27/03/2014 08:37 GMT+7 | Di sản
(giaidauscholar.com) - Đình Quang Húc (hay còn gọi là đình Bôm) là một trong những ngôi đình có kiến trúc độc đáo bậc nhất xứ Đoài. Song những người nặng lòng với di sản đã không còn nhận ra ngôi đình có từ thế kỷ 17 sau... 3 năm trùng tu. 3 năm này với người dân thôn Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội) là những ngày dài bất bình, thở than trong tuyệt vọng.
Cầm xấp đơn kêu cứu của người dân thôn Quang Húc, chúng tôi như chết lặng khi nhìn ngôi đình cổ nức tiếng sử xưa nay chỉ còn là một công trình với những cột kèo vá víu, mộng bị hở, phải trét keo, mái đình đa phần ngói mới, những con xô, con kìm cũng vừa được đắp bằng xi măng...
Chưa trùng tu xong… đã dột
Đứng trong đình, không ai còn nhận ra ngôi nơi ngôi đình là biểu tượng cho sự thịnh vượng và vững vàng của xứ Đoài trải suốt 400 năm qua. Ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990, nay trống hoác như hoang phế. Cơn mưa nhẹ buổi sáng hôm 24/3 đã làm lộ rõ những vết nước chảy từ trên nóc đình thấm vào các thanh xà, cột (dù đa phần mới được xây dựng lại).
Ông Nguyễn Văn Nhường, 86 tuổi, nguyên cán bộ Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội là người từng tận tay cầm quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho đình làng Quang Húc. Nay, ông đứng trước đình, đôi tay hân hoan xưa giờ vừa phẫn uất bẻ từng viên ngói mới bùng bục vừa nói: "Đến tay lão già gần 90 tuổi mà bẻ nhẹ cũng làm mấy viên ngói vỡ vụn thì chú hiểu làm sao mà đình dột rồi chứ! Ngói quá non và chất lượng quá kém ?!".
Là người chuyên nghiên cứu đình làng, đã tới nghiên cứu lần đầu đình Quang Húc cách đây 18 năm, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL Nguyễn Đức Bình thở dài: Rất nhiều đầu cột, vị trí tiếp giáp của các đầu xà, thanh rường hiện nay đều bị hở mộng, nhà thầu phải lấy keo đắp vào các chỗ bị hở. Hành động này không thể chấp nhận được. Nó tạo ra các vết bẩn phản cảm. Hơn thế, lâu dài nó ảnh hưởng tới chất lượng công trình.
Cũng theo quan sát, hiện nay, cột đình làng Quang Húc (nét đặc trưng nổi tiếng của ngôi đình) bị nối chân cột và vá nhiều. Theo ông Bình, cách làm này cũng được nhiều nơi áp dụng song hiếm nơi nào áp dụng nhiều và tùy tiện như những người trùng tu đình Quang Húc.
Hình được giới mỹ thuật dân gian đánh giá là “quái thú” trong đình làng Quang Húc. Ảnh Phạm Mỹ
Lại xuất hiện “quái thú” trong họa tiết mới
Bên cạnh những cột kèo, mái lợp, việc "làm mới di tích" cũng khiến người dân và những người nặng lòng với di sản bức xúc. Theo các ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện giám sát cộng đồng xã Đông Quan cho hay: Trước đây trên mái đình có những con xô, con kìm làm bằng đất nung, song giờ những con vật này đã được đắp lại bằng xi măng gắn sành. Đồng thời, con rồng đất nung trước kia được gắn trên đầu đao đình cũng đã biến mất. Ngoài ra, một vài con kê, con rồng bằng gỗ xưa cũng không còn.
"Tôi choáng khi thấy một số tượng nghê, thanh xà trước gác lửng của đình Quang Húc sau khi đã trùng tu. Họ chạm lại một cách thô thiển!"- ông Đức Bình chia sẻ.
"Đặc biệt, thanh xà ở gác lửng chạm rồng được thay thế mới thì không thể chấp nhận được. Đành rằng, các họa tiết rồng, mây, mặt trời đã bị mất chi tiết, nếu muốn phục dựng lại cũng phải làm cho tử tế"- ông Bình nói tiếp - "Ở đây, là hai con rồng chầu chữ Thọ được chạm khắc vào thế kỷ 17. Hình rồng hiền lành, nét chạm chau chuốt tỉ mẩn, người thợ như để tâm vào từng hình khối, sự liên kết của các họa tiết trang trí rất ăn nhập vào nhau. Còn ở bức chạm mới, nét chạm cẩu thả, rồng nhìn rất quái thú, gian tà, các đường nét hoa văn thì rời rạc, gai góc. Hơn thế, họ còn tự ý gắn thêm mắt thủy tinh cho rồng!"
Không chỉ thế, theo ông Bình, toàn bộ hệ thống gác lửng (y môn, cửa võng…) đều dùng sơn công nghiệp thay bằng sơn ta. "Việc dùng lớp sơn công nghiệp phủ lên trên lớp sơn ta, đè lên toàn bộ lớp sơn son thếp vàng cũ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trùng tu và luật di sản văn hóa. Chỉ cần sau một thời gian ngắn, lớp sơn công nghiệp kia sẽ nứt nẻ, nhăn nhúm lại. Thảm hại hơn là nó phá nát hoa văn cùng các lớp sơn ta với trầm tích cả trăm năm phía dưới." - ông Bình kết luận.
Theo thông tin của TT&VH, dự án trùng tu, đình Quang Húc được quyết định năm 2011, và được giao cho đơn vị thiết kế là Công ty cổ phần Xây dựng công trình VH,TT&DL, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tư vấn XD và TM Thành Hưng.
Đình làng Quang Húc được Nhà nước đầu tư trùng tu lại với kinh phí trên 17 tỷ đồng.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất