Rubik bóng đá: Cuộc chiến của cá nhân

22/06/2014 12:40 GMT+7 | Bảng G

(giaidauscholar.com) - Người ta nói rằng bóng đá là môn chơi của tập thể. Nhưng đôi khi, sức mạnh tập thể lại không quan trọng bằng sức mạnh cá nhân.

1. World Cup 2002, Mỹ và Bồ Đào Nha cũng đã gặp nhau trong một bối cảnh rất giống với hôm nay. Khi đó, một đội tuyển Mỹ gồm những ngôi sao “làng nhàng” khá run rẩy trước đội bóng của ngôi sao đắt giá… thứ nhì thế giới, là Luis Figo. Nhưng rồi đoàn quân của HLV Bruce Arena thậm chí đã dẫn trước tới 3-0 trước khi giành thắng lợi chung cuộc với tỷ số 3-2 và đi tiếp vào tứ kết.

Hôm nay, họ lại đối đầu với Bồ Đào Nha của cầu thủ đắt giá thứ 2 thế giới, là Cristiano Ronaldo.

Hậu vệ Frankie Hejduk, một trong những người đã tỏa sáng ở trận thắng Bồ Đào Nha năm ấy, bắt chết nhiều ngôi sao tấn công thượng thừa của đội bóng châu Âu, hôm nay đưa ra lời khuyên “lạ” cho lứa đàn em.

“Bạn phải biến cuộc chiến thành của riêng mình” – Hejduk nói – “Hãy tưởng tượng rằng một người trong gia đình bạn đang bị đánh ngoài kia bởi một thằng to gấp đôi bạn. Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ phải lao ra chiến đấu vì họ và không quan tâm thằng đó to đến mức nào”.

Figo chỉ “thở” được vài phút đầu trận tại Hàn Quốc năm ấy với Hejduk. Sau đó, là những cú tắc bóng liên tục, và người chiến thắng là cái anh đang “có người thân bị đánh” kia.

2. Trong những trường hợp David đấu với gã khổng lồ Goliath như Mỹ gặp Bồ Đào Nha, thì chiến thuật đôi khi không phải là thứ quan trọng nhất. Chiến thuật khó mà giúp được một đội bóng yếu hơn nhiều mặt, nếu mỗi cá nhân trong tập thể ấy không chơi vượt lên trên chính sức mình.

Người ta hay nói đến sự kỷ luật sau thành công của những đội “cửa dưới”. Nhưng nếu một hậu vệ như Hejduk không “cá nhân hóa” cuộc chiến, thì khả năng anh ta thắng được một người như Figo là bao nhiêu phần trăm, hay là lúc đó, HLV sẽ phải điều ra… 3 người để theo chân Figo như lý thuyết rồi sau đó nhìn những người khác, Beto chẳng hạn, chọc thủng hàng phòng ngự?

Có lẽ giờ phút này nhiều cầu thủ Mỹ đang ngồi và tưởng tượng về cảnh Cristiano Ronaldo “làm gì đó” vợ mình.

3. Đó không chỉ là cuộc chiến cá nhân của những hậu vệ người Mỹ, mà đó chắc chắn còn là cuộc chiến cá nhân của nhiều ngôi sao Bồ Đào Nha.

Họ không phải đối mặt với một gã khổng lồ nào ngoài trở lực của chính mình. Cái câu hỏi “xoay quanh Ronaldo hay không?” dường như đã hành hạ từng thành viên trong đội tuyển Bồ Đào Nha từ HLV cho đến… chính Ronaldo, người liên tục bị lên án là ích kỷ, hay những cầu thủ như Nani, cả đời ghét nhất là việc phải sống trong cái bóng của Ronaldo, nên có nhiều tình huống, thay vì chuyền cho Ronaldo lại cố sút xa hoặc đi bóng để xôi hỏng bỏng không.

Cứ nhìn cái cách Nani thà sút quả bóng lên trời trong trận gặp Đức chứ không muốn làm như những người khác, là chờ cơ hội đưa bóng cho mũi nhọn Ronaldo, thì thấy rằng đây không phải là bài toán chiến thuật nữa rồi, mà là chuyện của các cá nhân.

Người Bồ Đào Nha bây giờ có lẽ cần thống nhất phải tưởng tượng như thế nào đó theo cách của Hejduk.

Hoặc là 11 người như 1, đồng lòng tưởng tượng Ronaldo chính là vợ mình, chuyền cho anh hoặc là chịu nỗi thấu khổ.

Hoặc là 11 người như 1, bao gồm cả chính Ronaldo, tưởng tượng rằng Ronaldo không có mặt trên sân và họ chơi bóng bình đẳng, trật tự, chuẩn xác như người Đức.

Đó là một cuộc chiến mà HLV Paulo Bento không thể giải quyết được. Những cầu thủ Bồ Đào Nha cần phải giải quyết với nhau, trong một trận đấu mà đối diện với họ, là một đội tuyển cũng chưa bao giờ được coi là “yếu”.

Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm