Rodin bất tử với 'Nụ hôn'

23/03/2017 13:27 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Bảo tàng Grand Palais tại Paris (Pháp) đang tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm 100 năm điêu khắc gia Auguste Rodin (1840-1917) qua đời.  Đó là dịp để khán giả cùng nhớ về những tác phẩm của ông, với sức lan tỏa vượt khỏi phạm vi nghệ thuật.

Nhà điêu khắc người Pháp này không phải là một nghệ sĩ cấp tiến điển hình. Nhưng, những cách tân của ông trong nghệ thuật điêu khắc đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ cùng thời, và trở thành nền móng cho nhiều thế hệ sau.

“Cha đẻ” nghệ thuật điêu khắc hiện đại

Những tác phẩm của Rodin được bàn luận nhiều ở khía cạnh đề cập đến những khủng hoảng và thách thức mà nhân loại phải đối diện trong thế giới hiện đại, giai đoạn cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.

Hội chợ Thế giới Paris năm 1900 đã tạo bước ngoặt trong sự nghiệp của Rodin. Nghệ sĩ đã bán được 150 tác phẩm tại gian hàng của mình. Chỉ riêng các tác phẩm điêu khắc, Rodin đã thu về được 200.000 franc. Sau đó, nhiều nghệ sĩ và nhà sưu tầm đã tới Paris để nghiên cứu và tìm mua các tác phẩm của Rodin.


Nhà điêu khắc Pháp Auguste Rodin

Vô số nghệ sĩ đã tới studio của Rodin vào thời điểm này. Trong đó có nhà thơ Rainer Maria Rilke, người từng là thư ký của Rodin. Năm 1903, Rilke đã viết một chuyên khảo, trong đó gọi Rodin là “cha đẻ” của nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Thực tế, nhiều nghệ sĩ sau này đã làm các bức tượng bán thân hoặc nghệ thuật sắp đặt với đầu, chân, tay được lấy cảm hứng từ phong cách sáng tạo của Rodin.

Có thể thấy điều ấy trong triển lãm tại Paris, khi tác phẩm điêu khắc The Walking Man (Người đi bộ) bằng đồng lớn của Rodin được bao quanh bằng hàng loạt tác phẩm của một số nghệ sĩ lấy cảm hứng sáng tác từ kiệt tác này.

Triển lãm còn trưng bày một tác phẩm của Camille Claudel, người tình lâu năm của Rodin. “Camille Claudel là một nghệ sĩ điêu khắc lớn, nhưng Rodin là một thiên tài” – Antoinette Le Normand Romain, sử gia nghệ thuật kiêm đồng giám tuyển triển lãm, nói. “Hai nghệ sĩ từng yêu nhau đầy đam mê và Claudel đã hỗ trợ Rodin sáng tạo nên một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, như Gates of Hell hoặc Citizens of Calais. Sau khi chia tay nhau, cả hai đều rất đau khổ và Rodin đã suy sụp tinh thần trong khoảng 2 năm.”

Cách thổi hồn vào các tác phẩm điêu khắc của Rodin cũng tạo ảnh hưởng tới Alberto Giacometti (1901-1966), nghệ sĩ điêu khắc Thụy Sĩ đã tung ra tác phẩm điêu khắc nổi tiếng Homme qui marche (1960) lấy cảm hứng sáng tạo từ Walking Man của Rodin.

Hoặc, tác phẩm điêu khắc nổi tiếng The Thinker (Người suy tư), mô tả nhà thơ, nhà thần học Italy Dante ở cổng Địa ngục, đang suy nghĩ về bài thơ của mình, được Rodin sáng tạo vào khoảng năm 1881-1883, cũng tạo ảnh hưởng lớn tới nghệ thuật thế kỷ 20. Tại triển lãm, được trưng bày cạnh kiệt tác điêu khắc này là bức tượng chịu ảnh hưởng, do nghệ sĩ Georg Baselitz sáng tác. Tuy nhiên, tác phẩm Người suy tư của Baselitz lại đi giày.

Những thái cực trái ngược

Sự độc đáo trong những tác phẩm điêu khắc của Rodin có thể được minh chứng rõ qua câu chuyện về hai bức tượng The Kiss và tượng nhà văn Balzac.

The Kiss (Nụ hôn - 1886) là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Rodin. Bức tượng này mô tả một cặp đôi quấn chặt nhau đến mức khiến người xem phải tò mò. Ngay khi Rodin hoàn thành tác phẩm vào cuối thế kỷ XIX, The Kiss lập tức nổi tiếng và được sao chép ra hơn 300 phiên bản khác nhau bằng đồng.


Tác phẩm điêu khắc "The Kiss" (Nụ hôn) của Rodin

Ban đầu Rodin đặt tên cho bức tượng này là Francesca da Rimini. Bức tượng mô tả Francesco, nhà quý tộc nữ Italy thế kỷ 13 đã được bất tử hóa trong Thần khúc của Dante. Nhân vật nam có tên Paolo, là người yêu và cũng là... em trai của chồng bà.

Trong Thần khúc, Dante gặp Paolo và Francesca - cặp đôi này tượng trưng cho niềm đam mê bất chính ở tầng thứ hai của Địa ngục. Và, tác phẩm The Kiss, với sự đam mê đầy nhục dục, cũng như chân dung khỏa thân của hai nhân vật đã phá vỡ mọi điều cấm kỵ trong thời điểm đó.

Còn với bức tượng Honore de Balzac (1799-1850), Rodin là nhà điêu khắc thứ hai nhận được sự ủy quyền của Societe des Gens de Lettres (Hiệp hội các nhà văn Pháp được sáng lập hồi năm 1838) để tạo dựng tượng đài tưởng niệm nhà văn hiện thực vĩ đại này.

Khi thực hiện công trình này, Rodin chú trọng tới mô tả cá tính của nhà văn hơn là hình thể. Tuy nhiên, tác phẩm bằng thạch cao của của ông đã bị nhiều chỉ trích sau khi hoàn thành vào năm 1898, Hiệp hội Nhà văn đã từ chối trưng bày tượng của ông và Rodin đã đưa tác phẩm về đặt trong nhà mình.

 Mãi đến năm 1939, 22 năm sau khi Rodin qua đời, các nghệ sĩ Aristide Maillos và Charles Despiau mới làm phiên bản bằng đồng đầu tiên từ tác phẩm thạch cao của Rodin và được đặt trên đường Boulevard du Montparnasse ở Paris.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm