Quy hoạch báo chí, xuất bản cần tháo gỡ vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý

19/06/2024 15:52 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về việc xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hệ thống thông tin nước ta bao gồm báo chí (báo, tạp chí in; báo, tạp chí điện tử); phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử; xuất bản (xuất bản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử), in, phát hành; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở. Đây là thành phần quan trọng trong hệ thống chính trị - kinh tế - xã hội, là công cụ điều hành, quản lý, chỉ đạo của quốc gia, là nguồn cung cấp tri thức mọi mặt cho công chúng, là phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc.

Những năm qua, mạng lưới thông tin ở nước ta không ngừng được phát triển và hiện đại hóa, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản... được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân… Các cơ quan thông tin đã chủ động trong việc đa dạng hóa các hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ, thực hiện liên kết, xã hội hóa theo quy định pháp luật để tăng nguồn thu đầu tư cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin.

Quy hoạch báo chí, xuất bản cần tháo gỡ vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống thông tin còn có nhiều hạn chế cần được khắc phục để tiếp tục khẳng định vai trò của công tác thông tin. Trong đó có vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được đổi mới đồng bộ, kinh phí đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu của sự phát triển. Các cơ quan thông tin thích ứng chậm với xu hướng công nghệ thông tin hiện đại. Cơ chế, chính sách đối với hoạt động thông tin đã từng bước được hoàn thiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cấu đặt ra nhằm tạo điều kiện cho hệ thống thông tin phát triển, như: chính sách về thuế, phí, hỗ trợ, đặt hàng; tiêu chí xác định hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, cơ chế, chính sách đồng bộ cho từng loại hình nhà xuất bản...

Trong bối cảnh tác động của toàn cầu hóa, sự phát triển của công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng chuyển đổi số, đặt hệ thống thông tin của Việt Nam trước nhiều thách thức cần phải điều chỉnh phù hợp để phát triển đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đến nay chưa có một quy hoạch cấp quốc gia điều chỉnh tổng thể tất cả các lĩnh vực nói trên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý theo tình hình mới mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Với vai trò đặc biệt quan trọng cả về chính trị, tư tường - văn hóa, kinh tế và góp phần quyết định cho việc ổn định chính trị, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, để thực hiện Luật Quy hoạch, để phát triển và quản lý hệ thống thông tin, vì thế, việc xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết.

Quy hoạch báo chí, xuất bản cần tháo gỡ vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý - Ảnh 2.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Đây là quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tạo lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Đối tượng của quy hoạch gồm: Báo chí, thông tin điện tử; phát thanh; truyền hình; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; xuất bản-in-phát hành. Đây là công cụ để điều hành, quản lý, chỉ đạo quốc gia, là nguồn cung cấp tri thức mọi mặt cho công chúng, là phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc.

Mục tiêu của Quy hoạch là tổ chức, sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và cơ sở xuất bản để phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin, văn hóa của nhân dân. Thực hiện thành công chuyển đổi số, đổi mới mô hình quản lý, cách thức tổ chức, vận hành; đa dạng hoá phương thức cung cấp nội dung và hoạt động sản xuất kinh doanh trên đa nền tảng, đa phương tiện, lấy người dân làm trung tâm. Đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin; bắt kịp xu thế thông tin, truyền thông của thế giới, góp phần nâng cao uy tín, vị thế và hình ảnh Việt Nam.

Quy hoạch báo chí, xuất bản cần tháo gỡ vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đã cho ý kiến về việc xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản. Trong đó nhiều vấn đề được đưa ra về tên gọi, phạm vi và thời kỳ quy hoạch; quan tâm đến nguồn lực để thực hiện quy hoạch; việc định hướng, xây dựng mô hình báo chí đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tự chủ, chính sách chi thường xuyên; sửa đổi bổ sung về chính sách tài chính, kỹ thuật, kinh tế báo chí, vấn đề đặt hàng báo chí, liên doanh, liên kết…; cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, không chỉ về tài chính mà còn nguồn lực về công nghệ; tăng cường giám sát thông qua công nghệ số;…

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh dự thảo Quy hoạch phải làm rõ ba vấn đề: Tầm quan trọng của đối tượng được quy hoạch; mục tiêu, định hướng phát triển trong tương lai; giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch theo nguyên tắc phải bảo đảm thực chất, có tính mở và khả thi trong thực hiện nhưng không xung đột với các quy định, quy hoạch khác. Những vấn đề khác, vấn đề mới hơn với chủ trương của cấp có thẩm quyền thì cần xin ý kiến; cần có các chuẩn mực và đồng bộ về các khái niệm, vấn đề mới. Bên cạnh đó, Quy hoạch cần đề cập đến giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý để triển khai quy hoạch.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trao đổi, lấy ý kiến các đơn vị, địa phương về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp này. Bên cạnh đó trình cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức sơ kết về thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Xuân Tùng/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm