Một thế giới không có Nadal

25/08/2012 06:59 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Cuối tuần)- Vắng một người như Rafael Nadal ở US Open không chỉ có nghĩa là Roger Federer, Novak Djokovic hay ai đó có thêm cơ hội để chiến thắng.

Federer cần có Nadal

Federer vẫn chưa một lần nào gặp Nadal ở US Open. Đây có lẽ là một trong những điều mà người Mỹ chờ đợi lâu nhất. Và cũng có thể, họ sẽ mãi tiếc nuối nếu như hai huyền thoại ấy về sau không có cơ hội gặp nhau ở giải đấu này, dù cho giới tài phiệt và các nhà tổ chức có thừa khả năng để “gom” hai tay vợt ấy lại tổ chức một trận biểu diễn.

Federer từng nói trước khi US Open 2010 khởi tranh, rằng “tôi đã có mặt ở chung kết US Open trong suốt nửa thập kỷ, nhưng tiếc rằng Nadal chưa lần nào có mặt ở đây”. Đúng, Nadal thậm chí còn chưa từng thắng một tay vợt trong top 10 thế giới ở US Open cho tới khi anh đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp trong năm 2010. 



Roger Federer (phải) cần Nadal…- Ảnh Getty

Và khi Nadal có mặt ở chung kết US Open hai năm liên tiếp (2010 và 2011), thì đến lượt Federer lại không đủ khả năng để duy trì sự hiện của mình ở trận cuối cùng trên sân Arthur Ashe khi thua Djokovic trong cả hai lần gặp nhau tại bán kết.

Nhưng mối quan hệ giữa Federer với Nadal còn vĩ đại hơn rất nhiều so với một trận đấu, hay một giải đấu. Federer từng nói, vì bị nhồi trái nhiều quá nên cú trái một tay của anh mới trở thành một vũ khí bất tử như ngày nay. Federer không nhắc tới một ai cụ thể, nhưng rõ ràng là chẳng ai khác trên thế giới này ngoài Nadal đã làm cái việc ấy một cách thường xuyên nhất và thuần thục nhất. Và chúng ta ai cũng biết, cú hay nhất của Nadal là quả thuận tay (forehand). Chính nhờ đối đầu với Federer và để thắng Federer, nó mới được mài giũa để đạt những thông số phi thường: tạo ra những cú bóng xoáy lên tới 3.700 vòng quay/phút.

Khi Federer vô địch Roland Garros 2009, dù không phải là nhờ trực tiếp thắng Nadal, nhưng chính việc anh bị tay vợt người Tây Ban Nha ngáng trở trong ba trận chung kết liên tiếp trước đó, mới làm cho danh hiệu ấy trở nên đáng giá hơn biết bao trong một thời điểm anh cân bằng kỷ lục 14 lần vô địch Grand Slam của Pete Sampras.

Bản thân Nadal cũng thế, nhờ gặp Federer ở ba trận chung kết liên tiếp tại Wimbledon và phải đến lần thứ ba mới chiến thắng, thế giới này mới hiểu rằng những gì tay vợt xứ bò tót làm được mới thật huyền diệu.

Mà nên nhớ, trận chung kết Wimbledon 2008 giữa Nadal (chiến thắng) và Federer cho tới hôm nay vẫn được coi là trận đấu hay nhất mọi thời đại, với những pha bóng nghệ thuật và sự căng thẳng đến nghẹt thở.

Đâu đó có ai nói, nếu không có Nadal, Federer có lẽ đã giành được không dưới 20 Grand Slam trước khi anh bước sang tuổi 30. Cũng không ít những lập luận, là nếu không tồn tại Federer trên đời, Nadal cũng đã giành được nhiều hơn 11 chiếc cúp cao quý. Nhưng phỏng có ích gì khi những danh hiệu không được hun đúc bằng những giá trị của thử thách, khó khăn và làm cho môn thể thao này trở nên nhàm chán hay chẳng thể nâng nó lên một tầm mức mới.  

Các trận chung kết giữa Federer và Nadal thường làm “cháy” ti-vi của các hộ gia đình. Khi Nadal thắng Federer ở Roland Garros mãi ở Pháp, tỉ lệ người xem truyền hình trên kênh NBC của Mỹ đạt mức xếp hạng là 2,6, cao nhất trong vòng 12 năm của hãng. Rồi trận chung kết Wimbledon 2008, có tới 13,1 triệu người Anh theo dõi Nadal đánh bại Federer.

Djokovic cũng cần Nadal

Với Djokovic cũng thế, Nadal chính là người giúp anh trở nên toàn diện hơn. Hơn bao giờ hết, thất bại trước Nadal ở chung kết US Open 2010 đã buộc Djokovic phải cải thiện thể lực, phải đánh bóng sớm hơn (để tấn công) với khả năng đè bóng siêu hạng (để khắc chế bóng xoáy) và có cú trái hai tay là một trong những cú đánh đáng sợ nhất trong lịch sử (để Nadal không khoét vào đó). 

Nadal cũng đã buộc Djokovic phải tiếp tục nỗ lực trong chặng đường còn lại sau khi đã bị ngáng trở ngay trước ngưỡng cửa thâu tóm cả bốn danh hiệu Grand Slam. Hãy thử tưởng tượng, nếu giành Roland Garros 2012, liệu Djokovic sẽ đi theo ngả đường nào: Tiếp tục chinh phục những đỉnh cao khác như sánh ngang thành tích của Nadal, Federer; hay anh sẽ cho phép mình được nghỉ ngơi và tận hưởng (như đã từng thể hiện sau khi lần đầu vô địch ở Australian Open 2008).  

Và chúng ta cũng cần Nadal



… Và Novak Djokovic (trái) cũng cần Nadal- Ảnh Getty

Các cổ động viên bóng đá hâm mộ Barcelona thường căm ghét Real Madrid tới tận xương tủy, và ngược lại. Nhưng sẽ là sai lầm nếu ai đó muốn một trong hai đội biến mất khỏi Liga để câu lạc bộ mình yêu quý vô địch hết năm này qua năm khác. Khi ấy Liga và Barcelona, hoặc Real, chỉ còn việc đếm cúp mà không có những trận siêu kinh điển khiến người ta phải thức dậy lúc ba giờ sáng mùa đông mà vẫn tỉnh như sáo với những cuộc đối đầu giữa các cá nhân vĩ đại và những màn đấu chiến thuật nghẹt thở.

Câu chuyện của Nadal với Federer, hay với Djokovic cũng thế. Không có Nadal, Federer chiến thắng hết giải này đến giải khác tới mức nhàm chán, như việc câu lạc bộ bóng đá Glasgow Rangers vô địch giải Scotland 54 lần, đoạt cúp quốc gia 33 lần và cúp liên đoàn 27 lần, trong đó có bảy lần họ làm nên cú ăn ba.

May cho Nadal, may cho tennis thế giới là Nadal đã vừa thắp lên một tia hy vọng là anh có thể trở lại ngay sau khi US Open kết thúc. Và khi ấy, kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất của tennis thế giới lại được tiếp tục như anh và Federer cùng Djokovic đã gây dựng gần một thập kỷ qua!

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm