23/06/2012 08:12 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Hôm nay (23/6), triển lãm Bộ sưu tập tranh thạch bản của Vũ Cao Đàm - họa sĩ bậc thầy của thế kỷ 20 tại tòa nhà Metropolitan (235 Đồng Khởi, TP.HCM) sẽ kết thúc. Đây là lần đầu tiên giới thưởng lãm nghệ thuật trong nước được chiêm ngưỡng lại một số phiên bản tác phẩm của một danh họa Việt Nam thời kỳ đầu. Thế nhưng, đằng sau hào quang ấy là một nỗi buồn “không của riêng ai”.
Sống ở Pháp, sáng tác kết hợp tư tưởng Đông - Tây với chủ đề Việt Nam, tác phẩm của Vũ Cao Đàm từ sớm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Ví dụ, từ những năm 1940, Chính phủ Pháp đã mua 3 tác phẩm của Vũ Cao Đàm, đó là hai tranh lụa Chân dung người Hà Nội (1939), Đàn bà An Nam (1939) và tượng đồng Người Đông Dương, tượng này đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật André Diligent de Roubaix.
Chưa tiêu biểu
Vũ Cao Đàm (1908-2000) có cuộc đời hoạt động nghệ thuật khá ổn định, kéo dài trong hơn 60 năm, kể từ đầu thập niên 1930. Trải qua nhiều chất liệu (điêu khắc, lụa, sơn dầu, nặn tượng, phù điêu, thạch bản, tranh giấy, sơn mài…), với hàng ngàn tác phẩm và bản in, thế mà trong triển lãm hồi cố lần đầu tiên tại quê nhà, chỉ có 15 tranh in từ thạch bản, thuộc sưu tập của một cá nhân. Thể loại thạch bản vốn dành cho những ai yêu mến họa sĩ mà không đủ tiền mua tranh thật; giá trị lớn nhất là tính lưu niệm và chữ ký của tác giả.
Đành rằng, có còn hơn không, nhưng điều này cũng làm lộ ra lỗ hổng và thiếu sót trong công việc sưu tập của các bảo tàng lớn. Đáng lẽ, với danh họa này, triển lãm hồi cố lần đầu tiên nên được tổ chức trang trọng và chuyên nghiệp hơn, thiếu tác phẩm thì phải đi mượn (điều bình thường trên thế giới), để làm sao phác họa được diện mạo và tôn vinh một tài năng đã có nhiều đóng góp cho lịch sử hội họa Việt Nam. Muốn làm được điều này, tất nhiên cần sự tham dự của định chế văn hóa và bảo tàng, với các sách lược bài bản, không thể chỉ trông chờ một vài cá nhân như nhà sưu tập Lan Hương lần này.
Tòa nhà Metropolitan chắc chắn có nhiều khán phòng sang trọng, tương xứng với tên tuổi và tài năng của Vũ Cao Đàm. Thế nhưng, việc tổ chức ngay sảnh ra vào, nơi có hàng ngàn người vì công việc khác phải đi qua đây, lại là một hình ảnh không được đẹp; đó là chưa nói nếu đúng ngày mưa, tuy không bị ướt, nhưng thấy quá buồn. Tôi ngồi cà phê kế bên quan sát gần như cả ngày 17/6 - một ngày mưa, khách của Metropolitan vào ra rất nhiều, số người quan tâm tới những bức tranh kế bên lối đi của họ thì khá ít. Điều này còn làm phân tâm những người thực sự muốn thưởng lãm hoặc đến mua tranh.
Điều làm cho Vũ Cao Đàm trở nên đặc sắc trong thị trường quốc tế (nếu có) là ở tranh lụa giai đoạn 1930-1952 và tượng bán thân, triển lãm này chưa thể hiện được điều đó. Mà có muốn làm bài bản hơn thì cũng rất khó, vì ở Việt Nam tác phẩm của Vũ Cao Đàm khá khan hiếm, chẳng biết mượn ở đâu để trưng bày.
Bị hoài nghi?
Một tác phẩm của Vũ Cao Đàm là Chuyện trò với giai nhân trong vườn (1939) từng được bán với giá 230.477 USD tại Sotheby’s ở Hong Kong hồi tháng 4/2008. Với giá bán này, có thể nói một số tác phẩm đẹp và hiếm của Vũ Cao Đàm đã thuộc diện cao giá nhất Việt Nam, có thể xếp cùng Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh… Nhưng cần lưu ý rằng, số tác phẩm như vậy ở mỗi họa sĩ thường không nhiều, vì số nhiều vẫn là tác phẩm “lót đường”, nghĩa là nó được vẽ cùng thời với tác phẩm đỉnh cao, nên na ná về chủ đề và phong cách. Đó là chưa nói, khi bước qua thời kỳ đỉnh cao và chất liệu tiêu biểu (mà Vũ Cao Đàm là lụa, tượng bán thân), các tác phẩm khác khó mà đạt giá cao như vậy.
Có một nỗi buồn nữa, đó là 2-3 năm gần đây, tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm đã qua “cơn sốt” tại một số nhà đấu giá ở Hong Kong, Singapore… Có mấy lý do, đầu tiên, tác phẩm “hot” nhất của họ là tranh lụa (giai đoạn đầu), vốn khan hiếm, gần đây giá lên cao, nên ít có người mua và bán. Thứ hai, với tranh sơn dầu, thì chủ đề và cách vẽ thường lặp lại, sau 10 năm lên sàn đấu giá, người mua đã bớt hào hứng. Thứ ba, dù sống tại Pháp, với đạo đức bản thân và những ràng buộc của thị trường, mấy ông đã thoát được cám dỗ làm giả, thế nhưng gần đây đã xuất hiện tranh giả (do các nhà buôn làm), khiến người mua khá e dè. Trong 3-4 phiên đấu gần đây ở khu vực, tranh của mấy ông xuất hiện khá khiêm nhường, với giá khởi điểm không còn cao như 5-10 năm trước.
Chính vì những lý do như vậy, vượt qua những khiếm khuyết vốn có, triển lãm phiên bản in lần này trở thành cái cớ để chúng ta tưởng tượng về diện mạo một thời của danh họa Vũ Cao Đàm.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất