Khẩu hiệu để cổ động chứ không để quy chụp

07/01/2015 08:01 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Việt Nam là một trong những nước sử dụng băng rôn, khẩu hiệu nhiều nhất thế giới, nhưng văn hóa khẩu hiệu lại không hiếm những "hạt sạn", mà tấm băng rôn "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học" ở Bình Định chỉ là một minh chứng.

Công bằng mà nói, người sáng tạo ra khẩu hiệu này đã rất cố gắng đưa ra một cái gì đó bớt khuôn sáo, bớt chung chung như vô vàn các khẩu hiệu về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, chống cháy nổ... nhan nhản trên các nẻo đường. Có thể, anh ta muốn cái khẩu hiệu phải gai góc một chút, phải đánh vào sĩ diện của người vi phạm, thậm chí "đau" một chút để người ta phải nhớ lâu. Nhưng vô hình trung, trong khi loay hoay với các ý tưởng đó, anh ta lại chế ra cái khẩu hiệu đó gây bức xúc trong dư luận, với lý do như ông Trần Châu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Định, phải thừa nhận là nó quá phản cảm. “Câu tuyên truyền này nặng quá. Chúng tôi đã yêu cầu phải tháo gỡ hết ngay trong sáng 5/1”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khẩu hiệu đó là xúc phạm đến những người ít có điều kiện học hành, đánh đồng giữa họ với những người thiếu ý thức, cố ý vi phạm luật lệ giao thông.

Tuy nhiên, cái sai của khẩu hiệu "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học" không chỉ ở chỗ xúc phạm người ít học mà sai từ trong tư duy. Đối với một hành vi vi phạm pháp luật, dù nhỏ đến đâu, thì cũng không thể tuyên truyền bằng cách đánh vào... sĩ diện, hoặc kêu gọi ý thức, lương tâm một cách chung chung, trừu tượng, mà phải khẳng định, vượt đèn đỏ là bị cấm, bất kỳ ai cũng phải chấp hành vô điều kiện. Cũng có thể nêu ra hậu quả nếu cố ý vi phạm, chẳng hạn, "Nhanh một phút, chậm cả đời" - một khẩu hiệu đắt giá.

Đây không phải lần đầu tiên, các khẩu hiệu tuyên truyền về việc tuân thủ pháp luật lại dùng các tiêu chuẩn đạo đức. Chẳng hạn khẩu hiệu về việc sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn lại kêu gọi "lương tâm" của người sản xuất, bán hàng ("Sản xuất rau an toàn là lương tâm của người trồng rau"). Câu đó không đích đáng ở chỗ, việc sản xuất rau an toàn là trách nhiệm, nghĩa vụ của người trồng rau trước pháp luật. Ai sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn phải bị phạt, gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy tố trước pháp luật. Còn lương tâm là cái đi theo.

***

Ở thái cực ngược lại, có những hành vi không đến mức vi phạm pháp luật, mà thuộc phạm trù đạo đức, thì lại được cổ động theo hướng cấm đoán giống như một hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ "Nói không với còi xe". Thực ra, còi xe là vô cùng cần thiết trong điều kiện giao thông hỗn hợp như ở ta (chỉ không được còi ở những nơi có biển cấm còi, hoặc ở đô thị từ 23h đến 5h), chứ nói không với còi xe coi chừng... tông vào xe khác. Trong trường hợp này, khẩu hiểu "Người lịch sự không bóp còi inh ỏi" là đích đáng. Bóp còi là cần thiết, chỉ không cần thiết khi bóp còi inh ỏi. Và ngay cả những người có thói quen xấu đó thì cũng chỉ nên nhắc nhở họ bằng phạm trù đạo đức (không lịch sự) mà thôi.

***

Văn hóa khẩu hiệu "lùn" vì nhiều người nghĩ đơn giản rằng khẩu hiệu là việc của mấy bác "cờ đèn kèn trống", "đóng đinh leo thang"... Thật ra cổ động là cả một nghệ thuật với các tiêu chuẩn về mặt ngữ pháp rất chặt chẽ và rất sáng tạo.

Ta thường thấy các khẩu hiệu chăng ngang đường dài dòng đến nỗi mà nếu lái xe kiên trì đọc hết thì đâm vào đuôi xe phía trước là cầm chắc. Chẳng hạn các khẩu hiệu đại ý là: Nhân dân phường x, quận y nghiêm chỉnh chấp hành nghị định số...., ngày.... của... về việc không mua bán tàng trữ, tiêu thụ pháo nổ. Những người viết khẩu hiệu đã quên mất một quy tắc quan trọng, ấy là, khác với tuyên truyền, cổ động là thể loại đòi hỏi phải ngắn gọn, trực tiếp, chủ yếu nêu ra hành động cần thúc giục mọi người thực hiện, và đa số không cần chủ ngữ (vì chủ thể hành động thường là tất cả mọi người). Với khẩu hiệu trên, ta có thể viết ngắn gọn là: "Cấm mua bán, tàng trữ, tiêu thụ pháo nổ".

Đương nhiên, khẩu hiệu cũng không nhất thiết phải như... mệnh lệnh. Có những khẩu hiệu như một câu thơ diễm lệ: "Phía trước là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim". Mỗi lần nghe câu đó trên VOV Giao thông, dám chắc là cánh lái xe đều hạ nhiệt, giống như câu vè dân gian ở đuôi các xe tải "Nhớ về em, anh vững vàng tay lái. Thương về mẹ, con nhè nhẹ chân ga"...

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm