Sergio Ramos: Đi cũng dở, ở không xong

28/06/2015 06:12 GMT+7 | Real Madrid

(giaidauscholar.com) - Cánh nhà báo luôn cười nhạo Chủ tịch Florentino Perez về việc mua bán cầu thủ, và liệt kê đủ danh sách một đội bóng những người ông đẩy ra đường. Nhưng Perez không cần ai dạy mình cách quản trị một đội bóng thế nào.

Trong khi chẳng có mấy người chịu nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề.

Không ra tiền đừng ở lại Real

Nếu bán Sergio Ramos thì sao? Real không phải tăng lương cho một hậu vệ, có một khoản tiền lớn và tìm kiếm thêm những tài năng trẻ khác. Mà chẳng phải là họ đã có Raphael Varane rồi sao?

Tất cả đều nghĩ, lí do đơn thuần mà Claude Makelele, Mesut Oezil ra đường vì những cầu thủ này đòi tăng lương. Sergio Ramos cũng vậy. Dĩ nhiên, tiền bạc luôn là ưu tiên hàng đầu với những tài phiệt cỡ Perez. Nhưng ở đây cần nhìn đúng cách đánh giá nhân sự của ông.

Một cầu thủ giá trị không chỉ nằm ở khía cạnh chơi bóng, mà còn là lợi nhuận và giá trị hình ảnh. Makelele có thể đem lại sự cân bằng trong tập thể toàn sao của Real. Nhưng tiền vệ này giúp Real bán được bao nhiêu chiếc áo đấu trong một mùa, và giá trị thương mại của anh so với người đồng đội Zinedine Zidane ở mức nào.

5 mùa giải sau đó của Makelele ở Chelsea cũng chẳng có gì đặc biệt. Mesut Oezil vật lộn cùng Arsenal trong vài mùa qua, mà không đi đến đâu cả. Higuain, Di Maria cũng không khác biệt. Sự nghiệp của họ từ khi rời Bernbabeu đều không sáng sủa. Còn ông chủ của “nhà trắng” xoa tay trên đống tiền khi bán đi các ngôi sao này.

Trở lại với chuyện của Ramos, mức lương 10 triệu euro một năm, có vẻ như tương xứng với những cống hiến của anh cho Real trong 10 năm qua. Nhưng thử hỏi, hậu vệ này có được bao nhiêu nhà tài trợ, lôi kéo được bao nhiêu nhãn hiệu danh tiếng quảng cáo, để chia nửa giá trị hợp đồng với Real? Mặt khác, đã bán anh là phải được giá, 50 triệu euro của Manchester United chưa đủ để Perez xiêu lòng.

Cristiano Ronaldo nhận lương 12 triệu euro, nhưng anh đã trả lại cho đội bóng đầy đủ những gì mà Perez cần có ở một ngôi sao. Sergio Ramos hãy thực tế đi, anh kiếm được 7 triệu euro sau thuế cho thấy, Flo Perez đã quá xông xênh rồi.

Bàn tay sắt của Perez

Hỏi Alex Ferguson xem, liệu ông có hối tiếc khi bán David Beckham hay không? Chắc chắn là không. Một người đã không còn tập trung và gây ảnh hưởng tiêu cực lên đội bóng, sẽ phải ra đi. Có ai hay hơn thủ quân Roy Keane ở vị trí tiền vệ trụ đâu, nhưng chỉ vì chỉ trích đồng đội, anh cũng phải bán xới.

Bernabeu vốn luôn nóng rẫy vì sự bất ổn và chủ nghĩa công thần. Cựu đội trưởng Fernando Hierro phản ứng vì Flo Perez sa thải HLV Vicente Del Bosque, ngay lập tức anh phải ra đường. Đội trưởng Raul, Guti gây áp lực lớn đến chính sách mua ngôi sao của ông. Cả hai bước ra khỏi sân Bernabeu, ngay sau một mùa Ronaldo xuất hiện.

Ở thời của Jose Mourinho, chủ nghĩa công thần phát tác dữ dội nhất. Chủ tịch Perez luôn phải đứng ra để đảm bảo mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát. Iker Casillas và Ramos là hai người chống đối Mourinho nhiều nhất. Nếu không vì những vấn đề nội bộ, Real của Mourinho chắc chắn đã không trắng tay ở mùa bóng cuối của ông.

Chủ tịch Perez vốn đã rất kiên nhẫn với Casillas và Ramos. Nhưng không có nghĩa ông quên họ chính là nguyên nhân lớn, khiến hình ảnh của Real bị sứt mẻ nghiêm trọng. Sergio Ramos lại ủng hộ Ancelotti, người gần như đã ra đường, là thêm một lần đối đầu khác với vị chủ tịch quyền lực này. Anh không phải là Ronaldo để khiến Flo Perez phải nhượng bộ.

Anh đòi ra đi, không dễ, vì Real chỉ muốn chồng đủ 90 triệu euro để mua hai năm hợp đồng còn lại của anh. Đội bóng nào dám chi từng đấy tiền cho một hậu vệ đã 29 tuổi, đến Chủ tịch Perez cũng không điên như thế. Nếu Ramos ở lại, ông đạt được hai mục đích, giữ mọi thứ đúng vị trí và bắt đầu cho một Real mới.


Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm