17/11/2021 07:41 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Rap Việt mùa 2 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát, cùng lúc là những lùm xùm liên quan đến từ MC tới bản quyền thiết kế, đồ họa. Rồi có nhiều ý kiến về sự kém hấp dẫn trong kịch bản, thiếu nhân tố mới ở thí sinh, sự nhạt nhòa của giám khảo LK.
Thế nhưng, Rap Việt mùa 2 vẫn đang ở Top thịnh hành, không chỉ trên truyền hình, mà còn trên YouTube và các nền tảng khác.
Có thể kể tới một vài ví dụ về lùm xùm có liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp: MC Trấn Thành và chuyện sao kê từ thiện khiến nhiều người lên tiếng đòi tẩy chay Rap Việt mùa 2 và những chương trình có anh tham gia.
Doanh nhân Min-Liang Tan (Singapore) tố cáo chương trình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vì sử dụng hình ảnh mẫu mặt nạ do công ty game Razer của ông thiết kế. Họa sĩ Jaime Jasso lên án Rap Việt mùa 2 lấy sản phẩm đồ họa của ông mà không xin phép. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không hài lòng vì sai sót của chương trình, khi ghi tên Nam Cường là tác giả bài hát Bay giữa ngân hà do anh sáng tác.
Vẫn còn mới lạ
Nhiều cây bút bình luận cho rằng Rap Việt mùa 2 đã mất đi tính bất ngờ, vì thí sinh nổi bật qua 4 vòng thi toàn là những gương mặt thâm niên trong thế giới underground (mạch ngầm) của rap như Soul7, Blacka, Vsoul, Pjpo…
Nhận xét này có vẻ không thuyết phục cho lắm. Bởi vì, cho dù những cái tên vừa kể, có người đã chơi rap hơn 10 năm, có được một cộng đồng khán giả nhất định trong giới underground, nhưng vẫn vô cùng xa lạ với đa số khán giả truyền hình, YouTube và các nền tảng công nghệ số chuyên về giải trí, hoặc những đối tượng khán giả ngoại đạo của sân chơi này. Thậm chí, ngay cả Soul7 được mệnh danh là “thầy 7”, vì đã đào tạo nhiều rapper trẻ thành công, nhưng vẫn tự cảm thấy mình chưa thành công, vẫn còn vô danh.
Vậy nên, sự xuất hiện của họ, với phần trình diễn thú vị và lôi cuốn vẫn tạo nên hiệu ứng tốt cho người xem. Đến nay, tính riêng trên YouTube, Rap Việt tập 1 đã có hơn 13 triệu lượt theo dõi, tập 2 đã hơn 10 triệu, tập 3 đã hơn 9 triệu, tập 4 đã hơn 6 triệu… Đây là những con số mà nhiều chương trình giải trí ước mơ. Người hâm mộ quốc tế cũng đã có rất nhiều lời bình, phản hồi tốt về chương trình.
Một điểm lý thú khác của Rap Việt mùa 2, đó là cả thí sinh, huấn luyện viên và giám khảo đều cho thấy họ là những người có chuyên môn và bản lĩnh. Thoạt nghe qua vài bài rap dự thi, những người chưa am hiểu có cảm giác rằng đây chỉ là loại nhạc chẳng có bài bản và ý nghĩa gì sâu sắc. Nhưng qua mỗi bài thi, được nghe nhận xét của huấn luyện viên, mới vỡ ra rằng nó không đơn giản như thế. Hẳn nhiều khán giả lần đầu tiên nghe đến các thuật ngữ như beat (nhịp, phách), flow (sự trôi chảy), lyric (lời/ca từ)… được phân tích. Cũng như trong kỹ thuật viết lyric (lời/ca từ) của rap thì cần có các kỹ năng như comparing (so sánh), meta (ẩn dụ), meto (hoán dụ), prosopopoeia (tượng thanh), wordplay (chơi chữ), spoonerism (nói lái, đảo vần)…
Đến mùa 2 này, những thuật ngữ đó vẫn còn chưa quen với nhiều khán giả. Điều này chứng minh rằng nếu như ở các thể loại nhạc khác, một ca sĩ có thể không biết nhạc lý, không biết sáng tác, vẫn có thể hát tốt và trình diễn tốt, thì với nhạc rap, các rapper phải là những người tự sáng tác, mà muốn sáng tác được, thì phải hiểu rõ về cấu trúc và kỹ năng.
Đây là cuộc chơi đầy công phu và nghiêm túc. Khi công chúng phát hiện ra đằng sau bộ quần áo lạ mắt, kiểu tóc khá dị, các hình xăm rằn rện… là sự tập trung tìm tòi, sáng tạo, họ đã dành nhiều sự tôn trọng. Đây có lẽ là lý do giúp Rap Việt mùa 2 vẫn còn mới mẻ, hấp dẫn với khán giả.
Nội dung ý nghĩa
Nhìn một loạt qua các chương trình giải trí hiện nay, thấy định dạng của Rap Việt có tính lý luận và phản biện cao. Ở đó, các huấn luyện viên, phần lớn, đều đưa ra những nhận xét đầy tự tin, thu hút, thú vị. Không dừng lại ở đó, họ còn có quyền phản đối quyết định của giám khảo bằng lập luận và bằng hành động ném nón vàng. Cụ thể hơn, nếu có từ 2 huấn luyện viên chọn thí sinh trở lên, quyền quyết định thí sinh thuộc về ai sẽ do 2 vị giám khảo quyết định. Nhưng nếu huấn luyện viên không phục, họ được quyền 1 lần dùng nón vàng để phản đối.
Về những giây phút lắng đọng, rơi nước mắt, cũng như tranh cãi của chương trình, bên chê thì cho là không hợp lý, bên khen thì nói đây là những cảm xúc chạm vào tim người xem. Ý kiến bên khen có vẻ hợp lý, bởi vì trong đại dịch nhiều mất mát này, những cảm xúc như vậy là cần thiết, có thể an ủi nhiều người. Đôi khi MC Trấn Thành hỏi về hoàn cảnh và tâm trạng của thí sinh với Covid-19 là phù hợp với tính thời sự, không hề lạc quẻ. Có thí sinh đã kể về sự ra đi của người thân, nhưng rồi cũng phải vượt qua, đã khiến cho khán giả cảm động. Đó là những khoảnh khắc đẹp và nhân văn.
Điều đáng nói hơn ở mùa 2 là nội dung của các bài hát. Nhiều thí sinh đã nói về tình phụ tử, mẫu tử, nhiều bạn mong muốn mang lại món quà tinh thần cho người thân. Hoặc như chuyện Pjpo lồng ghép hát lô tô vào bài hát của mình, khơi gợi một liên tưởng về 2 loại hình nghệ thuật đường phố. Hoặc như Soul7 thường đưa 2 chữ Bồng Sơn vào các bài rap, như một cách nhắc nhở chính bản thân về quê hương, cội nguồn.
Vài điều được kể ở trên cho thấy rằng dù Rap Việt mùa 2 đang vấp phải một số lùm xùm, nhưng vẫn có sức hút rất mạnh, vì tinh thần tích cực của nó.
Nguyễn Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất