Quốc ca - hơn cả một tác phẩm nghệ thuật

14/12/2021 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Nhân những ngày gần đây, Quốc ca Việt Nam bỗng dính vào những lùm xùm bản quyền không đáng có. Và, chúng ta hãy cùng một lần nữa nhìn lại giá trị, vị trí để từ đó cùng nghĩ về cách ứng xử với Quốc ca như thế nào cho trọn vẹn trách nhiệm của một công dân.

Phổ biến Quốc ca: Làm thế nào để 'an toàn' trên môi trường số?

Phổ biến Quốc ca: Làm thế nào để 'an toàn' trên môi trường số?

Tối ngày 6/12, hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam ngỡ ngàng khi trên một kênh YouTube, đơn vị giữ bản quyền phát sóng trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup đã “tắt” tiếng trong phần nghi lễ hát Quốc ca đầu trận đấu.

Quốc ca nói chung có thể hiểu là một bài hát đại diện cho một quốc gia. Cũng như bất cứ tác phẩm âm nhạc nào, quốc ca thường được bắt nguồn từ cảm hứng sáng tác của một cá nhân, nhưng có điểm chung là mang tinh thần của một thời đại, có dấu ấn lịch sử gắn liền với quốc gia đó, có đủ sức hấp dẫn, thậm chí là có uy lực để có thể tập hợp sức mạnh tập thể của cả dân tộc, quốc gia mà nó đại diện.

Có nét chung

Thực tế, quốc ca cũng có thể xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Chẳng hạn như Quốc ca Mỹ có khởi nguồn là một phần nhạc trong một bài tửu ca mang âm hưởng nhạc đồng quê Anh có tên To Anacreon in Heaven của nhà soạn nhạc John Stafford Smith,sáng tác những năm 1760. Tuy nhiên, phần lời của nó phải đến năm 1814 mới có, do Francis Scott Key viết, sau khi ông chứng kiến cảnh pháo đài McHenry bị pháo binh Anh bắn phá trong chiến tranh năm 1812. Từ đó, bài hát có tên là The Star-Spangled Banner. Ngày 31/3/1931, Quốc hội Mỹ mới chọn The Star-Spangled Banner là quốc ca nước này.

Chú thích ảnh
Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao trao văn bản hiến tặng tác phẩm “Tiến quân ca”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quốc ca Pháp được khởi nguồn từ sự kiện người dân Pháp bước vào cuộc chiến đánh đuổi liên quân Áo-Phổ ra khỏi nước Pháp (1792) và muốn có một bài hát thể hiện tính anh hùng ca, tinh thần yêu nước. Bài hát ban đầu có tên Chant de guerre de l'armée du Rhein (đại ý là Hành khúc quân sông Rhein). Sau được đổi tên thành La Marseillaise (Bài ca của người Marseille) nhân sự kiện đoàn quân tình nguyện thành phố Marseille tiến về bảo vệ Paris đã hát vang bài hát này…Quốc ca Trung Quốc lại có xuất phát điểm là một bài hát nằm trong một vở kịch. Bài hát có tên Hành khúc nghĩa dũng quân của tác giả Điền Hán viết năm 1934...

Trong khi, Quốc ca Mỹ có nét trữ tình du dương do mang loại nhịp 3/4 uyển chuyển của điệu valse thì các bài quốc ca của Pháp, Trung Quốc mang trong mình tiết tấu hành khúc dứt khoát, khỏe khắn và được viết trên loại nhịp 2/4.

Không đơn thuần là một ca khúc

Quốc ca Việt Nam có khởi nguồn ban đầu là bài hát Tiến quân ca, được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944. Theo những ghi chép của chính tác giả, mùa Đông năm 1944 nhạc sĩ gặp cán bộ Việt Minh tên là Vũ Quý tại ga Hàng Cỏ và được cán bộ động viên viết những bài hát yêu nước. Đồng thời ông Vũ Quý cũng đề nghị Văn Cao tham gia hoạt động cách mạng và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh. Tiến quân ca ra đời sau đó trên căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội).

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kỳ họp Quốc hội khóa I (1946) quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Sau khi đất nước thống nhất hai miền Nam, Bắc, năm 1976, Tiến quân ca tiếp tục được chọn làm Quốc ca Việt Nam và được giữ nguyên cho đến ngày nay. Như vậy, Quốc ca mang những giá trị lịch sử dân tộc của một thời đại anh hùng.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Văn Cao và "Tiến quân ca"

Không chỉ có vậy, bản thân giá trị âm nhạc mà bản Quốc ca chứa đựng cũng đã phần nào cho người nghe thấy được một chặng đường lịch sử của đất nước Việt Nam. Cách đây chưa lâu, chúng tôi cũng đã từng dành một bài viết riêng nói về tác phẩm Tiến quân ca do ca sĩ Tùng Dương thể hiện với những màu sắc âm nhạc mới mẻ. Trong bài viết này, chúng tôi cũng đã có đề cập tới những nét nổi bật và độc đáo của Tiến quân ca và khẳng định đây là một sáng tác đỉnh cao của ca khúc Việt Nam ở thể loại hành khúc.

Song, còn có những chi tiết khác nữa trong âm nhạc mà trong khuôn khổ bài viết chúng tôi chưa có điều kiện đề cập. Một trong số đó là cách sử dụng nhịp hành khúc với lối tiến hành giai điệu đơn giản dễ nhớ ấy có những nét rất tương đồng, gợi nên sự gần gũi với bài Quốc tế ca, hay bài Quốc ca Pháp. Sự tương đồng ở đây không phải đến từ một nét giai điệu giống hay nội dung ca từ giống mà đến từ âm hưởng âm nhạc khi vang lên, đến từ tinh thần mà người nghe cảm nhận được, đến từ nội dung ca ngợi tinh thần yêu nước, hiệu triệu sức mạnh tập thể cùng vùng lên đấu tranh vì đất nước...

Và chính ngay từ đặc điểm này, việc đứng ở những góc độ khác nhau cho ta nhìn thấy những giá trị khác nhau của tác phẩm. Chẳng hạn, đứng ở góc độ nội dung ca từ, rõ ràng đây là sự thấm nhuần chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước tiên tiến trên thế giới, vận dụng nó vào thực tiễn của đất nước ta để có những thành công vượt trội. Điều này cũng cho thấy sự giao lưu hòa nhập quốc tế.

Khi nhìn từ góc độ âm nhạc, việc khai thác nhịp hành khúc cùng lối tiến hành giai điệu cũng như vòng hòa âm hoàn toàn theo lối âm nhạc phương Tây trong khi thời điểm ra đời của ca khúc là thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam cho thấy lịch sử dân tộc có những biến động lớn. Sự có mặt của người phương Tây, đi cùng với đó là những giá trị văn hóa, chính trị, tôn giáo và nghệ thuật phương Tây, đã hiện hữu và có chỗ đứng trong mọi khía cạnh đời sống ở Việt Nam. Bởi trước đó, âm nhạc dân tộc Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực theo lối riêng, thay vì 7 âm chia làm 12 phần bán âm là âm nhạc ngũ cung.

Riêng với bản Quốc ca, nếu đứng ở góc độ âm nhạc thì hoàn toàn theo lối phương Tây, chỉ có tinh thần là Việt Nam và nói lên tiếng nói của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đặc điểm này không chỉ xuất hiện trong Quốc ca Việt Nam mà nó hiện hữu ở nhiều nước có những nét tương đồng nhất định về hoàn cảnh lịch sử.

Rõ ràng, Quốc ca không đơn thuần là một ca khúc, một tác phẩm âm nhạc thông thường mà nó thuộc loại tác phẩm âm nhạc đặc biệt. Bởi lẽ, đó không chỉ là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật mà còn chứa đựng tinh thần, tiếng nói thời đại, tiếng nói đại diện của một dân tộc, còn ẩn chứa các giá trị lịch sử, những thăng trầm của dân tộc, đất nước... Cho nên, Quốc ca phải nằm trong diện tác phẩm đặc biệt và cần có một hành lang pháp lý riêng, bao quát, và rõ ràng cho việc khai thác và sử dụng tác phẩm này.

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Ứng xử với Quốc ca

Thực ra điều đương nhiên nằm lòng trong mỗi người Việt Nam ở thời đại này là Quốc ca là sở hữu của Nhà nước và của toàn dân. Tôi tin chắc 100% rằng ngay từ khi tác phẩm còn thai nghén cho đến khi nó được ra đời và rồi trở thành Quốc ca đại diện cho đất nước, nhạc sĩ Văn Cao đã và luôn nghĩ sáng tác tác phẩm không phải vì lợi ích kinh tế mà vì điều lớn lao hơn thế rất nhiều, đó là vì cộng đồng, vì đất nước, vì dân tộc.

Hơn nữa, tác phẩm Tiến quân ca đã được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho nên đương nhiên, Quốc ca phải thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Nhận thức rõ ý nghĩa lớn lao và vinh dự to lớn khi Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã quyết định trao tặng bài này cho đất nước, thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tất nhiên, việc này cũng là để cho toàn thể nhân dân đều được quyền sử dụng miễn phí một cách hợp pháp tác phẩm đặc biệt này.

Việc xảy ra lùm xùm liên quan đến bản quyền Quốc ca vừa qua khiến toàn xã hội, trong đó có cả cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... cùng nhìn nhận vấn đề để cùng có hướng giải quyết.

Rõ ràng ở cái thiếu ở đây là cần có một hành lang pháp lý cho việc khai thác và sử dụng Tiến quân ca - Quốc ca của đất nước. Khi chưa có một quy định chi tiết, đầy đủ thì nhất thiết cần có những phiên bản sử dụng miễn phí, đạt chất lượng, đủ quy chuẩn do Nhà nước chỉ định đơn vị cung cấp. Người viết biết rằng có nhiều cơ quan Nhà nước, cơ quan thông tấn báo đài, nhà xuất bản trực thuộc trung ương... đã có những bản Quốc ca đạt tiêu chuẩn chất lượng, sau khi sự việc lùm xùm xảy ra cũng đã có những đơn vị công bố cho sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, cần lưu ý sự việc không vui vừa rồi chỉ xảy ra trên nền tảng YouTube. Và việc xác nhận chủ sở hữu bản quyền, "đánh gậy bản quyền" vi phạm theo quy định riêng của mạng xã hội này. Cho nên, kể cả đơn vị chủ sở hữu tác quyền, đơn vị sản xuất bản thu âm Quốc ca, nếu không có hạ tầng trên mạng xã hội này, nếu không tự bảo vệ quyền của mình trên đó thì cũng không giải quyết được rốt ráo vấn đề này.

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm