Nhà báo Anh Ngọc: 'Tôi chẳng ghét gì Ronaldo'

18/11/2014 06:24 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Bốn năm liền, Trương Anh Ngọc - phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Roma (Italy), nhà báo duy nhất của Việt Nam tham gia bầu chọn Quả bóng Vàng - không một lần chọn Cristiano Ronaldo đứng trên Lionel Messi. Phải chăng có yếu tố tình cảm, yêu ghét ở đây?

* Xin chào nhà báo Anh Ngọc! Đây đã là năm thứ 5 liên tiếp anh trở thành nhà báo Việt Nam duy nhất tham gia bầu chọn Quả bóng Vàng (QBV). Cảm xúc của anh năm nay có khác những năm trước?

- Được FIFA và tạp chí France Football mời đại diện cho làng báo Việt Nam trong cuộc bầu chọn danh hiệu cao quý nhất trong năm đối với cá nhân cầu thủ và HLV ở cấp thế giới này là một niềm vinh dự và tự hào đối với tôi. Đương nhiên, vào năm đầu tiên được bầu thì xúc động ghê gớm lắm, vì đối với tôi, đấy là một sự kiện lớn, một sự thừa nhận của họ đối với tôi, với tư cách là một nhà báo. Bây giờ, sự xúc động vẫn còn mỗi khi vào tháng 10, nhận được thư mời của họ. Và dù là được bầu năm đầu hay năm thứ 5, hoặc nhiều năm sau nữa cũng thế, tôi vẫn luôn bầu một cách công tâm nhất có thể.

* Nhưng cách đây không lâu, một nhà báo Tây Ban Nha tên là Francesc Aguilar đã quyết định rút lui sau 23 năm liên tiếp tham gia bầu chọn Quả bóng Vàng vì nghi ngờ sự trong sạch và tính công bằng của giải thưởng, mà cụ thể là việc FIFA kéo dài thời hạn bầu chọn QBV 2013. Quan điểm của anh về sự kiện này? Liệu anh có hành động tương tự, tức là rút lui, khi thấy bất bình về cách thức bầu chọn QBV?

- Tôi có đọc bài viết của ông ấy liên quan đến vấn đề này. Aguilar là một nhà báo mà tôi ngưỡng mộ, vì cách ông ấy viết, lập luận và đưa ra vấn đề đều hay. Năm ngoái, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên trước việc FIFA gia hạn thời điểm nộp phiếu bầu thêm hai tuần nữa, và trong hai tuần ấy, rất nhiều điều đã xảy ra, để rồi sau đó, chúng ta đều biết là Ronaldo đã đoạt Quả bóng vàng. Tôi không bàn luận đến những chuyện hậu trường mà Aguilar đưa ra có liên quan đến các nhà tài trợ có tiếng nói như thế nào trong cuộc bỏ phiếu này, cũng không bình luận gì về sự cạnh tranh giữa Real Madrid và Barcelona liên quan đến danh hiệu (Aguilar rút lui cũng là một cách để gây áp lực trong cuộc chiến Barca-Real), tôi cũng không bày tỏ sự nghi ngờ về tính trong sạch và công bằng của giải thưởng, nhưng tôi cũng không đồng ý với việc thay đổi lịch công bố phiếu bầu của phía nhà tổ chức. Tôi chưa nghĩ đến chuyện rút lui, chừng nào FIFA và France Football vẫn tin tưởng mời tôi tham gia bầu chọn hàng năm.

* Vậy xin anh cho biết tiêu chí mà FIFA đưa ra đối với những người tham gia bầu chọn. Anh có tuân thủ các tiêu chí ấy không, hay lại để "con tim" quyết định?

- Trong email mà Tổng biên tập France Football Gerard Ejnes cũng như người tiền nhiệm của ông gửi cho tôi vào cuối mỗi tháng 10 để mời bầu chọn, họ luôn nêu rất rõ các tiêu chí bầu chọn sau đây: "Phong độ của cá nhân cầu thủ cho câu lạc bộ và/hoặc đội tuyển quốc gia (đặc biệt là trong những trận quan trọng) và tinh thần fairplay". Thời gian được tính theo các tiêu chí này của họ là kể từ ngày 30/11/2013 cho đến thời hạn bỏ phiếu.


Nhà báo Anh Ngọc tác nghiệp ở World Cup 2014 tại Brazil

Các tiêu chí này, theo tôi là hoàn toàn ổn, và đã được BTC Quả bóng vàng đưa ra kể khi FIFA và France Football hợp nhất hai giải thưởng của họ vào năm 2010. Trong số các cầu thủ mà tôi đã bầu kể từ năm 2010 đến nay, không ai là cầu thủ tôi thần tượng hay hâm mộ cả. Tôi bầu chọn họ dựa theo các tiêu chí được BTC gửi đến và không để bất cứ ai, bất cứ sức ép nào từ người hâm mộ bóng đá khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình trong mỗi lần bầu chọn cả.

* Năm 2010, Lionel Messi giành QBV dù Tây Ban Nha vô địch World Cup còn Argentina thi đấu tệ hại. Nếu điều tương tự xảy ra, đó có phải là sự bất công?

- Năm 2010 tôi không bầu cho Messi và tôi cũng hơi ngạc nhiên khi cầu thủ của Barcelona đoạt được danh hiệu năm đó. Hồi đó, tôi có viết một bài ca ngợi Xavi và khẳng định rằng, việc những người như anh hay Sneijder không đoạt Quả bóng vàng là một điều bất công. Lúc đó, khi phân tích các phiếu bầu từ ba ban giám khảo khác nhau, gồm các HLV trưởng đội tuyển quốc gia, đội trưởng đội tuyển quốc gia và nhà báo đại diện cho các quốc gia, tôi nhận thấy hai ban giám khảo đầu tiên vẫn bầu như danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong năm (FIFA World Footballer of the Year) và bầu cho Messi rất nhiều, trong khi ban giám khảo nhà báo lại bầu nhiều cho các tiền vệ nói trên, cùng với Iniesta, nghĩa là có thể họ vẫn bám theo tiêu chí đánh giá cũ của danh hiệu Quả bóng vàng Châu Âu do France Football đưa ra. Nếu hai giải thưởng không nhập làm một, năm đó, người ta sẽ chứng kiến hai cầu thủ khác nhau đoạt hai danh hiệu cá nhân khác nhau và Quả bóng vàng năm đó không thuộc về Messi. Nhưng điều này không diễn ra, do các nhà báo chỉ chiếm 1/3 số phiếu bầu.

Đó cũng là một trong những năm có nhiều tranh cãi nhất liên quan đến kết quả bầu và đó cũng là năm người ta bắt đầu tranh cãi về tính hợp lí của việc sát nhập hai giải thưởng này với nhau, và việc các lá phiếu có phản ánh đúng các tiêu chí mà BTC đưa ra, hay là theo cảm tính. Tôi thì không bao giờ bỏ phiếu theo cảm tính, và nếu một điều "bất công" như câu hỏi đặt ra xảy ra, tôi nghĩ đấy sẽ là bất công cho những ai không bầu cho anh, hoặc những người không phải là fan của anh. Dù có tranh cãi mãi đi nữa, thì ta vẫn phải thừa nhận, không có giải thưởng cá nhân nào trong năm của bóng đá thế giới danh giá hơn giải thưởng này.



Dù vô địch World Cup 2014, cầu thủ của tuyển Đức khó giành được Quả bóng Vàng năm nay.

* Các nhà cái đều xem Cristiano Ronaldo là ứng viên số 1 cho danh hiệu năm nay, Lionel Messi đứng thứ 2, xếp trên những tuyển thủ xuất sắc của Đức. Phải chăng giá trị của World Cup đã giảm sút nghiêm trọng?

- Nếu bạn đọc tiêu chí của BTC gửi những người bầu chọn, bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Cụ thể "phong độ của cá nhân cầu thủ cho câu lạc bộ và/hoặc đội tuyển quốc gia (đặc biệt là trong những trận quan trọng)". Điều đó có nghĩa là tiêu chí này dựa trên một biên độ đánh giá rất rộng. Đương nhiên, tập thể và cá nhân là hai phạm trù tương hỗ, nhưng đây trên hết vẫn là một giải thưởng cá nhân chứ không phải là giải thưởng tập thể. World Cup chỉ diễn ra trong một tháng, còn các cá nhân, CLB và đội tuyển của họ phải đá trong cả năm. Đức đã đoạt chức vô địch, nhưng tôi không nghĩ là có ai trong đội hình đó sẽ đoạt Quả bóng vàng. Điều đó không có nghĩa là World Cup mất giá trị, mà nó chỉ khẳng định một xu hướng, là World Cup bây giờ có quá ít ngôi sao xuất chúng theo kiểu cổ điển, khi đội bóng vô địch phải là một tập thể siêu mạnh, gắn kết, hoặc các ngôi sao ấy, vì một lí do nào đó, không thể tỏa sáng và gánh vác cả đội tuyển ở giải như Maradona ngày xưa.

* Bốn năm qua, anh chưa bao giờ chọn Cristiano Ronaldo đứng trên Lionel Messi. Vì sao? Phải chăng anh "ghét" hoặc "không thích" Ronaldo?

- Những năm trước, tôi không bầu cho Ronaldo, vì xét trên phương diện phong độ cá nhân đặt trong tập thể thành công, tôi đánh giá Messi cao hơn. Năm ngoái, tôi không bầu cho Ronaldo cũng như Messi, vì tôi đánh giá Ribery cao hơn. Vấn đề không phải là thích hay ghét. Đó là những lí do cảm tính. Nếu như bạn đi thi "bé khỏe bé đẹp chẳng hạn", bạn phải tìm cách thuyết phục các giám khảo bằng khả năng của bạn chứ không phải là tìm cách lấy lòng họ bằng các cách khác ngoài bóng đá, như số lượng fan, như sự giàu có, ảnh hưởng về truyền thông hay vẻ đẹp trai.



4 năm qua, nhà báo Anh Ngọc chưa một lần chọn Ronaldo đứng trên Messi.

* Luis Suarez đã bị loại khỏi danh sách đề cử dù đoạt giải Chiếc giày vàng châu Âu. Tất nhiên, nguyên nhân chính đến từ vụ cắn Giorgio Chiellini ở World Cup 2014. Quan điểm của anh về vấn đề này?

- Tôi không ngạc nhiên về điều này. Xét trên tiêu chí fairplay thì Suarez bị loại không chỉ vì vụ căn Chiellini mà còn vì những scandal trước đó của anh ở Premier League. FIFA đang nêu cao vấn đề về đạo đức cầu thủ và giữ cho hình ảnh của mình trong sạch, nên chẳng có gì ngạc nhiên nếu họ không đưa Suarez vào danh sách ứng viên.

* Anh nổi tiếng là chuyên gia hàng đầu về bóng đá Italy. Nhưng năm nay không có cầu thủ Italy nào lọt vào danh sách đề cử QBV. Anh có cảm thấy buồn?

- Tôi không ngạc nhiên về điều này. Bóng đá Ý đã khủng hoảng nghiêm trọng kể từ sau năm 2006 và còn phải lâu nữa mới trở lại. Đương nhiên là tôi không vui, nhưng đấy là điều phải chấp nhận. Có thăng thì cũng có trầm, điều này cũng bình thường. Bóng đá Ý đã thống trị Châu Âu trên cấp độ CLB trong những năm 1980, 1990 rồi. Rồi sẽ có lúc họ trở lại.

* Theo anh, khoảng bao lâu nữa thì có một cầu thủ Việt Nam lọt vào danh sách đề cử QBV? Khi ấy, nếu còn tham gia bầu chọn, anh có nghĩ rằng mình sẽ bị yếu tố tình cảm chi phối, tức là bầu cho cầu thủ ấy?

- Trước khi trả lời câu "Bao lâu nữa thì có một cầu thủ Việt Nam lọt vào danh sách đề cử QBV" thì ta phải trả lời được câu "Bao lâu nữa bóng đá Việt Nam lên được tầm thế giới". Tôi là người lạc quan, nhưng tôi chịu bó tay trước câu này. Còn nếu có trường hợp ứng viên ấy và vẫn được FIFA/France Football mời bình chọn, tôi vẫn sẽ bầu theo những tiêu chí mà tôi đã thuộc lòng, không để bất cứ điều gì khác chi phối.

* Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này. Chúc anh đưa ra quyết định sáng suốt, công bằng và chính xác nhất.

Đức Lộc (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm