Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Sáng suốt lựa chọn những đồng chí ưu tú, có tâm và có tầm

23/01/2016 17:37 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Theo chương trình nghị sự, chiều 23/1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Bên lề Đại hội, các đại biểu đã trao đổi về quan điểm của mình khi trực tiếp bỏ phiếu để bầu chọn ra Ban chấp hành Trung ương khóa mới.

Dự kiến Ban chấp hành khóa mới sẽ gồm 200 đồng chí, trong đó Ủy viên chính thức là 180 người (tăng hơn so với nhiệm kỳ khóa XI) và 20 Ủy viên dự khuyết.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trần Văn Rón đánh giá việc tăng thêm số Ủy viên Trung ương (chính thức) là điều rất hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Theo đại biểu, trước những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ngày càng cao, không chỉ cần thiết tăng thêm số lượng, mà còn cần chú ý tới chất lượng để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Yêu cầu vừa nâng lên về số lượng, vừa nâng lên về chất lượng là yêu cầu rất khách quan, đòi hỏi chúng ta phải xem xét để thực hiện, đồng chí nêu rõ.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), số lượng Ủy viên Trung ương (chính thức) tăng là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay khi mà nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước ngày càng rộng lớn. Đây là vấn đề rất cần thiết, là kết quả của sự cân nhắc rất kỹ càng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Với tư cách là một đại biểu có trách nhiệm bỏ phiếu để bầu chọn ra Ban chấp hành Trung ương khóa mới, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho biết sẽ lựa chọn những đại biểu ưu tú, xuất sắc, trước hết phải căn cứ vào cơ cấu của Đề án Ban Chấp hành, nhưng điều quan trọng nữa chính là tiêu chuẩn đại biểu.

Đó phải là những người trung thành với Đảng, trung thành với nhân dân, tận tụy, lo lắng thực sự công việc của dân; đó phải là những người dám nghĩ, dám làm. Những người hành động vẫn là những người mà Đảng và nhân dân đang cần trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tới tầm nhìn, tư duy chiến lược của người đứng đầu đang là một yêu cầu hiện nay, trong bối cảnh chúng ta phải giải quyết các thách thức, đòi hỏi trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của những người tham gia Ban Chấp hành Trung ương…

Đại biểu Hoàng Đức Hậu (Cao Bằng) đánh giá Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhất là về công tác nhân sự và tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp. Với trách nhiệm của người đại biểu bỏ phiếu để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng lựa chọn các đồng chí có uy tín, trình độ, có khả năng tiếp cận trong điều kiện kinh tế trong nước cũng như thế giới hiện nay.

Đại biểu Đặng Quốc Vinh (Hà Tĩnh) cho biết công tác nhân sự Đại hội XII đã được chuẩn bị cả một quá trình, không phải đến Hội nghị 14 vừa rồi. Tuy nhiên, Hội nghị 12 và 13, vẫn còn ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến băn khoăn, nhưng đến Hội nghị 14, đã hoàn toàn thỏa mãn, bởi những việc đã diễn ra ở hội nghị này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, dân chủ và thành công.

Đại biểu Đặng Quốc Vinh tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, bài bản cả về văn kiện và nhân sự, Đại hội sẽ thành công và mở ra một thời kỳ phát triển mới. Đây cũng là kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân ta gửi gắm vào Đại hội này.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) cho rằng, một trong những nhiệm vụ của Đại hội là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Nhân dân cả nước quan tâm đến việc chúng ta tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương. Việc từng bước trẻ hóa cán bộ, nâng cao chất lượng các ứng viên cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt là một yêu cầu quan trọng.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn tin tưởng, Đại hội sẽ sáng suốt bầu ra những đồng chí lãnh đạo đủ đức, đủ tài, có tâm, tiếp tục đưa Việt Nam vượt qua các khó khăn hiện nay, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã tổng kết những nhiệm kỳ trước đây rất kỹ lưỡng và cân nhắc số lượng Ủy viên Trung ương chính thức là 180 và Ủy viên dự khuyết là 20. Đại biểu cho rằng số lượng này là hợp lý, đảm bảo tính kế thừa và phát triển vì trong số Ủy viên chính thức có rất nhiều đồng chí mới và trẻ tuổi, chứ không chỉ trong Ủy viên dự khuyết.

Đại biểu Hà Sỹ Tiếp (Bắc Ninh) cho biết sẽ nghiên cứu để sáng suốt lựa chọn được những đại biểu có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân để góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng tiếp theo, để nước ta thành một nước phát triển như chủ đề của Đại hội nêu ra là “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và đổi mới”.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm