Rubik bóng đá: Sự trả thù của người Anh

14/06/2014 13:57 GMT+7 | Bảng D

(giaidauscholar.com) - Khi những người Brazil xuống đường phản đối một giải đấu bóng đá quá tốn kém, người ta quên rằng những người Anh đã phải “cắn răng” nuôi giải đấu tốn kém nhất thế giới trong gần 2 thập kỷ qua mà chỉ biết nuôi ấm ức.

1. Hôm qua, tờ Daily Mirror lại khui ra một scandal của Liên đoàn bóng đá Anh trước thềm World Cup: theo phóng sự điều tra của tờ báo này, họ có thể mua được những chiếc vé VIP vốn chỉ dành cho các quan chức Liên đoàn hoặc cầu thủ ngoài chợ đen với giá cực cao. Như thế, nghĩa là đã có một ai trong nội bộ FA hoặc một danh thủ nào đó tuồn vé ra ngoài, điều bị FIFA cấm.

Lại scandal, vào cái lúc mà người ta tưởng rằng báo chí Anh đã tha cho đội tuyển. Kỳ World Cup nào gần đây của tuyển Anh cũng bắt đầu bằng những scandal. Năm 2006, là khi vụ cặp kè của HLV Sven-Goran Eriksson với cô thư ký Faria của FA bị phanh phui. Năm 2010, là vụ John Terry ngủ với người yêu Wayne Bridge và bị tước băng đội trưởng. Vụ nào, báo chí cũng làm đến nơi đến chốn, dư luận cũng xôn xao.

Nếu nhìn vào cách báo chí Anh khai thác World Cup, thì thật khó nói rằng họ đang một lòng ủng hộ đội tuyển, nếu không muốn nói là chống đội tuyển. Truyền thông đã thổi bùng vụ John Terry ngoại tình lên đến mức, chính các CĐV Anh trước thềm World Cup cũng la ó anh này.

2. Nếu so sánh cách làm của truyền thông Anh với truyền thông Đức, Pháp hay Tây Ban Nha, sẽ rất dễ nhận ra sự khác biệt: trong khi ở các nước khác, là những chiến dịch tuyên truyền cổ động đình đám, thì ở Anh cứ nhè World Cup là người ta khui ra scandal.

Đó dường như là kết quả của một tâm lý ẩn ức: CĐV của đất nước này, đã luôn phải trả mức giá vé cao nhất thế giới để nuôi các “ông sao” như Terry, Rooney, Ashley Cole, Lampard sống trong nhung lụa. Giá vé của Premier League đắt một cách phi lý, khiến cho các hội CĐV liên tục ca thán.

Đơn cử, Arsenal bán vé đắt tới mức khi họ gặp Bayern, lãnh đạo đội bóng Đức đã phải “trợ giá” cho CĐV Đức để họ tới Emirates cổ vũ.

Họ vẫn tới kín các sân. Họ vẫn yêu. Nhưng trong yêu dường như có lẫn cả sự thù hận của những người phải chịu thiệt thòi trong một mối quan hệ. Họ bất mãn, tìm mọi cơ hội để chỉ trích.

CĐV Brazil có thể xuống đường và từ chối bóng đá. CĐV Anh thì vẫn phải sống cùng Premier League, giải đấu đắt đỏ nhất hành tinh. Nếu tính tổng chi phí của Premier League kể từ khi nó ra đời đến nay, thì con số này lên tới hàng chục tỷ USD. Tiền phần lớn là từ CĐV Anh, từ nước ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ.

Đó là lý do mà tại sao những ngôi sao người Anh, đội tuyển Anh và Liên đoàn có thể dễ dàng bị dìm xuống bùn đen đến thế sau những scandal. Bởi người Anh vừa yêu vừa hận.

3. Một trong những lý do khiến đội tuyển Anh thường xuyên thất bại ở các giải đấu lớn chính là sức ép tâm lý. Thường xuyên thấy những ngôi sao hàng đầu của Premier League bỗng nhiên chơi bóng như những kẻ nghiệp dư khi bước ra thế giới, với Rooney ở World Cup 2010 là một ví dụ.

Lại một kỳ World Cup nữa, báo giới và dư luận Anh đè tạ lên ngực đội tuyển khi cố khui ra những scandal. Và thật ra, họ đã liên tục gây sức ép cho đội tuyển suốt từ vòng loại đến nay, mặc nhiên xếp Tam Sư vào danh sách ứng viên.

Liệu đây có thể là một kỳ World Cup khác? Họ sẽ thành công? Hay đội tuyển nước này sẽ vĩnh viễn sống trong sự “trả thù” về mặt tinh thần từ các khách hàng bất mãn của Premier League?

Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm