30/06/2014 08:31 GMT+7
(giaidauscholar.com) - 1. Ít ngày trở lại đây, Lệ Rơi bỗng nhiên trở thành cái tên nổi đình đám trong cư dân mạng. Đến nỗi một nhà báo văn hóa treo status rất bi hài trên facebook: “Chẳng lẽ làm báo trong những ngày này lại không viết về Lệ Rơi”.
Nổi tiếng nhờ những bài hát cover (như Lệ Rơi đọc là co-ve) theo cách đặc biệt của một thanh niên nông thôn, những clip tự quay, tự hát, tự chế ở mức dưới chuẩn và thu hút một lượng lớn người theo dõi, mặc cho người cười, người mếu, người bình phẩm.
Thậm chí nhiều trang mạng đã không cưỡng lại được sức ép “câu viu” đã về tận nhà Lệ Rơi ở Hải Dương để viết bài, “xác minh” thông tin sau những clip làm điên đảo dư luận.
Lệ Rơi không phải ca sĩ, giọng hát của anh thì khiến những ai đã đọc Doreamon nhớ ngay đến nhân vật Chaien với câu hát bất hủ: “à á a lên mái nhà, bắt con gà…”. Hay nói cách khác là anh hát như nhiều người trong số chúng ta “thể hiện” lúc karaoke một mình hay ở trong… phòng tắm. Nhưng clip của Lệ Rơi mỗi khi tung ra, có khối người chờ trực tải về rồi “up” lên tài khoản YouTube của mình.
Đây là một “ca” đặc biệt của đời sống mạng, người ta không tìm đến để thưởng thức hay để thỏa mãn tò mò hoặc để vui vẻ. Bởi người ta nghe, xem Lệ Rơi một lần xong sẽ hết tò mò và cũng không có gì để tò mò. Khi xem xong thì hoặc cười hoặc chửi thầm hoặc tiếc thời gian vì xem cái vô bổ. Nó vô hồn và trơn tuột ngay sau khi tắt clip nhưng dù thế nào đi nữa thì chúng ta, những cư dân mạng cũng đã click chuột.
Cũng có nhiều người phê phán thậm tệ kiểu như “thảm họa âm nhạc”, “xúc phạm nghệ thuật” hay “phi thẩm mỹ”… Nhưng ít ra, Lệ Rơi đã không sản sinh ra thứ rác âm nhạc với đầy rẫy lời lẽ dung tục, bẩn thỉu, hạ tiện như kiểu Phiếu bé ngoan, Tan Ka Ka (Ganja), bài chế Thu cuối… Nó vô hồn và trơn tuột nhưng vì nó không hại não, không vô văn hóa, ai thích xem để giải khuây, để cười trong chốc lát thì cứ việc, còn ai không ưa thì thôi, không xem nữa nên “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Và, tôi xin cá rằng có hàng vạn người khác có những lúc ngồi hát nghêu ngao hay rên rỉ nhưng bài hát theo đúng kiểu… Lệ Rơi, dù giọng hát của ta có là thảm họa đi nữa. Đó cũng là lý do để Lệ Rơi phổ cập.
2. Thực ra, người ta không quan tâm đến Lệ Rơi là ai, từ đâu đến, anh ta có khả năng gì, mà cái người ta cần là một cái cớ để chú ý vào đó, để “chém gió” trên mạng. Tung hô hay phản ứng với Lệ Rơi, phải chăng chỉ là cách phản ứng của công chúng với những chiêu trò hay những cảm giác nặng nề tràn lan trên mạng. Là cách công chúng hả hê với những gì mà họ có cảm giác hồn nhiên, vô tư lự nhưng đáng tin cậy?
Có thể thấy, Lệ Rơi thuộc dạng nổi tiếng chỉ vì nổi tiếng, trong một thế giới ảo luôn biến chuyển khôn lường. Biết đâu, chỉ vài ngày nữa, lại sẽ chẳng có một cơn sốt khác "thổi bay" Lệ Rơi ra khỏi tâm trí cư dân mạng. Vì thế, sau Lệ Rơi có thể là Mưa Rơi, Hoa Rơi, Nắng Rơi, Lá Rơi... gì đó sẽ xuất hiện rất rất nhiều. Cũng tương tự câu chuyện Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò, xuất hiện và rồi biến mất, không để làm gì.
Tất nhiên, câu chuyện Lệ Rơi thể hiện sự hoang mang giữa những thái cực hay và dở, thật và ảo, đẹp và xấu. Và thật đáng tiếc, ở đó, sự vô tư lự, vô lo, vô nghĩ đang thắng thế.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất