09/09/2019 21:15 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý. Đó là những hoạt động chào mừng Ngày sân khấu Việt Nam diễn ra nhộn nhịp tại TP.HCM và Lễ hội thành Tuyên tại TP Tuyên Quang…
1. Năm nay, Ngày sân khấu Việt Nam sẽ nhằm ngày 14/9 (tức 12/8 âm lịch), nhưng từ 7/9 tại TP.HCM đã khá rộn ràng, chủ yếu là giỗ tổ. Không sân khấu nào, không bộ môn nào tại TP.HCM mà thiếu giỗ tổ, nhiều nghệ sĩ còn làm giỗ tại tư gia.
Giỗ tổ không chỉ dành cho lễ nghi, mà còn giải trí và giao lưu. Với nhiều sân khấu, đây là dịp hiếm hoi để các nghệ sĩ, báo giới, khán giả, giới làm nghề… giao lưu với nhau. Nhiều khán giả xem đây là dịp để gặp nghệ sĩ yêu thích của mình, nên thường đến rất sớm, ở rất lâu để đợi. Họ cũng lên bàn thờ thắp nhang, khấn vái tổ nghề, thái độ rất thành tâm.
Nhiều sân khấu như Kịch Nụ cười mới trước đây, nhà tổ chỗ danh hài Hoài Linh bây giờ… giỗ tổ có thể nói là một sự kiện của khán giả, họ đón đợi từ nhiều tuần trước, tham dự rất đông, có năm lên đến vài ngàn người, nhiều người ở cách xa vài trăm km.
Từ lúc 19h30 ngày 7/9 tại Nhà hát Bến Thành đã diễn ra chương trình văn nghệ tạp kỹ, quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ trong giới cải lương và khán giả. Họ diễn vở cải lương Nhật thực và các ca cảnh, bài tổ, điệu ca cổ... Lúc 20h ngày 8/9 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP.HCM cùng tổ chức vinh danh tổ nghề với nhiều tiết mục nghệ thuật, nhiều khán giả tham dự. Ngày 9/9, lúc 19h tại Nhà hát Hòa Bình, chương trình nghệ thuật Tằm vương tơ sẽ diễn ra, với nhiều nghệ sĩ cải lương có tiếng tăm tham dự.
Tối 10/9 tại Riverside Palace (quận 4), nghệ sĩ Vũ Luân và Gia Bảo làm chương trình văn nghệ tạp kỹ và giỗ tổ, dự kiến có đông đảo nghệ sĩ cải lương thời dành, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, điện ảnh, kịch nói… tham dự. Chương trình hứa hẹn nhiều tiết mục tươi trẻ, vui vẻ.
Gia Bảo cho biết: “Phần lễ sẽ rất trang nghiêm, nhưng ngắn gọn, phần còn lại sẽ là hội, nơi các lĩnh vực giao lưu, trình diễn với nhau. Những khán giả có quan tâm sẽ dễ hào hứng và thấy gần gũi với phần này nhiều hơn. Chúng tôi cũng muốn tổ nghề chứng giám rằng dù nghề nghiệp đang lúc khó khăn, nhưng lòng yêu nghề, vui sống với nghề… thì vẫn vậy”.
Trong các ngày 9, 10, 11, 12/9 (tức từ 11 đến 14/8 Âm lịch), hầu hết các sân khấu tại TP.HCM sẽ làm lễ giỗ tổ. Mọi năm, các sân khấu như Kịch Hồng Vân, Kịch IDECAF, Kịch Hoàng Thái Thanh, Kịch Thế giới trẻ, Kịch Sài Gòn… thường có rất nhiều nghệ sĩ và khán giả tham dự. Nhiều đạo diễn, diễn viên có liên hệ làm việc với nhiều bộ môn, nhiều sân khấu thì phải thu xếp lịch để đi dự mới mong đầy đủ.
2. Gắn liền với dịp Tết Trung thu truyền thống, Lễ hội thành Tuyên là một sự kiện văn hóa rất độc đáo. Từ đầu thập niên 2000, nhiều gia đình tại Tuyên Quang đã tổ chức trang trí, cắt dán các mô hình lồng đèn phỏng theo các con thú rồi kéo đi dọc các tuyến phố có kèm múa lân, ca hát. Dần dần, theo thời gian, các hoạt động này ngày càng đẹp và sinh động hơn, đồng thời lượng khách du lịch cũng bắt đầu quen với việc đổ về thành phố Tuyên Quang vào dịp Trung thu hàng năm để xem đèn.
Kể từ năm 2014, sau cả chục năm hoạt động tự phát, lễ hội này đã được chính quyền đứng ra tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, với tên gọi Lễ hội thành Tuyên. Điểm nhấn chính của lễ hội vẫn là những lồng đèn khổng lồ được người dân tự làm và rước, kèm theo đó là các hoạt động văn hóa được tổ chức. Trong những dịp lễ hội ấy, từ một tuần trước Tết Trung thu, tràn ngập thành phố Tuyên Quang là những chiếc đèn khổng lồ, tạo nên một lễ hội với những nét đặc sắc không gặp ở bất cứ đâu trên toàn quốc.
Lễ hội thành Tuyên năm nay được kết hợp với Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 diễn ra từ 12 - 14/9 (tức 14 - 16/8 Âm lịch) tại TP Tuyên Quang. Trọng tâm của lễ hội là 3 đêm hội diễn ra tại trung tâm thành phố: lễ Khai mạc (đêm thứ nhất) với chủ đề "Tuyên Quang - Tinh hoa hội tụ"; đêm hội Thành Tuyên (đêm thứ hai) với chủ đề "Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên"; chương trình nghệ thuật (đêm thứ ba) với chủ đề: "Tuyên Quang - Hội nhập và Phát triển".
Ngoài ra, trong 3 đêm hội này, nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng sẽ được tổ chức biểu diễn để phục vụ khán giả, bao gồm múa bồng (Lễ hội Làng Triều Khúc - Hà Nội), múa trống Chhay-dăm (Tây Ninh), đờn ca tài tử (Bạc Liêu), chầu văn (Nam Định), hát Trống quân (Hưng Yên), dân ca Quan họ (Bắc Giang), xòe Thái (Sơn La), hát Xoan (Phú Thọ)… Một số hoạt động phụ trợ cũng sẽ được tổ chức như lễ khởi công xây dựng, cải tạo một số công trình tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc sắc của các địa phương trong tỉnh, lễ hội bia…
Như Hà - Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất