bây giờ là cả Barcelona. Biết đá tiki-taka? Tốt thôi, anh có thể chơi cho Enrique. Nhưng nếu anh chỉ biết đá đẹp mà không có năng lượng và sự quyết tâm để chịu đựng mọi thứ ở trong lẫn ngoài sân cỏ, anh sẽ không trụ được lâu dưới trướng của ông HLV dữ dội.
Vì vậy, tiki-taka của Barcelona dưới thời Luis Enrique là một thứ bóng đá mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, dữ dội hơn những phiên bản xưa cũ. Ông đã cho Xavi dự bị, bắt Pique nghỉ những trận quan trọng, và mang lại cho Barcelona một thứ mà họ đã thiếu kể từ 2 năm trở lại đây, đó là năng lượng và nhiệt huyết chiến đấu ở mức cao nhất.
Giờ này năm ngoái, Celta Vigo của Enrique đã trở thành một trong những đội bóng “cứng” nhất của La Liga. Họ về đích ở vị trí thứ 9, không đủ để dự Cúp châu Âu, nhưng vẫn kịp đánh bại Real Madrid 2-0 trên sân nhà ở cuối mùa. Enrique, khoác áo Real trong 5 năm trước khi đến Barca, đã khiến Real chính thức chia tay với chức vô địch La Liga. Thứ Bảy này, Barcelona sẽ gặp lại Real, và Luis Enrique sẽ tìm mọi cách để một lần nữa khiến Real phải khụy gối.
Cho dù đã đoạt 3 Cúp, khoác áo hơn 200 trận, Enrique vẫn sẽ xem Real như những đối thủ khó ưa nhất, vẫn sẽ nói với các học trò rằng hãy vào trận và đả bại Real như đả bại những tên ăn cướp. Dù thắng thua có thế nào, bên trong Luis Enrique sẽ luôn là một sự dữ dội vô hạn.
Đỉnh Nguyễn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất