12/07/2014 14:37 GMT+7 | World Cup 2018
(giaidauscholar.com) - Một nghiên cứu của đại học Stanford trên toàn nước Mỹ chỉ ra rằng trong các cuộc tranh cử, nếu đội bóng của địa phương đó chiến thắng trong vòng từ 10 ngày trở lại trước ngày bỏ phiếu, thì các ứng viên đương nhiệm sẽ có thêm trung bình 1,61% số phiếu.
Đó là một con số rất đáng kể với Tổng thống Dilma Rousseff hiện nay. Cử tri Brazil đang chia ra làm đôi, khoảng một nửa ủng hộ ứng viên đương nhiệm Rousseff, một nửa ủng hộ 2 ứng viên còn lại. Nếu bà có thể vượt qua mốc 50% trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, bà sẽ chiến thắng.
Bất chấp những cuộc biểu tình, vẫn có khá nhiều người Brazil yêu quý bà Dilma Rousseff, một chính trị gia cánh tả. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng Mười này. Và rõ ràng là người ta có quyền tính đến tâm-trạng-hậu-World-Cup như một trong các yếu tố quyết định đến người sẽ lãnh đạo đất nước Brazil.
Có một điều thú vị là sau trận thắng Chile ở vòng 16 đội, vẫn có những cuộc biểu tình xuất hiện rải rác. Cho dù mức độ của những cuộc biểu tình đã giảm nhiều từ năm 2013 đến nay, nhưng chúng vẫn xuất hiện.
Chỉ vài tiếng sau khi Brazil giành vé vào tứ kết, vài chục người tập trung ở một quảng trường gần sân Maracana, gồm có cả các nhà hoạt động dân chủ, người thổ dân, thanh niên và luật sư. Họ ném một quả bom tự chế vào một cửa hiệu, gây ra sợ hãi. Rồi sau đó cảnh sát mới giải tán đám đông này trên đường họ tiến tới sân bóng.
Nhưng tới sau trận bán kết gặp Đức thì tuyệt nhiên chưa ghi nhận một cuộc biểu tình quy mô nào trên đất Brazil. Bóng đá lúc này mới thực sự “lên ngôi”. Không phải vì cảm giác chiến thắng, mà vì cảm giác đau đớn.
Họ còn đang gục đầu vào giữa hai lòng bàn tay, đang than khóc, đòi chết, đang cắn lá quốc kỳ như biểu hiện của sự bế tắc tột cùng.
Bà Dilma Rousseff đã viết lên mạng chia buồn với người dân. Nhưng câu xin lỗi ấy không có ý nghĩa gì với chiến dịch tranh cử sắp tới. Bây giờ, chuyện đã là của bóng đá.
Có thể một chiến thắng trong trận tranh hạng 3 sẽ không khiến tâm trạng của đất nước Brazil vui lên chút nào. Nhưng nếu điều ngược lại diễn ra, họ sẽ rơi xuống đáy cùng tâm trạng.
Cuộc bầu cử của Brazil, có được bao nhiêu cử tri tỉnh táo và quyết định lá phiếu thuần túy dựa trên các phân tích về vấn đề xã hội hay ám ảnh một nỗi nhục World Cup, có thể sẽ trông vào trận tranh hạng 3 này.
Vấn đề là đội tuyển Brazil có còn sức mà đá hay không. Đã có những dấu hiệu của mâu thuẫn nội bộ xuất hiện khi hôm qua người đại diện của Neymar đăng đàn chửi bới HLV Scolari thậm tệ, với những từ như “đáng kinh tởm” hay “lão già ngớ ngẩn”. Không ai biết là ông này chửi với tư cách một CĐV hay là người đại diện của Neymar.
Người lãnh đạo đất nước, những chính sách vĩ mô, hay nói cách khác là tương lai của Brazil bỗng lại phụ thuộc phần nào vào những đôi chân yếu nhược này.
Điều đó quả thực không hay. Nhưng có lẽ lỗi không phải của bà Dilma Rousseff, của ông Scolari hay Neymar. Lỗi là bởi người Brazil đã quá yêu bóng đá.
Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất