Hướng tới Roland Garros 2015: Thế giới 2 cực

24/05/2015 08:56 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Người hâm mộ quần vợt có 4 giải Grand Slam mỗi năm để chờ đợi và thưởng thức. Nhưng dường như Roland Garros vẫn là mảnh đất mà không chỉ người hâm mộ, mà chính các tay vợt tham gia đều háo hức hơn cả. Nếu như ở giải nam, cả thập kỷ qua Paris như ở "dưới chân" Rafael Nadal , thì tại giải nữ 7 năm qua có tới những 6 nhà vô địch khác nhau.

Djokovic sẽ lật đổ lịch sử?

Nếu như mọi năm Nadal đều bước tới Roland Garros với tâm thế của một ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch thì ở giải đấu năm nay, lần đầu tiên sau 10 năm, anh thậm chí còn không nằm trong top 4 hạt giống. Thất bại gần nhất của tay vợt Tây Ban Nha là trước nhà cựu vô địch Australian Open 2014 Stanislas Wawrinka chỉ sau 2 set tại tứ kết Rome Masters. Còn trước đó là cả loạt trận thua đáng thất vọng khác trên mặt sân sở trường của anh. Tệ hơn, chưa năm nào trong 1 thập kỷ qua Nadal bước vào Roland Garros mà không vô địch một trong số các giải Monte Carlo, Madrid Masters, Rome Masters. Tỷ lệ chiến thắng của tay vợt người Tây Ban Nha chỉ còn 73% với 17 trận thắng nhưng tới 5 thất bại. Mùa giải trước, dù nửa cuối năm Nadal bắt đầu bị chấn thương hành hạ trở lại khiến anh cũng liên tục thua nhưng tỷ lệ chiến thắng vẫn là 89%. Người hâm mộ lo lắng, giới chuyên môn đánh giá thời đỉnh cao của Nadal đã qua hẳn, còn nhà cái thì mất niềm tin vào anh (tỷ lệ cược Nadal vô địch chỉ còn là 9/4). Ngoại trừ lịch sử và sự tự tin, ngoài ra chẳng có cơ sở nào ủng hộ vào khả năng bảo vệ thành công danh hiệu của Nadal cả.

Trong khi đó, trái ngược lại, Novak Djokovic thì ngày càng xuất sắc dường như không có gì cản nổi. 22 trận đã qua và tay vợt người Serbia chưa nếm mùi chiến bại. Ngoại trừ chức vô địch Australian Open thứ 5 hồi đầu năm, Nole còn vô địch một lèo các giải ATP 1000 khác là Indian Wells, Miami, Monte Carlo và mới đây nhất là Rome Masters. Kể từ khi ATP Tour bắt đầu (năm 1990), chưa có tay vợt nào từng chiến thắng ở 6 giải đấu liên tiếp tham gia (bao gồm cả Grand Slam, ATP Finals, Masters 1000) như Djokovic. 


Novak Djokovic ngày càng xuất sắc dường như không có gì cản nổi

Bởi ngoài Indian Wells, Miami, Monte Carlo đi liền nhau thì từ Australian Open 2015 đổ về trước, tay vợt người Serbia cũng đăng quang liên tiếp tại Paris-Bercy Masters và ATP World Tour Finals. Nole thèm khát Roland Garros, đó là điều không phải bàn cãi. Anh đang là tay vợt nam số 1 thế giới duy nhất tham gia giải mà chưa vô địch được tại đây. Nadal đã có tới 9 lần đăng quang còn Roger Federer cũng đã kịp hoàn thành bộ sưu tập Grand Slam bằng danh hiệu tại đây hồi năm 2009. Khi Nadal đang trở nên ‘yếu ớt’ nhất như bây giờ tại những vùng ‘thánh địa’ của mình, cơ hội dành cho Nole chưa bao giờ rõ ràng hơn thế này – kể cả năm 2011 – mùa giải vẫn được cho là xuất sắc nhất trong sự nghiệp của anh.

Federer và Andy Murray, đương nhiên vẫn là những cái tên đáng chú ý. Cả 2 – so với phong độ của chính bản thân họ trên sân đất nện – đều đang cho thấy những tiến bộ rõ rệt. Federer vừa vào chung kết Rome Masters (và chỉ để thua Nole), còn Murray thì thậm chí đã đánh bại Nadal tại chung kết Madrid Masters. Tuy nhiên, họ có quật ngã được thành quách quá khứ của Nadal hay đế chế hiện tại của Djokovic hay không lại là chuyện khác.

Tiếp tục những bất ngờ

6 nhà vô địch khác nhau trong vòng 7 năm (với Maria Sharapova 2 lần lên ngôi vào các năm 2012 và 2014), trái với phía các tay vợt nam, Roland Garros luôn là miền đất bí ẩn và nhiều hy vọng đối với các tay vợt nữ.  Serena Williams, tay vợt số 1 thế giới, nhà cựu vô địch 2013 đã đến với Roland Garros mùa trước với tâm thế hoàn toàn tự tin là ‘độc cô cầu bại’ lại không phải người giành chiến thắng cuối cùng. Mà đó là ‘búp bê Nga’ Sharapova. Serena thậm chí còn hứng chịu thất bại bất ngờ ngay tại vòng 3 sau 2 set chóng vánh với tay vợt người Tây Ban Nha Garbine Muguruza. Trận đấu đó được cho là màn trình diễn tệ hại nhất tại Grand Slam của cô em nhà Williams.

Hiện giờ, mọi chuyện không có nhiều khác biệt. Dù không phải nhà đương kim vô địch nhưng Serena đương nhiên vẫn là ứng viên số 1. Người ta thậm chí còn đùa nhau rằng, ở giải đấu nào mà có sự đảm bảo rằng tay vợt người Mỹ không dính chấn thương hay đau ở đâu, thì cứ nghiễm nhiên mà trao cúp cho cô! Thế nên mới có chuyện cách đây vài ngày Serena xin rút lui khỏi Rome Masters ngay trước thềm vòng 3 vì cô muốn tránh chấn thương có thể ảnh hưởng tới việc tập luyện cũng như thành tích thi đấu tại Roland Garros.


Roland Garros chứa đựng rất nhiều bất ngờ khó đoán

Còn nhà đương kim vô địch Maria Sharapova thì lại càng tự tin. Cô vừa vô địch tại Rome Masters, danh hiệu WTA thứ 35 trong sự nghiệp. Phong độ trên sân đất nện của Masha ngày càng tốt và ổn định hơn. Xét về thành tích tại Roland Garros thì cô chả kém gì Serena (với 2 chức vô địch). Nhưng trong khi 2 danh hiệu của Serena cách nhau tới 11 năm thì Sharapova vô địch tương đối gần ở các năm 2012 và 2014. Như vậy, xét về tình hình chung, đất nện là sở trường của Masha hơn là Serena.

Một tay vợt cũng đáng chú ý khác là Petra Kvitova, đương kim vô địch Madrid Masters, người đã đánh bại Svetlana Kuznetsova trong trận chung kết mà chỉ để thua đúng 3 jeux đấu. Kvitova cũng từng là nhà vô địch Grand Slam (Wimbledon 2011 và 2014) thế nên cô vẫn luôn được đánh giá cao tại các giải đấu lớn. Tuy vậy thành tích tốt nhất của Kvitova tại Roland Garros chỉ là bán kết (năm 2012) nên so với Sharapova hay Serena, cơ hội của cô là khá ít.

Nhưng nói đi vẫn cần phải nhấn mạnh lại là đơn nữ Roland Garros chứa đựng rất nhiều bất ngờ khó đoán. Biết đâu, năm nay điều ấy vẫn tiếp tục tiếp diễn?

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm