Raymond Domenech: 'Người đáng ghét nhất nước Pháp không phải là tôi'

17/06/2013 15:42 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(giaidauscholar.com) - Nếu cuộc đời là một quả sơ-ri, như lời thơ của Jacques Prevert, thì đối với Raymond Domenech, đời chắc chắn là một quả sơ-ri rất tệ. Nhưng bây giờ, ở tuổi 61 và không còn dính dáng gì đến bóng đá chuyên nghiệp nữa, trông Domenech sảng khoái và thanh thản như một lão nông đã thôi việc đồng áng để dưỡng già ở thành thị.

Vị huấn luyện viên nổi tiếng là bảo thủ này đã cùng đội tuyển Pháp bị Italia (và Marco Materazzi) đánh bại ở trận chung kết World Cup 2006 trong loạt penalty, bị loại khỏi EURO 2008 từ vòng bảng với chỉ một điểm giành được và hai năm sau đó, bị Nicolas Anelka và một số tuyển thủ Pháp sỉ nhục công khai trong thảm bại World Cup 2010, điểm kết thúc sự nghiệp của ông với đội Áo Lam.

Domenech là rất nhiều trong một: một huấn luyện viên kém may mắn, người hùng tiêu cực trong một thảm họa thể thao của nước Pháp và là nhân vật hứng chịu búa rìu dư luận kể cả khi ông không còn cầm quân đội Pháp nữa.

Sinh ra ở Lyon, Pháp, với cha là một người lưu vong Tây Ban Nha vì chế độ độc tài Franco, Domenech từng là một diễn viên sân khấu, một trung vệ tài năng rất khiêm tốn và là một huấn luyện viên tồi (theo lời của những kẻ đã phản bội ông).

Những câu chuyện thâm cung bí sử về bóng đá thì ông đã viết ra trong một cuốn tự truyện bán cực chạy ở Pháp (hơn 200.000 bản được bán hết veo trong mấy ngày). Đối với ông, cuốn sách ấy như là một "liệu pháp để chữa trị" những vấn đề về tinh thần.



Domenech sảng khoái và thanh thản như một lão nông đã thôi việc đồng áng để dưỡng già ở thành thị

Ông trả lời phỏng vấn nhật báo lớn nhất Italia Corriere della Sera

"Thất bại không có nghĩa là thế giới sụp đổ"

* Bây giờ ông thế nào rồi, Domenech?

- Tôi vẫn xem giải vô địch Pháp và đội tuyển Pháp trên ti-vi. Thua ở World Cup 2010 không có nghĩa là thế giới sụp đổ. Đội Pháp vẫn phải đá bóng và tôi thì phải sống. Vào các ngày thứ Tư hàng tuần, tôi huấn luyện các đội bóng của bọn trẻ tầm 10 tuổi mà không có phóng viên theo dõi, không có camera nào hướng tới, không có sự bắt buộc phải giành chiến thắng. Ngày đầu tiên thì báo chí tràn ngập đời sống của tôi. Nhưng rồi thì sự bình yên cũng trở lại. Tôi đã giở sang trang mới, và các vị hãy để tôi được yên.

* Ông đã học được gì sau thảm bại ở World Cup 2010, trên khía cạnh bóng đá và chính trị?   

-  Hồi đó, ở Nam Phi, tôi ý thức rõ ràng sự cách biệt lớn lao giữa thế hệ của tôi và các cầu thủ. Tôi phải thực hiện cuộc chuyển giao thế hệ của đội tuyển Pháp, và điều đó chẳng hề đơn giản chút nào. Có những thời điểm tôi không thể nào hiểu nổi điều gì đang xảy ra. Các cầu thủ đình công ư? Thật không thể tin nổi. Tôi không thể nào hiểu được họ đang nghĩ gì trong đầu. Khoảng cách giữa chúng tôi không thể nào san lấp được.

Hôm trước khi giải diễn ra, khi mâu thuẫn không thể dàn xếp được nữa, tôi nói với các cộng sự: "Giờ chỉ còn thiếu một cuộc bãi công của lũ đàn bà ấy". Tôi không tin được là các cầu thủ Pháp đình công thật.

* Nhưng đúng là bóng đá đã thay đổi rồi...

- Cuộc đời cũng như bóng đá, đều thay đổi. Mẹ tôi đã qua đời. Chính bà đã bảo vệ tôi khi trên tờ l'Equipe xuất hiện câu chuyện về việc Anelka sỉ nhục tôi như thế nào. Trang nhất của tờ báo đã làm cho bà đau đớn. Mọi chuyện hoàn toàn khác với những gì mà bài báo đó đã đăng. Thế nhưng, nhà báo các anh là thế đó. Luôn có một kẻ nào đó giật tít câu khách chứ. Bây giờ, tôi gặp vấn đề lớn trong việc xem xét lại giá trị của bóng đá trong cuộc sống của mình. Bóng đá đã đẩy tôi vào rắc rối bao lần. Tôi buộc phải thoát ra khỏi nó.

Nếu Zidane và Materazzi không húc nhau

* Hình như ông rất khác với những gì báo chí đã mô tả ông. Ông có còn cảm thấy, mình là một kẻ đáng ghét của nước Pháp, như họ đã viết về ông không?

- Không, không phải tôi. Kẻ đó là (Nicolas) Sarkozy (cựu tổng thống Pháp)! Điều thú vị là có không ít người trên đường dừng lại và chào tôi cũng như chúc mừng tôi về trận chung kết ở Berlin năm 2006. Tôi đi tàu điện ngầm, đi siêu thị mà chẳng bị ai làm phiền cả. Ngay cả Aime Jacquet cũng thế. Ông ấy có thể thanh thản đi lại ngoài đường dù đã giành một chức vô địch thế giới. Trên sân thì khác. Ở đấy, có những chuyện điên rồ xảy ra, và dường như ai cũng muốn hô một điều gì đó.

* Báo chí nói rằng ông là người mê tín và ông lựa chọn cầu thủ theo sao chiếu mệnh của họ. Chẳng hạn ông đã không tin lắm David Trezeguet, vì anh ấy có cung bọ cạp...

- Tôi chẳng bao giờ tin vào những trò bói toán trên tạp chí hay ti-vi đâu. Sự thật là tôi không hề sắp xếp đội hình thi đấu theo lá số tử vi của họ. Đối với Trezeguet, tôi quan tâm đến những con số thống kê. David trở thành cầu thủ có đóng góp quan trọng khi anh ta không được xếp đá chính. Tôi quan tâm đến cá tính, tinh thần chứ không phải mấy thứ lá số vớ vẩn mà báo chí nêu ra ấy.

* Nếu như Zinedine Zidane và Marco Materazzi không húc nhau....

- Thậm chí cho đến trước sự cố đó ít phút, chúng tôi vẫn đang làm chủ trận đấu. Tôi đã nghĩ đến việc rút Zidane ra để anh được cả sân vận động đứng dậy vỗ tay tung hô. Nào ai có thể tưởng tượng được lại có chuyện khiêu khích, cú húc đầu và thẻ đỏ như vậy chứ? Cuốn phim của tôi chắc chắn sẽ không kết thúc như thế.

* Người ta đã dựng tượng Zidane húc Materazzi ở Beaubourg

- Tôi coi đó là một hình thức marketing tệ hại nhất cho một kẻ giả danh nghệ sĩ. Hắn ca ngợi một hành vi bạo lực. Thật là tệ hại.

"Ai nghĩ về tôi thế nào, tôi không quan tâm"

* Trong cuốn tự truyện của mình, ông lờ đi pha dùng tay khống chế bóng của Thierry Henry trong trận play-off với Ireland. Tại sao?

- Bởi tôi không nhìn thấy. Trọng tài cũng không thấy. Tất cả thế giới chỉ trích tình huống đó, nhưng tôi thì lại chỉ cho đó là một sai lầm của trọng tài. Vậy thôi.

* Ông có hay nói chuyện với Anelka không?

- Không, nhưng nếu gặp cậu ta, tôi sẽ chào hỏi đàng hoàng. Chẳng vấn đề gì cả.

* Cầu thủ xuất sắc nhất mà ông đã huấn luyện là ai?

- Chỉ có thể là Zidane?    

* Cuối cùng, sau 100 năm nữa, khi nhớ lại về Domenech, ông muốn người ta nhớ đến như thế nào?

- Như một yếu tố gây chia rẽ. Như là người đã xứng đáng vào đến chung kết World Cup 2006. Như một người đi đầu. Như một người đã trở thành trung tâm của các cuộc bàn luận, và do đó, luôn được nhắc đến. Nhưng quá khứ không thể thay đổi được. Thế nên, sau 100 năm nữa, người ta nghĩ về tôi thế nào, tôi chẳng quan tâm!                               

Anh Ngọc (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm