03/08/2014 07:00 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Một rô-bốt biết nói, được lắp ghép từ các món đồ gia dụng, đã bắt đầu hành trình đi vòng quanh Canada, trong khuôn khổ một thí nghiệm nghiên cứu xã hội, để xem máy móc và con người có thể chung sống được với nhau hay không.
Dư luận lâu nay luôn băn khoăn với câu hỏi liệu chúng ta có thể tin rô-bốt được không.
"Liệu rô-bốt có thể tin tưởng loài người?"
Các bộ phim Hollywood như Terminator (Kẻ hủy diệt) và The Matrix (Ma trận) thường mô tả máy móc như kẻ thù của con người. Tuy nhiên giáo sư Frauke Zeller lại không thấy điều tương tự.
Người phụ nữ đang làm việc ở Đại học Ryerson (Toronto, Canada) và cộng sự đã tạo ra rô-bốt mang tên "hitchBot" (rô-bốt đi nhờ xe), trao cho nó một sứ mạng đặc biệt. "Dự án đảo ngược nỗi sợ công nghệ của chúng ta. Nó đặt ra một câu hỏi theo chiều ngược lại: "Liệu rô-bốt có thể tin tưởng loài người?" - bà nói - "Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích các cuộc trao đổi trong xã hội về mối quan hệ của chúng ta với công nghệ và rô-bốt, về các khái niệm liên quan tới sự an toàn và tin tưởng".
Zeller cùng giáo sư David Smith tới từ trường Đại học McMaster và một nhóm chuyên gia khác đã thiết kế để hitchBot hoàn toàn phụ thuộc vào con người. "Nó không thể đạt được mục tiêu đi nhờ xe quanh Canada nếu thiếu sự giúp đỡ của con người, đơn giản bởi nó không tự đi được" - bà nói.
Đổi lại việc bị "tật nguyền", hitchBot có khả năng chiếm được cảm tình của con người. Cụ thể nó có thể thực hiện các cuộc trò chuyện, trả lời nhiều câu hỏi khó thông qua việc tham khảo thông tin chứa trong máy tính của nó. Thậm chí rô-bốt này còn cho bạn biết khi nào nó đã mệt và cần phải sạc điện.
Đã đi được hàng ngàn cây số
HitchBot, bị báo chí Canada gọi là rô-bốt với "vẻ đẹp hàng phế thải", đã được tạo ra từ các linh kiện có giá chỉ khoảng 1.000 USD. Thành phần rô-bốt về cơ bản là các món đồ gia dụng có thể được tìm thấy trong mọi ngôi nhà hoặc cửa hàng tạp hóa ở Canada.
Nó có một khuôn mặt cười được thắp sáng nhờ đèn LED, bọc trong một cái hộp đựng bánh trong suốt, đội một cái nắp đậy thùng bia làm từ nhựa, mặc "áo" là các tấm pin quang điện và chân tay là xốp bể bơi.
Chân rô-bốt này đi ủng cao su và tay nó đeo găng cao su latex màu vàng. Một bàn tay rô-bốt giơ lên ngón cái, dấu hiệu cho thấy nó muốn xin đi nhờ xe.
Các nhà thiết kế đã chế tạo để hitchBot không quá nặng, bởi người ta sẽ phải dùng sức mình bê nó vào và ra khỏi nhiều chiếc xe, trong hành trình đi vòng quanh đất nước.
Rô-bốt này phải có kích thước vừa đủ để ngồi lọt băng ghế sau của một chiếc xe hơi. Nhưng nó cũng không thể quá nhỏ vì còn phải đứng vẫy xe dọc đường. Ngoài ra nó còn phải chống được cái lạnh cắt da thường xuất hiện trong những đêm Hè ở Canada.
"Nó phải trông thật mạnh mẽ, nhưng cũng dễ khiến người ta mủi lòng" - Zeller nói - "Chúng tôi muốn mọi người cảm thấy rằng họ phải dừng lại và giúp đỡ rô bốt này". Thực tế đó cũng chính là những gì đã và đang xảy ra.
HitchBot bắt đầu hành trình trong ngày 27/7 tại thành phố cảng Halifax của Canada, sau khi được một cặp vợ chồng cao tuổi cho đi nhờ. Họ đã trao rô-bốt lại cho 3 chàng trai trẻ tới từ tỉnh Quebec, sau một đêm ở cùng nó. Tiếp đó rô-bốt rong ruổi từ khu vực Đông Canada tới Toronto và ở lại cùng những người đã tạo ra nó trong một thời gian ngắn, trước khi lên đường tiếp. Lần này, rô bốt sẽ tới thành phố Victoria nằm ở cực Tây Canada, cách điểm xuất phát tới 6.000 km.
Khám phá bí ẩn quan hệ con người - máy móc
Hành trình của rô-bốt đã được ghi lại cẩn thận trên mạng xã hội và qua trang web với địa chỉ www.hitchBot.me. Việc này cho phép người dân trên khắp thế giới có thể giao tiếp với rô-bốt.
Chưa đầy 24 giờ kể từ khi bắt đầu hành trình, hitchBot đã thu hút 12.000 người ủng hộ trên Twitter. Một fan thậm chí còn tạo ra hitchBot "nhái" làm từ bìa cứng để thể hiện sự hâm mộ. Tới ngày 1/8, số người hâm mộ hitchBot đã tăng lên gần 20.000 người.
"Ai cũng mê rô-bốt này" - Zeller nói - "Đó là một hiện tượng thú vị. Mọi người đang trở nên gắn bó với hitchBot, bao gồm nhiều người có thể sẽ không bao giờ gặp, nhưng vẫn theo dõi hoạt động của nó qua mạng xã hội".
Một khi hành trình kết thúc, các nhà nghiên cứu sẽ phân tích các bình luận tải lên Twitter và Facebook để xem họ có thể tổng kết được điều gì về thái độ của công chúng với mối quan hệ giữa con người và máy móc.
"Với việc ngày càng nhiều rô bốt mang hình người được sử dụng trong lĩnh vực không gian, chế xuất, đời sống thường nhật, khám phá mối quan hệ của con người và rô-bốt sẽ trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi máy móc tiến vào sống trong cùng một ngôi nhà cùng với chúng ta" - Zeller nói.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất