10/02/2021 07:00 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Năm 2020 là một năm đáng nhớ với nhạc rap Việt Nam, bởi có đến 2 chuỗi chương trình rap là King of Rap (VTV3) và Rap Việt (Vie Channel - HTV2) cùng lên sóng và thu hút lượng người xem đông đảo. Clip từng tập của chương trình Rap Việt khi đưa lên YouTube đã trở thành “hot trend” không thua gì những MV của ca sĩ hot bậc nhất thị trường âm nhạc. Năm 2020, rap Việt được xem là đã bước từ underground sang mainstream với cú nổ ngoạn mục trên thị trường âm nhạc, mang nhiều ý nghĩa tương tự… cú nổ Big Bang trong vũ trụ…
Đặc biệt, đêm Chung kết 2 của Rap Việt là đêm có lượng người xem trực tiếp khổng lồ trên YouTube mà chưa một chương trình giải trí nào ở Việt Nam đạt được - hơn 1 triệu người…
Rap - 1 trong 4 thành tố của hip-hop
Thập niên 1970, Bronx và Brooklyn (thuộc New York, Mỹ) được xem là nơi “hoang phế”, là mảnh đất hoạt động của các băng đảng giang hồ và cũng là nơi cư ngụ của nhiều thanh thiếu niên da màu thất học. Những buổi chiều cuối tuần họ thường tụ tập tại công viên và mở đĩa nhạc để vui chơi, nhảy múa. Đĩa nhạc thường là nhạc disco, funk, soul. Để đồng điệu với không khí tụ tập nhảy múa mà tùy từng lúc, người phụ trách phát đĩa nhạc phải chọn lựa những bản nhạc cho phù hợp với không khí sinh hoạt.
Một thời gian sau, người phát nhạc còn làm công việc “trộn nhạc” - nối nhiều bản nhạc khác nhau từ 2 máy phát nhạc, có khi cả 2 bản nhạc được phát ra cùng một lúc, tạo ra thứ âm nhạc vô cùng kích động và… hỗn loạn. Những người làm công việc này được xem là thủy tổ của những DJ (disc jockey) sau này. DJ tài năng của thuở “khai thiên lập địa” nhạc rap sống ở Brooklyn mà nhiều người biết đến là Kool Herc người Jamaica.
Trên nền nhạc xập xình sôi động, các tay “anh chị” đã không thể ngồi yên, họ nhảy điệu breakdance với những pha “trồng đầu” xoay tít hoặc chống tay và uốn éo thân mình giữa không trung rất lôi cuốn. Nhiều người cho rằng nguồn gốc của breakdance xuất phát từ những tay anh chị giang hồ đường phố.
Để giải quyết những “ân oán giang hồ”, các tay anh chị không dùng dao, súng hoặc choảng nhau như trước đây mà họ sẽ thi triển breakdance. Ai được nhiều người cho là nhảy đẹp mắt và được cổ vũ nhiều nhất sẽ là người thắng cuộc. Cũng chính vì vậy mà breakdance giai đoạn đầu do các tay anh chị giang hồ nhảy ở các công viên để giải trí khi “DJ” nổi nhạc lên, là những màn nhảy đầy tính bạo lực, khiêu khích và nổi loạn. Tuy nhiên, nó lại cuốn hút và hớp hồn giới trẻ. Sau này những nghệ sĩ nhạc pop đã mềm hóa nó và đưa vào những màn trình diễn của mình, trở thành những màn nhảy breakdance vô cùng cuốn hút, mà tiêu biểu là Michael Jackson.
Những buổi nghe nhạc DJ và xem nhảy breakdance tại các công viên ở Bronx và Brooklyn thu hút đông đảo thanh thiếu niên da màu, trong không khí kích động và cuồng nhiệt đó không thể thiếu người khuấy động chương trình và nhiều người muốn truyền tải một nội dung nào đó. Nếu với âm nhạc thì phải thể hiện bằng ca từ trong một giai điệu, còn tại những buổi có nhạc của DJ này, họ đọc những đoạn văn hoặc thơ theo tốc độ của nhịp điệu bản nhạc, RAP (Rhythm and Poetry – Nhịp và Thơ) ra đời từ đó.
Nhạc DJ, breakdance và rap là những thành tố cơ bản đã làm nên một sinh hoạt văn hóa mà sau này nhiều người gọi là văn hóa đường phố - văn hóa hip-hop. Nhưng hip-hop còn một thành tố nữa đó là graffiti (nguệch họa). Tuy graffiti không tham gia trực tiếp tạo nên không khí náo nhiệt như DJ, rap và breakdance mà chỉ đứng “bên lề” để trổ tài nguệch họa của mình.
Graffiti trước khi trở thành một bộ môn nghệ thuật, nó được xem là hành động “nổi loạn” của thanh thiếu niên da màu ở khu Bronx và Brooklyn của New York. Nguồn gốc sâu xa của graffiti là hình thức “tag” của các tay anh chị giang hồ, đó là việc ký tên trên mặt đường để đánh dấu lãnh địa của mình ở thập niên 1960. Còn vào thập niên 1970, những thanh thiếu niên ở khu Bronx và Brooklyn dùng sơn xịt để viết tên mình lên các bức tường của các ngôi nhà hoang để mọi người biết.
Một thời gian sau, để cả thành phố biết đến, các thanh thiếu niên da màu nghĩ ra việc xịt tên mình lên các toa tàu điện để tàu mang tên mình đi khắp thành phố. Thế là các ga tàu điện ngầm ở New York tràn ngập các “xịt sĩ”, một số bức tường công cộng tại New York cũng bị vạ lây trong thời gian này.
Người xây dựng “đế chế” rap Việt Cuối năm 2019 đã có dấu hiệu “bùng nổ” của rap Việt, khi Show Đen của rapper Đen Vâu với sức chứa 5.000 người ở Nhà thi đấu Quân khu 7, TP.HCM, vé được bán online và chỉ chưa đầy 10 phút thì hết sạch. Đây là liveshow đầu tiên của một rapper Việt Nam và Đen Vâu được xem như hiện tượng của làng rap Việt, và là người có công xây dựng “đế chế rap” trong thị trường âm nhạc Việt Nam. |
Rap trong buổi bình minh của thị trường nhạc Việt
Văn hóa hip-hop nói chung và rap, rapper nói riêng một thời gian dài bị cho là không “chính thống”, vì vậy mà rapper và các tác phẩm của họ được xếp vào dòng underground (dòng nhạc ngầm). Underground có đặc điểm là sáng tác tự do, phóng khoáng, thể hiện bản sắc và cá tính mà không phụ thuộc vào thị trường âm nhạc.
Ngược dòng thời gian, với thị trường nhạc Việt, có thể nói, rap đã xuất hiện khá sớm. Trước khi nói đến sự xuất hiện của rap và rapper trong thị trường nhạc Việt, cần nói rằng, ca khúc nhạc rap có 2 dạng chính: Loại thứ nhất là đọc rap trên nền nhạc từ đầu đến cuối; loại thứ hai là một hoặc nhiều đoạn rap xen kẽ giữa những đoạn nhạc.
Thuở ban đầu của thị trường nhạc Việt - thập niên 1990, các nhà sản xuất âm nhạc thời kỳ này đã nhận thấy rap có một hấp lực đặc biệt đối với công chúng trẻ. Tuy nhiên, thời kỳ này, rap vẫn bị nhìn nhận khá khắt khe bởi sự tự do “vô tổ chức”, sự “thô thiển” và cả sự “non nớt” về nghệ thuật trong các tác phẩm rap. Vì vậy, rap hầu như chưa có những tác phẩm độc lập, nó chỉ xuất hiện với tỷ lệ và tần suất rất khiêm nhường trong ca khúc của các ca sĩ dòng “chính thống”. Một ca khúc có 1 hoặc 2 đoạn rap ngắn, giai đoạn đầu là do ca sĩ đọc luôn phần rap. Một thời gian sau đó, rap được một rapper “chính hiệu” đọc.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, người từng làm biên tập âm nhạc cho nhiều hãng sản xuất băng đĩa nhạc từ thập niên 1990 nói rằng: Khoảng năm 1995, trong các băng video ca nhạc thiếu nhi, anh đã viết những đoạn rap của các ca khúc như: Xúc xa xúc xẻ, Ngôi nhà cười… Tuy nhiên, lúc đó đọc rap như hình thức đọc “lô tô” chứ không “bắn chữ” dữ dội như hiện nay và các thiếu nhi vừa hát kiêm luôn đọc phần rap.
Nhạc sĩ Minh Châu cũng là người biên tập âm nhạc cho nhiều đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc từ năm 1997 như: Viết Tân Studio, Bến Thành Audio - Video, Karaoke MASECO… Anh kể: “Thời đó tôi biên tập cho khá nhiều đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc nên nắm khá rõ tình hình âm nhạc. Có thể nói những ca khúc có rap thuộc giai đoạn đầu tiên ở TP.HCM như: Hãy quên sầu đi (sáng tác: Minh Châu) do Nhóm Thế hệ mới, Nhóm Techno, Lam Trường biểu diễn từ năm 1998 và họ tự đọc rap. Cũng bài này Lam Trường hát trong liveshow của mình năm 1999 và thu đĩa cho album Chút tình thơ ngây (năm 2000). Năm 2001 trong video Ba chàng ngự lâm của Công ty MFC, ca khúc Hát cho tuổi trẻ (sáng tác: Minh Châu) do Tuấn Hưng, Minh Quân, Trần Tâm và Thanh Thảo thể hiện, ca khúc có một đoạn rap ngắn do Tuấn Hưng đọc. Đặc biệt video bài Nàng xuân ngoài phần rap của ca sĩ còn có những màn breakdance của Đinh Tiến Đạt, tuy rất ngắn, chỉ thoáng qua.
Tiếp sau đó có thể kể đến Mắt nai cha cha cha của Sĩ Luân, ca sĩ Hồng Ngọc trình diễn (2002) hoặc Vợ thằng Đậu của Võ Thiện Thanh do Cẩm Ly trình diễn (2004) cũng có phần
đọc rap.
Cũng theo nhạc sĩ Minh Châu, Đinh Tiến Đạt (Mr Dee) được xem như rapper đầu tiên mà thị trường âm nhạc biết đến. Sau này, Đinh Tiến Đạt có những album toàn đọc rap trên nền nhạc, album mà nhiều người biết đến là album Giao thông.
Sau thời của Mr Dee còn có Hà Okio là rapper được nhiều người biết đến của thị trường nhạc Việt, rồi từ khi YouTube “bùng nổ”, rất nhiều rapper xuất hiện, các ca khúc của ca sĩ có đoạn đọc rap cũng khá phổ biến và nhiều tác phẩm của riêng các rapper cũng được biết đến. Có thể kể những gương mặt rapper nổi bật thời gian gần đây như: Rhymastic (Vũ Đức Thiện), Suboi (Hàng Lâm Trang Anh), Karik (Phạm Hoàng Khoa), JustaTee (Nguyễn Thanh Tuấn), Binz (Lê Nguyễn Trung Đan), Đen Vâu (Nguyễn Đức Cường), Wowy (Nguyễn Ngọc Minh Huy), BigDaddy (Trần Tất Vũ), Kimmese (Quách Cẩm Lê)…
Sự “bùng nổ” của rap Việt
Khi kênh YouTube chia sẻ âm nhạc được phổ biến rộng rãi, các underground được biết đến nhiều hơn, còn trước kia thì gần như không ai biết đến họ, trừ nhóm bạn bè underground với nhau. Mà ở Việt Nam, năm 2012 kênh YouTube chia sẻ nhạc mới bắt đầu thịnh hành với sự “mở màn” của ca sĩ Mỹ Tâm - ca sĩ đầu tiên của thị trường nhạc Việt chính thức có kênh YouTube.
Vì vậy trong vòng gần 10 năm qua cũng là thời gian xuất hiện khá nhiều rapper chuyên nghiệp được nhiều người biết đến. Thời gian gần đây, rất nhiều MV trên YouTube của các rapper hoặc của ca sĩ chuyên nghiệp có sự tham gia của rapper, đạt con số hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu lượt xem, điển hình như: Hai triệu năm (rapper Đen ft. Biên) có hơn 56 triệu lượt xem, Ex’s Hate Me (rapper B Ray và Masew ft. Amee) hơn 125 triệu lượt xem, Mượn rượu tỏ tình (rapper BigDaddy ft. Emily) hơn 152 triệu lượt xem, Người lạ ơi (rapper Karik ft. Organce) hơn 202 triệu lượt xem v.v… Nói như thế để thấy rằng khán giả của rap cũng thật đông đảo.
MV "Hai triệu năm" của Đen Vâu:
Tuy nhiên, một thời gian khá dài, rap như một làn sóng ngầm mạnh mẽ nhưng chưa có dịp bùng phát. Trong thị trường âm nhạc, có nhiều đối tượng công chúng thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau. Trong quá khứ, nhạc rock đã từng có những tour xuyên Việt của Rock Storm thu hút hàng chục ngàn khán giả tại các sân vận động. Bolero thì hằng hà sa số chương trình trên tryền hình như: Tiếng hát bolero, Solo cùng bolero, Thần tượng bolero, Tình bolero, Kịch cùng bolero, Khán giả cùng bolero… “Nhạc trẻ” nói chung, cũng có nhiều chương trình thi hát như: Giọng hát Việt (The Voice), Thần tượng âm nhạc (Vietnam Idol), Hòa âm ánh sáng (The Remix)… Nhưng sân chơi cho nhạc rap thì vẫn chưa có một chương trình nào hoành tráng, bài bản và qui mô làm thỏa lòng những tín đồ yêu rap.
Trong bối cảnh đó, năm 2020 có 2 chương trình rap xuất hiện: King of Rap (trên VTV3) và Rap Việt (trên Vie Channel - HTV2), cả 2 chương trình đều được dàn dựng hoành tráng theo format của gameshow hiện đại và với sự góp mặt của những rapper hàng đầu Việt Nam. Sự xuất hiện này giống như hạn hán lâu ngày gặp trận mưa rào, rap “bùng nổ” giúp chương trình có số lượng người xem hàng đêm đạt con số kỷ lục, nhất là vào đêm chung kết của Rap Việt. Các tập của Rap Việt trên YouTube hiện nay có hàng chục triệu người xem…
King of Rap và Rap Việt ngoài việc mang lại một chương trình giải trí hấp dẫn cho khán giả, chúng cũng đánh dấu một chặng đường phát triển của nhạc rap Việt Nam, từ kỹ thuật đọc rap, kỹ thuật gieo vần đôi, vần ba khi viết lời cho đến việc làm nhạc beat, phong cách trình diễn của rapper…
Đề tài của các thí sinh rapper qua 2 cuộc thi cũng rất phong phú, ngoài đề tài tình yêu, còn có khá nhiều bài về đề tài xã hội. Đặc biệt có những bài như: Bắc kim thang của Ricky Star lấy cảm hứng từ bài dân ca cùng tên; Chú bé loắt choắt của Dế Choắt dựa trên bài thơ Lượm của Tố Hữu; R. Tee với bản rap Rằm tháng 7 lấy cảm hứng từ làn điệu Xá thượng của hát văn… Đó là những nội dung rất có ý nghĩa và đã tạo thiện cảm đối với công chúng, xóa đi ấn tượng không tốt của nhiều người về những bản rap với lời lẽ suồng sã, có khi thô tục… của giai đoạn đầu tiên.
2 chương trình này cũng đã giới thiệu một thế hệ rapper mới đầy tiềm năng với kỳ vọng mang đến nhiều màu sắc cho thị trường âm nhạc.
Nhạc rap cuối năm 2020 như đã bước sang một trang mới với nhiều tiềm lực và nhiều hứa hẹn tốt đẹp…
Dấu ấn của rap và rapper ở giải Âm nhạc Cống hiến Về khía cạnh nghệ thuật, các rapper chuyên nghiệp cũng đã xuất hiện trong các ca khúc của các ca sĩ chuyên nghiệp góp phần tạo nên sự tươi mới cho những ca khúc được xem là có nhiều sáng tạo mới mẻ, lọt vào đề cử giải Âm nhạc Cống hiến như: JustaTee đọc rap trong ca khúc Thằng điên (đề cử MV của năm - Cống hiến 2019), Rhymastic trong Hôm nay tôi cô đơn quá (đề cử Bài hát của năm - Cống hiến 2018); B Ray trong Anh nhà ở đâu thế (đề cử MV và Bài hát của năm - Cống hiến 2020). Đáng nói hơn, rapper BigDaddy trong Tình yêu màu nắng đã góp phần giúp Đoàn Thúy Trang đoạt giải Bài hát của năm - Cống hiến 2014. Đặc biệt, Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh, do Linh tự đọc rap, giành cả 2 giải MV và Bài hát của năm - Cống hiến 2020… Ở giải Âm nhạc Cống hiến lần 16 - 2021, nhạc rap “thắng lớn” với 4 giải thưởng: Chuỗi chương trình của năm (Rap Việt), Nhà sản xuất của năm (Hoàng Touliver - giám đốc âm nhạc của Rap Việt), Music video của năm (Đi về nhà của rapper Đen Vâu & JustaTee) và Nghệ sĩ mới của năm (rapper Dế Choắt). |
Hữu Trịnh
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất