02/04/2017 22:09 GMT+7 | Tennis
(giaidauscholar.com) - Miami Open 2004 đã chứng kiến cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Nadal và Federer, mở ra một kỷ nguyên mới trong làng quần vợt. 13 năm sau, trong những nỗ lực hồi sinh tuyệt vời, họ lại gặp nhau ở chung kết của giải đấu này. Một trận chung kết trong mơ thực sự.
Miami Open – Nơi “tình yêu” bắt đầu
Năm 2005, Federer đã đòi lại được chiến thắng về tay mình trong cuộc gặp gỡ thứ hai tại chung kết Miami. Đó cũng là chức vô địch đầu tiên của tay vợt người Thụy Sỹ tại giải Masters diễn ra trên đất Mỹ này. Mặc dù Nadal vẫn không có được danh hiệu, nhưng anh đã khiến đối thủ của mình phải thừa nhận, việc đối mặt với Nadal chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của anh.
Đúng là như vậy, bởi 5 lần chạm mặt sau đó, Federer đều gục ngã. Đến độ, khi phát biểu sau trận thua tại chung kết Australian Open 2009 trước Nadal, Federer đã khóc nấc lên và nói: “Chúa ơi, con chết mất”.
Hiện tại, thành tích đối đầu của 2 tay vợt đang là 23-13 nghiêng về phía Nadal. Riêng tại các đấu trường ATP Masters, Nadal cũng có được 12 lần chiến thắng sau 17 lần đụng độ.
Rạng sáng mai, 13 năm kể từ lần gặp gỡ đầu tiên ấy, Federer và Nadal một lần nữa lại có cơ hội so tài tại Miami, tại trận đấu tranh chức vô địch. Ở vòng bán kết, Federer vượt qua Nick Kyrgios sau 3 loạt đấu tie-break, còn Nadal lại tương đối dễ thở trước Fabio Fognini. Như vậy, nếu xét về mặt thể lực, tay vợt người Tây Ban Nha có được một chút lợi thế.
Nhưng, kể từ đầu năm cho tới nay, Federer đã khiến cho người hâm mộ phải kinh ngạc hết lần này đến lần khác. Trở lại sau nửa năm vắng bóng vì chấn thương đầu gối, Federer, 36 tuổi, giành 1 Grand Slam và 1 Masters, chỉ để thua đúng 1 trận trên tổng số 19 trận tham dự, trong đó, 2 lần giành chiến thắng trước chính Nadal.
Còn nữa, thống kê đã cho thấy, Nadal dường như không có duyên tại Miami, khi mà anh phải nhận thất bại trong cả 4 lần lọt chung kết.
Chiến thắng cho… cả hai
Chia sẻ về cảm nghĩ của mình về những thất bại từng nếm trải tại Key Biscayne, Nadal nói: “Tôi không cho rằng quá khứ sẽ ảnh hưởng tới việc tôi thắng hai bại. Chung kết Monte Carlo, chung kết Indian Wells hay chung kết Miami, chúng tạo cho tôi những áp lực như nhau”.
Rõ ràng, về mặt tâm lý, Nadal chẳng bao giờ biết sợ. Bất kể đối thủ ở bên kia lưới là ai, thì tay vợt người Tây Ban Nha vẫn sẽ đáp trả bằng tinh thần của một chiến binh không bao giờ lùi bước. Đó chính là lợi thế lớn nhất của anh, và duy nhất trước Federer vào thời điểm này.
Vì sao lại là duy nhất? Vì lúc này, những chỉ số của Federer đều vượt trội hơn hẳn so với Nadal. Hơn nữa, nếu như trước đây, Nadal tìm ra được phương thức để hóa giải cú trái tay của Federer bằng cách liên tục nhồi trái, thì hiện tại, phương thức ấy đã không còn hiệu quả, vì Federer đã biến những cú trái của mình trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Do vậy, Nadal sẽ cần phải rút ra kinh nghiệm từ 2 trận thua gần đây nhất của mình, thay đổi một chút, kèm theo đó là tất cả sự quyết tâm và lợi thế của mình, mới có thể mong giành được chiến thắng.
Rất nhiều điều đã xảy ra kể từ lần gặp gỡ đầu tiên đó. Trong lúc những Novak Djokovic hay Andy Murray lần lượt gây thất vọng kể từ đầu năm khi liên tiếp bị loại khỏi Australian Open hay Indian Wells, hãy hướng tất cả sự chú ý đến với những huyền thoại, những người đã có công mở ra một kỷ nguyên mới cho làng quần vợt, kỷ nguyên Fedal. Trận đấu giữa hai tượng đài vĩ đại luôn luôn là đặc sản hấp dẫn nhất đối với bất cứ người hâm mộ nào. Sẽ chẳng còn những tiếng chế giễu dè bỉu trên khán đài nữa, mà sẽ chỉ còn là những tiếng hò reo, tiếng vỗ tay tán thưởng, dành cho cả hai con người ưu tú nhất.
Trần Tú
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất