Real Madrid, đội bóng đổi thay mạnh mẽ nhất: Từ thảm họa Alcorcon tới giấc mơ Decima

26/12/2009 10:44 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) -  Cuộc cách mạng nào cũng cần một biến cố làm mồi lửa. Với cuộc cách mạng ở Real Madrid, biến cố ấy chính là trận thua không kịp vuốt mặt trước đội bóng nhược tiểu Alcorcon ở Cúp Nhà Vua. Từ sau thảm họa ấy, Pellegrini buộc phải hành động để tự cứu lấy mình, và, như người ta vẫn nói, cái khôn đã ló ra từ cái khó.

Ánh sáng ở Alcorcon

Pellegrini đã khởi đầu kỷ nguyên của mình ở Bernabeu bằng cách làm sống lại một "thây ma" mang tên 4-2-2-2, vẫn được gọi là sơ đồ hình ống khói. Vì cái "ống khói" ấy, đã có biết bao HLV phải thân bại danh liệt, trong đó đáng kể nhất là Carlos Alberto Parreira với Brazil năm 2006 và Wanderlei Luxemburgo với chính Real Madrid trong giai đoạn từ đầu năm 2004 tới đầu năm 2005. Nhưng cũng như Parreira và Luxemburgo, Pellegrini gần như không thể nghĩ ra được cái gì khác khi mà trong tay ông có quá nhiều những ngôi sao tấn công mà bỏ thì vừa tiếc lại vừa lo nguy cơ phòng thay đồ nổ tung. Kết quả là cho tới trước ngày bị đánh sập ở một thị trấn hẻo lánh cách Madrid chỉ 16 km, Real Madrid trước đối thủ nhỏ thì phải dựa vào sự tỏa sáng của các ngôi sao, còn trước đối thủ lớn (Sevilla, AC Milan) thì… thảm bại!

Hy vọng thành công đang trở lại với Real

Từ sau thảm họa ở Alcorcon, HLV người Chile đã đi đến một kết luận, rằng hoặc là ông cách mạng đội bóng một cách triệt để, hoặc là ông phải ra đi. Trong cái thế chẳng còn gì để mất, Pellegrini đã làm được cái việc mà không một người tiền nhiệm nào của ông dám làm: Loại bỏ vị thế "không thể động tới" của đội trưởng Raul và đội phó Guti. Học theo Alex Ferguson, "phạt thì không nói mà nói thì không phạt", Pellegrini lẳng lặng đẩy Raul lên băng ghế dự bị, đẩy Guti lên… khán đài, và cứ mỗi khi bị chất vấn, ông lại khăng khăng "Raul vẫn đá chính" và "tôi không phạt Guti". Cái lối phạt mà không phạt ấy hiệu quả cao tới ngỡ ngàng. Real không còn phải phụ thuộc vào Raul, Guti, nhưng cũng chẳng ai dám nói Pellegrini "trù" hai ông nghị ấy. Khi Raul tự nói rằng "tôi hạnh phúc", thế nghĩa là Pellegrini đã thắng.

Hồi sinh giấc mơ Decima

Bao năm nay, người Madrid vẫn mơ giấc mơ Decima - chiếc Cúp vô địch C1/Champions League thứ 10 - trong tuyệt vọng. Năm năm gần đây, đội bóng của họ thậm chí còn không vượt qua nổi vòng 1/8. Nhưng giờ thì hi vọng đang trở lại, có hình và có nét. Ngay cả ở thời điểm này 2 năm trước, khi Real Madrid của Schuster vừa vượt qua Barca ngay tại Nou Camp để đi nghỉ Đông với 7 điểm nhiều hơn đại kình địch, cũng chẳng có nhiều madridista dám hi vọng rằng giấc mơ của mình sẽ trở thành sự thật như lúc này, dù Real Madrid hiện vẫn còn kém Barca 2 điểm. Không chỉ đơn giản là vì sức mạnh của Real về lý thuyết đã được tăng cường đáng kể với sự có mặt của những "galactico". Mà vì từ trận thua Barca ở Nou Camp, họ đã nhìn ra nơi đội bóng của mình những phẩm chất của một nhà vô địch.

Sau trận thua mà số cơ hội Real tạo ra còn nhiều hơn đối thủ ở Nou Camp, Pellegrini và các học trò quả thực đã nhìn thấy "một con đường". Con đường ấy mang tên 4-3-1-2, trong đó ngoài hai tiền vệ chuyên về đánh chặn (Xabi-Lass), Real còn có một tiền vệ chơi tự do (Marcelo) và một người chơi ngay phía sau hai tiền đạo đóng vai trò cầu nối giữa các tuyến (Kaka hoặc Van der Vaart). Cách bố trí ấy vừa tạo ra sự cân bằng đáng nể giữa tấn công và phòng thủ, giữa tấn công trung lộ với tấn công biên, vừa tạo điều kiện tốt nhất cho những cá nhân mà Pellegrini hiện có phát huy hết khả năng của họ. Higuian và Ronaldo bùng nổ dữ dội, Van der Vaart hồi sinh, còn Marcelo thì trở thành một dạng vũ khí bí mật. 4 trận sau "El Clasico", Real thắng cả 4, ghi 16 bàn và chỉ lọt lưới 5!

Lần đầu tiên từ thời Zidane, người ta lại thấy Real Madrid có thể dung hòa một cách ổn định hai yếu tố kết quả và hình ảnh. Không chỉ thắng, Real Madrid ấy còn biết thắng một cách thuyết phục, khiến cho đối thủ thì tâm phục khẩu phục còn khán giả thì sướng rơn. Những kết quả tốt đẹp liên tục mang tới một thứ vô giá: Niềm tin. Pellegrini tin vào sự lựa chọn của ông, các cầu thủ tin vào khả năng của họ, còn khán giả thì tin vào đội bóng. Mà người ta vẫn bảo, niềm tin là thứ duy nhất Real Madrid còn thiếu để lại trở thành vĩ đại…

Lịch thi đấu, sức mạnh của Real Madrid

Nếu đánh giá một cách công tâm, việc Real Madrid giành được tới 37 điểm và ghi tới 40 bàn sau 15 trận là một thành quả phi thường. Bởi lịch thi đấu ở lượt đi hoàn toàn không ủng hộ đội bóng áo Trắng: Họ phải tới làm khách trên sân của cả Barca (0-1), Valencia (3-2), Sevilla (1-2) lẫn Villarreal (2-0)! Nhưng điều đó cũng có nghĩa là Real Madrid có cơ hội để bứt phá trong giai đoạn lượt về, khi phần lớn những trận đấu quan trọng của họ đều diễn ra ở Bernabeu (chỉ có trận derby Madrid là phải đá ở sân khách, nhưng Real vốn lại chưa bao giờ ngại Calderon). Do đó, có thể xem việc chỉ kém Barca 2 điểm sau những gì đã xảy ra là một thành công lớn của thầy trò Pellegrini.
 
V.Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm