Carlo Ancelotti: Vị tướng làm gì cũng đúng

07/08/2013 19:05 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Một trong những đặc điểm khiến Carlo Ancelotti có thể thành công ở bất kỳ đâu là khả năng thích ứng tuyệt vời của ông. Carlo luôn biết cách tìm ra một con thiên nga giữa đám vịt trời, và nhìn thấy ưu điểm của bất kỳ ai.

Nếu như người tiền nhiệm Jose Mourinho luôn đòi hỏi những mẫu cầu thủ phù hợp để đạt được hiệu quả cao trong công việc, thì Ancelotti có thể tạo ra một đội bóng mạnh mẽ từ bất kỳ chất liệu nào, thậm chí là trong điều kiện hết sức ngặt nghèo.

Bài học về sự kiên nhẫn

Ancelotti cơ bản là một người dễ tính. Ông đã làm việc dưới quyền hai ông chủ rất thích can thiệp vào chuyên môn của HLV là Silvio Berlusconi và Roman Abramovich. Ông đã ngồi nghe Berlusconi thuyết giảng hàng giờ về sơ đồ hai tiền đạo, về yêu cầu “chúng ta phải thống trị về lối chơi lẫn kết quả”, rồi ra sân và vẫn đoạt đến hai Champions League. 

Ông đã học cách lắng nghe, chắt lọc những gì tốt nhất, dung hòa các mối quan hệ và vẫn lèo lái đội bóng đi đến thành công. Ancelotti ưa thích sơ đồ “cây thông” 4-3-2-1, hệ thống mà ông đã đề cập một cách say mê trong quyển luận án tốt nghiệp HLV ở trung tâm Coverciano, nhưng ông sẽ luôn thay đổi tùy theo hoàn cảnh, bài học mà ông thấm nhuần từ khi bước vào nghiệp HLV, với CLB đầu tiên là Parma.

Đúng hơn là bài học từ khi ông còn là một cầu thủ. Ancelotti đến Milan dưới thời HLV huyền thoại Arrigo Sacchi từ Roma năm 28 tuổi, và mất khá nhiều thời gian để thích nghi: “Cậu ta gặp nhiều khó khăn lúc đầu” – Sacchi kể lại. “Berlusconi nói rằng chúng ta có một nhạc trưởng không hề biết đọc bản nhạc. Tôi đã bảo với ông ta rằng tôi sẽ dạy Carlo hát đúng tông phù hợp với dàn nhạc của chúng ta. Mỗi ngày, tôi bắt cậu ta đến sớm và tập khoảng một tiếng đồng hồ với các cầu thủ trẻ, trước khi tập cùng toàn đội. Cuối cùng, cậu ta đã hát lên những giai điệu tuyệt vời”.

Nhưng đó chưa phải là thời điểm Carlo thực sự hiểu về sự kiên nhẫn. Tại Parma, ông đã đánh mất Gianfranco Zola (sang Chelsea) vì cố xếp anh chơi ở vị trí tiền vệ trái, trong khi cầu thủ người Ý chỉ thích chơi trung phong và tiền đạo lùi. Ancelotti cũng đã bỏ lỡ cơ hội làm việc với Roberto Baggio vì sự cứng nhắc ấy: “Tôi hỏi anh ấy muốn chơi ở đâu, anh ấy trả lời rằng ở sau hai tiền đạo. Tôi nói chúng tôi không vận hành hệ thống ấy, và Baggio sẽ phải cạnh tranh với Crespo và Chiesa trên hàng tiền đạo. Anh ấy nói không và chuyển sang Bologna”.

Người có thể làm việc với bất kỳ ai

Sau đó là một sự thay đổi lớn. Ancelotti nhận ra rằng bản năng của cầu thủ là vô cùng quan trọng đối với lối chơi, và chiến thuật sẽ là một “xác sống”, nếu không có linh hồn ấy. Bước ngoặt đầu tiên là Zinedine Zidane: “Tôi nhận ra rằng không thể xếp Zizou đá tiền vệ trung tâm hay tiền vệ cánh, và thế là tôi cho Juventus chơi với 3 hậu vệ và 4 tiền vệ, phía trước là Zidane và hai tiền đạo”. Đó là cải tiến quan trọng nhất: Juve trở thành một thế lực không thể tranh cãi ở Ý, còn Zidane là số 10 hay nhất vào thời điểm ấy.

Tại Milan, Ancelotti phải giải quyết nhiều bài toán một lúc: Tiếp nhận một cầu thủ bị Inter thải loại là Andrea Pirlo, và chơi hai tiền đạo theo ý Berlusconi. Cho Pirlo chơi ở vị trí kiến tạo lùi sâu, ông giải quyết câu hỏi đầu tiên một cách hoàn hảo, và sau đó, với hệ thống hai tiền đạo (thường là Shevchenko – Inzaghi), Milan đã vô địch châu Âu hai lần.

Tại Chelsea, ban đầu, ông cố gắng sử dụng hàng tiền vệ hình kim cương, nhưng sau khi nhận ra rằng Frank Lampard chơi quay lưng về phía khung thành không tốt, ông đã sử dụng Deco và Joe Cole ở vai trò này, chuyển hệ thống của Chelsea sang 4-3-2-1 và 4-3-3. Kết quả? Chelsea đoạt một cú đúp ngay mùa bóng đầu tiên của Ancelotti.

Tại PSG, với một loạt những cầu thủ tấn công hàng đầu cá tính là Ibrahimovic, Lavezzi, Menez, Nene và Pastore, Ancelotti luân phiên sử dụng 4-3-2-1 và 4-4-2 khi cần, luôn “giữ lửa” cho họ, và vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt chiến thuật.

Triết lý của Ancelotti là xây dựng lối chơi tùy thuộc cá tính của các cầu thủ, kết hợp giữa chiến thuật và bản năng của họ, và tận dụng mọi ưu điểm của họ, hơn là nhìn vào nhược điểm và cố loại bỏ nó. Khác với người tiền nhiệm Jose Mourinho, vốn nổi bật với lối chơi phản công và ưa thích những cầu thủ giàu sức mạnh, Ancelotti đã làm việc và thành công với mọi kiểu cầu thủ, ngay cả khi quyền lực của ông bị thu hẹp (bởi Berlusconi ở Milan).

Chính vì thế, hãy tin rằng nếu quản lý Madrid là một công việc từng bị phức tạp hóa dưới thời Mourinho, nó có thể trở nên rất đơn giản dưới tay Ancelotti. Bóng đá trong mắt HLV người Ý không phải là cái gì đó bày sẵn ra theo ý ông. Nó là một sự thích ứng với niềm vui và trong sự ôn hòa. Không ai là kẻ thù, hoặc kẻ bỏ đi, bởi bóng đá là một trò chơi, và Ancelotti sẽ xoay quả bóng cho đến khi ông tìm ra mặt tốt nhất của nó.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm