02/11/2015 06:04 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân vụ rơi chiếc máy bay Airbus A321 của Nga ở bán đảo Sinai, Ai Cập, khiến 224 người thiệt mạng, sẽ phải xem xét toàn bộ các kịch bản, từ khả năng khủng bố, trúng tên lửa tới lỗi kỹ thuật và con người.
Ngay sau khi thảm kịch xảy ra, Nhà nước Sinai, một nhóm khủng bố có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tuyên bố đã bắn hạ chiếc máy bay của hãng Metrojet (Kogalymavia), khi nó đang trên đường từ một resort nghỉ dưỡng của Ai Cập tới St. Petersburg, Nga.
Tuy nhiên tuyên bố đã lập tức gây nghi ngờ, đặc biệt khi chiếc máy bay gặp nạn đang ở độ cao hành trình, tức gần 10km so với mặt đất. Vài chuyên gia hàng không khẳng định IS không thể làm được điều này.
"IS không có vũ khí để bắn hạ một chiếc máy bay đang di chuyển ở độ cao hơn 9.000 mét" - Gerard Feldzer, cựu giám đốc Bảo tàng hàng không, không gian Pháp, tuyên bố. Ông nói rằng IS sẽ phải cần tới nhiều thiết bị, như hệ thống rađa theo dõi, bắt bám và các quả tên lửa tầm xa, những thứ chúng không hề sở hữu.
Đây cũng là quan điểm của Jean-Paul Troadec, cựu giám đốc cơ quan điều tra hàng không của tập đoàn BEA. Ông cho biết việc điều hành hệ thống tên lửa phòng không tầm cao cần tới các thiết bị và nhân lực đã qua đào tạo mà IS không có.
Ngay cả khi tấn công một chiếc máy bay di chuyển ở độ cao thấp, người ta cũng cần rất nhiều sự chuẩn bị và không phải muốn là có thể thành công trong việc bắn hạ mục tiêu.
Bản thân giới chức Nga cũng bác bỏ khả năng bị IS tấn công. "Các đồng nghiệp của chúng tôi ở Ai Cập... không có thông tin nào để xác nhận một hoạt động như vậy" - Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov tuyên bố.
Cho tới nay, các chiến binh ở bán đảo Sinai của Ai Cập cũng chưa từng bắn hạ bất kỳ máy bay chở khách hoặc máy bay chiến đấu nào. Có tin nói các tay súng này đã kiếm được tên lửa phòng không vác vai do Nga sản xuất.
Nhưng những loại tên lửa đó chỉ hiệu quả trong việc chống lại các máy bay hoạt động ở độ cao thấp hoặc trực thăng, chứ không phải máy bay di chuyển ở độ cao lớn như chiếc A321 mới gặp nạn.
Mặc dù vậy, hai hãng hàng không lớn của châu Âu là Air France (Pháp) và Lufthansa (Đức) vẫn tuyên bố họ sẽ đảo hướng, tạm không đi qua bán đảo Sinai, vì lý do an toàn.
Khả năng khủng bố
Theo các chuyên gia hàng không, không thể loại bỏ khả năng khủng bố. Họ đặt ra khả năng một quả bom đã được đặt trên máy bay, điều có thể xảy ra trong bối cảnh hoạt động kiểm tra hành lý không được làm tốt tại các sân bay của Ai Cập.
"Trong trường hợp xảy ra đánh bom trên máy bay, ở độ cao gần 10km, cho dù quả bom to hay nhỏ, máy bay cũng sẽ tan thành nhiều mảnh vì áp suất" - một chuyên gia quân sự giấu tên nói với hãng tin AFP - "Nhưng nếu máy bay hạ thấp độ cao, do ai đó ép phi công làm điều này, quả bom chỉ có thể gây ra tác động nhỏ hơn, như làm nổ động cơ".
Lỗi kỹ thuật
Một hướng kịch bản nữa là lỗi kỹ thuật. Đây là điều mà ông Adel Al-Mahjoob, Giám đốc công ty thiết bị và dịch vụ sân bay Ai Cập nêu ra với hãng tin CNN vào thứ Bảy tuần trước. Tuy nhiên ông nói rằng máy bay đã vượt qua hoạt động kiểm tra thường lệ trước khi cất cánh.
Một số hãng tin Nga cho biết phi công đã báo cáo lỗi kỹ thuật và đề nghị được hạ cánh xuống sân bay gần nhất trước khi biến mất khỏi rađa theo dõi. Nhưng hãng tin CNN cho biết giới chức Ai Cập đã bác bỏ các thông tin này.
Theo Bộ trưởng Bộ Hàng không dân dụng Ai Cập Hossam Kamel, hoạt động kiểm soát không lưu không phát hiện bất kỳ cuộc gọi báo nguy nào cả. "Chẳng có gì bất thường trước khi máy bay rơi. Nó chỉ đột ngột biến mất" - ông nói tại một cuộc họp báo.
Tuy nhiên một quan chức giấu tên từ cơ quan kiểm soát không lưu Ai Cập lại cho biết rằng viên cơ trưởng của chiếc máy bay gặp nạn có phàn nàn về việc thiết bị liên lạc bị hư hỏng. Các chuyên gia dựa vào đây để đánh giá cơ trưởng đã phát hiện máy bay gặp sự cố nào đó.
Họ cũng chỉ ra việc nhiều thi thể hành khách được phát hiện trong cảnh được dây an toàn cột chặt vào ghế ngồi. Điều này cho thấy sự cố đã xảy ra và có khả năng tổ lái yêu cầu họ cài dây để đảm bảo an toàn.
Về phần mình, hãng Metrojet tuyên bố chiếc máy bay đã qua kiểm tra an toàn vào năm ngoái. Cơ quan hàng không Nga Rosaviatsia cũng nói rằng "không có lý do gì để coi nguyên nhân gây ra thảm họa là do lỗi kỹ thuật hay lỗi của tổ lái".
Nga thường có danh tiếng tồi về an toàn hàng không, do sử dụng nhiều chiếc máy bay cổ lỗ. Nhưng vài năm trở lại đây, thành tích đã cải thiện rất nhiều, xuất phát từ việc các hãng hàng không lớn như Aeroflot đều đã nâng cấp đội máy bay.
Dù vậy, các công ty nhỏ hơn, hoạt động trên những tuyến bay ngắn, vẫn điều hành đội máy bay cũ kỹ.
Lỗi con người
Theo Metrojet, cơ trưởng Valery Nemov có hơn 12.000 giờ kinh nghiệm bay, gồm 3.860 giờ trên chiếc Airbus A321. Trong khi đó, thông tin về kinh nghiệm của cơ phó không được nêu rõ.
Nhưng một số tờ báo Mỹ dẫn lời vợ ông này nói rằng chồng bà đã gọi điện phàn nàn về điều kiện kỹ thuật của chiếc máy bay, trước khi thực hiện chuyến bay định mệnh.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất