(TT&VH) - Đạo diễn Roman Polanski đã trở lại là người tự do vào hôm 12/7 – không còn bị quản chế trong villa ở Alpine (Thụy Sĩ) - sau khi các nhà chức trách Thụy Sĩ hủy bỏ lệnh dẫn độ ông về Mỹ vì tội quan hệ tình dục với một bé gái tuổi vị thành niên Samantha Geimer hồi năm 1997.Không có bằng chứngQuyết định đó đã khiến đạo diễn từng giành giải Oscar này được trở về Pháp và sống cuộc đời của một nhân vật danh tiếng, tuy nhiên không được phép tới Mỹ. Nhiều giờ sau khi quyết định đó được thông báo, người trợ lý của Polanski cho biết đạo diễn đã rời biệt thự nhỏ trị giá nhiều triệu USD cùng với gia đình. “Mr. Polanski giờ có thể đi lại tự do. Ông ấy là một người tự do”, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ tuyên bố. Thụy Sĩ, nơi đã bắt giam đạo diễn 76 tuổi này hồi tháng 9 năm ngoái khi ông tới LHP Zurich để nhận giải Thành tựu trọn đời, đã chỉ trích các nhà chức trách Mỹ và cho rằng họ đã “sai lầm khi yêu cầu dẫn độ Polanski về Mỹ. Các nhà chức trách Mỹ đã không đưa ra được bằng chứng quan trọng có liên quan đến vụ cưỡng dâm hồi năm 1977”, Widmer- Schlumpf nói. Widmer-Schlumpf cho biết thêm, phía Mỹ đã từ chối văn phòng của bà quyền được đọc những tài liệu quan trọng có liên quan đến vụ án sau khi một phiên tòa phán quyết chúng phải được giữ kín. Và kết quả là các nhà chức trách Thụy Sĩ không chắc chắn được Polanski đã hoàn thành án tù hay chưa trước khi ông trốn khỏi Mỹ cách đây 3 thập kỷ. Bà nhắc tới 42 ngày Polanski bị giam cầm trong một bệnh viện tâm thần của một nhà tù ở bang California hồi tháng 9/1977 trước khi ông nhận tội quan hệ tình dục với Samantha Geimer, một người mẫu đầy khát khao mà ông chụp một bức ảnh trong bồn tắm tại nhà riêng của Jack Nicholson ở Hollywood.Polanski đã bị cáo buộc phạm 6 trọng tội, trong đó có việc cưỡng dâm do sử dụng thuốc và lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng nhà làm phim chỉ nhận tội quan hệ tình dục bất hợp pháp. Trước khi bị tống giam, ông đã trốn tới châu Âu. Bà Widmer-Schlumpf khẳng định rõ quyết định hủy bộ lệnh dẫn độ “không phải là việc phán quyết xem Polanski có phạm tội hay không. Đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi”. Polanski tại ngôi nhà bị quản thúc ở Thụy Sĩ nhưng giờ ông đã rời đó và về Pháp
Mỹ: “Lệnh truy nã vẫn còn”Cuộc truy bắt đầy kịch tính của tác giả phim The Pianist đã gây nên sự phản đối mạnh mẽ trong nền công nghiệp điện ảnh toàn cầu và giới chính trị ở Pháp, nơi từ lâu ông đã trở thành một cư dân. Polanski đã bị bắt giam cho đến khi ông đồng ý nộp tiền bảo lãnh 2,7 triệu bảng hồi tháng 12 năm ngoái và được đưa về villa ở Gstaad nhưng vẫn chịu quản thúc. Được tự do, nhưng nhà làm phim có thể sẽ không được tới nước Anh nữa vì theo quy định trong hiệp ước dẫn độ nghiêm ngặt giữa Anh và Mỹ, ông có thể bị bắt giam và đưa về Mỹ để đối diện với pháp luật ngay khi ông đặt chân tới xứ sở sương mù. Trước khi có quyết định này, yêu cầu dẫn độ nhà làm phim về Mỹ quả là vấn đề vô cùng phức tạp và nhạy cảm về ngoại giao do danh tiếng của Polanski ở Pháp và Ba Lan. Mỹ không thể kháng cáo quyết định của Thụy Sĩ, song Polanski vẫn là một kẻ lánh nạn ở Mỹ. “Lệnh truy nã vẫn còn”, người phát ngôn của Tòa án Tối cao Los Angeles Allan Parachini khẳng định và nói thêm rằng Polanski sẽ bị bắt giam và gửi về Mỹ nếu như ông tới một nước khác có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Ở Washington, ông P.J. Crowley - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Văn phòng của Tổng thống Barack Obama vô cùng thất vọng với quyết định của Thụy Sĩ. “Chính phủ Mỹ tin rằng việc một người lớn cưỡng dâm bé gái 13 tuổi là một tội ác và chúng tôi tiếp tục theo đuổi công lý trong vụ này”, Crowley nói.QUÁ TRÌNH TRUY NÃ ROMAN POLANSKI
1977 - Polanski bị buộc tội dùng thuốc và cưỡng bức bé gái Samantha Geimer 13 tuổi tại nhà của nam tài tử Jack Nicholson ở Los Angeles. Ông đã nhận tội “quan hệ tình dục bất hợp pháp với bé gái tuổi vị thành niên”.
1978 - Polanski biết được lời tự biện hộ của mình không được thẩm phán Laurence Rittenband chấp nhận và đã trốn tới Pháp. Mỹ đã phát lệnh truy nã nhưng Pháp không dẫn độ công dân của mình.
2002 – Polanski đoạt giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất với phim The Pianist nhưng ông không tham dự lễ trao giải.
2003 – Nạn nhân Samantha Geimer nói rằng sự trừng phạt Polanski đã đủ và cô không muốn ông lại bị ra tòa xét xử.
2005 – Các nhà chức trách liên bang Mỹ phát lệnh truy nã quốc tế đối với Polanski.
2008 – Luật sư của Polanski ở Los Angeles yêu cầu nên bác bỏ việc kết tội cưỡng dâm vì cho đây là sự sai lầm trong xét xử.
2009 – Một thẩm phán ở Los Angeles bác bỏ yêu cầu đó vì Polanski là một người lánh nạn, nhưng nói rằng yêu cầu đó có thể được lắng nghe và xét xử nếu nhà làm phim xuất hiện.
Tháng 9/2009 - Polanski bị bắt ở Zurich, Thụy Sĩ, theo lệnh truy nã của Mỹ.
Tháng 10/2009 – Mỹ chính thức yêu cầu dẫn độ Polanski.
Tháng 12/2009 - Polanski nộp tiền bảo lãnh và chịu quản thúc tại villa riêng ở Gstaad.
Tháng 7/2010 - Polanski được tự do sau khi Thụy Sĩ hủy bỏ yêu cầu dẫn độ.
Việt Lâm