13/08/2014 19:17 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều đội bóng thách thức Bayern nhưng cuối cùng, chỉ có Dortmund bám trụ lại trong cuộc đua với “Gã khổng lồ xứ Bavaria”.
Bremen, Stuttgart hay Wolfsburg chỉ có thể lật đổ Bayern được một lần còn Dortmund làm được tới hai lần, thậm chí đến nay vẫn khiến đối thủ e dè.
Kẻ không cầu may
Dortmund thành công hơn những kẻ nổi loạn khác nhờ có hệ thống được tổ chức tốt hơn hẳn. Stuttgart thiếu một giám đốc thể thao (GĐTT) có tầm còn Bremen không có một CEO thạo việc. Wolfsburg tuy tài chính dư dả nhưng ngay sau khi vô địch Bundesliga năm 2009 đã như rắn mất đầu do phải chia tay Felix Magath, huấn luyện viên (HLV) kiêm GĐTT. Ngược lại, Dortmund may mắn sở hữu và giữ được bộ ba tài năng gồm HLV Juergen Klopp, GĐTT Michael Zorc và CEO Hans Joachim Watzke.
Bộ ba này đã xây dựng và thực hiện rất tốt kế hoạch phát triển của Dortmund, đặc biệt là đội ngũ nhân sự. Từ sau thành công năm 2011, Dortmund liên tục bị các đại gia “hút máu” nhưng bộ ba Klopp, Zorc và Watzke đã hạn chế tối đa quá trình này.Mỗi mùa, Dortmund chỉ để mất một ngôi sao và cũng nhanh chóng bù đắp bằng một hoặc hai phương án thay thế xứng tầm. Thế nên gần đây, HLV Klopp đã tự tin tuyên bố rằng Dortmund là đội bóng hiếm hoi trên thế giới vẫn đứng vững dù liên tục mất các trụ cột.
Dortmund cũng đã xác định rõ tương lai sẽ còn mất các ngôi sao nên liên tục mang về các cầu thủ trẻ làm lớp kế cận. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho tương lai không Mats Hummels, Dortmund đã bỏ ra 10 triệu euro cho Matthias Ginter, nhà vô địch thế giới có lối chơi tương tự. Vị trí của Ilkay Guendogan hay Marco Reus cũng đã có phương án thay thế. Nói chung, Dortmund luôn chuẩn bị rất kỹ càng cho tương lai, tránh rơi vào thế bị động. Đây là bài học các kẻ bám đuổi khác cần noi theo nếu muốn thách thức Bayern.
Tiến ra biển lớn
Dortmund cũng nhận thức được rằng để cạnh tranh lâu dài với Bayern cần phải có một nền tảng tài chính vững mạnh. HLV Klopp không thể giữ chân các trụ cột với mức lương chỉ bằng một nửa đối thủ hay mang về các ngôi sao đẳng cấp thế giới với giá dưới 20 triệu euro. Để tăng doanh thu, Dortmund đã vươn ra biển lớn thay vì chỉ quanh quẩn ở Bundesliga như Bremen hay Stuttgart trước đây. Trong 2 mùa giải vừa qua, Dortmund gần như chấp nhận hy sinh mặt trận Bundesliga để tập trung cho Champions League, nơi quảng bá hình ảnh rộng rãi hơn.
Nhờ những chiến thắng tưng bừng tại đấu trường châu lục, tên tuổi của Dortmund đã được biết đến rộng rãi hơn, không còn là “một đội bóng địa phương” như Uli Hoeness, cựu chủ tịch Bayern, từng mỉa mai. Sau khi gây dựng được thương hiệu tại châu Âu (đặc biệt là tại Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ), Dortmund cũng đã lên kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Singapore vào tháng Chín tới đây để tấn công thị trường châu Á. Sẽ không ngạc nhiên nếu trong tương lai gần, thầy trò ông Klopp sẽ có những chuyến du đấu tại châu Á.
Nhờ mở rộng thị trường, doanh thu của Dortmund đã tăng chóng mặt. Mùa 2009-10, Dortmund kiếm được 105 triệu euro và đến mùa 2012-13, doanh thu đã tăng gần 3 lần, lên 305 triệu euro. Lãnh đạo Dortmund cũng cho biết về cơ bản, đã trả gần hết nợ và tháng 8 này, sẽ thanh toán xong mọi khoản vay. Nhờ vậy, trong 2 mùa giải vừa qua, Dortmund có thể đổ tới 100 triệu euro vào thị trường chuyển nhượng và tăng lương đáng kể cho các trụ cột. Khi nền tảng tài chính vững mạnh hơn, Dortmund đủ sức giữ chân các siêu sao, thậm chí trở thành đội đi mua.
Nói chung, tuy bị Bayern bỏ xa trong 2 mùa giải vừa qua nhưng Dortmund cho thấy có đủ tiềm năng để cạnh tranh với “Gã khổng lồ xứ Bavaria”. Thậm chí, mô hình phát triển của Dortmund xứng đáng là hình mẫu để các đội bóng khác noi theo nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng với Bayern.
Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất