12/01/2014 08:22 GMT+7 | Văn hoá
1. Đó là Linh Rateau, biên đạo múa đương đại tại Pháp, là ê-kíp Tuấn Lê – Nhất Lý – Nguyễn Lân đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với 2 vở kịch xiếc Làng tôi và À ố show, là nghệ sĩ đương đại Tuấn Andrew Nguyễn từ Mỹ với lĩnh vực hip-hop, là Tấn Lộc với nhiều vở múa gây tiếng vang, là đạo diễn “cao giá nhất nước” Phạm Hoàng Nam… Tất cả họ làm việc với người tổng đạo diễn mà tên tuổi đã gắn chặt với Duyên dáng Việt Nam thời kỳ huy hoàng nhất: Tất My Loan.
Cũng rất lâu rồi Tất My Loan mới quay về với Duyên dáng Việt Nam. Và cũng lâu rồi, Duyên dáng Việt Nam loay hoay để tìm một lối đi mới với nhiều đạo diễn khác để có lúc tưởng đã đi vào ngõ cụt. Điều này do chính ông Nguyễn Công Khế, người sáng lập và duy trì loạt chương trình này thừa nhận với truyền thông.
Nghệ sĩ Pháp gốc Việt Nguyên Lê, nhạc sĩ Đức Trí, saxophonist Quyền Thiện Đắc, NSND Thanh Hải và ban nhạc Phù Sa trình diễn tác phẩm Ngẫu hứng lý ngựa ô (bản phối của Nguyên Lê) được khán giả tán thưởng nhiệt liệt bằng những trang pháo tay kéo dài suốt tiết mục2. Với chủ đề Thương quá Việt Nam, đúng là Duyên dáng Việt Nam đã đổi mới khi vẽ lại một bức tranh về âm nhạc, nghệ thuật, đời sống Việt Nam rất đương đại trên sân khấu vốn giữ nguyên tính chất tạp kỹ mà chương trình đã lựa chọn đi theo từ những ngày đầu.
Chương trình được kết cấu theo 4 phần, là 4 câu chuyện được kể bằng 4 phong cách âm nhạc: pop, dân ca, hip-hop và những ngẫu hứng với sự kết hợp giữa nhạc cổ truyền (ca trù, dân ca) trong dòng chảy của âm nhạc đương đại. Xen giữa các phần là màn biểu diễn áo dài bởi các người đẹp có danh hiệu như truyền thống lâu nay của Duyên dáng Việt Nam.
Sân khấu cũng thay đổi theo nội dung những câu chuyện và quan trọng, những ca khúc đi theo từng chủ đề nhỏ này được lựa chọn để ca sĩ trình bày trên nền câu chuyện do các vũ công “kiến tạo” với phần dàn dựng sân khấu tương xứng.
Lần đầu tiên, ca sĩ không còn là nhân vật trung tâm trên một sân khấu ca nhạc, họ chỉ như một nhân vật góp phần tham gia vào câu chuyện bằng giọng hát và cả diễn xuất của mình. Có lẽ cũng vì thế mà không có một tiết mục, ca sĩ nào nổi bật, trở thành điểm nhấn cho dù xuất hiện ở đây là những tên tuổi như Elvis Phương, Hương Lan, Quang Linh, Nguyên Thảo, Đức Tuấn, Lệ Quyên, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thanh Bùi...
3. Phần thú vị, mới mẻ nhất của chương trình là phần mà đạo diễn Tuấn Andrew Nguyễn làm chủ sân khấu, tái hiện một Việt Nam đương đại bằng ngôn ngữ của hip-hop với người dẫn chuyện là một rapper. Lần đầu tiên những ca khúc ngọt ngào được trình diễn theo phong cách pop quen thuộc như Thương quá Việt Nam, Tình ca (Phạm Duy) được hoà âm theo phong cách hip-hop.
Ở đây, nếu Anna Trương rất hợp với bản phối Thương quá Việt Nam mới mẻ, hiện đại như lứa tuổi của cô dù cũng bộc lộ giọng hát còn non nớt, chênh phô thì Nguyên Thảo lại chới với khi không phải là cô với Tình ca và bản phối sôi nổi, ồn ào. Nguyên Thảo đã rất cố gắng để không lạc khỏi không khí của hip-hop – R&B nhưng dễ nhận thấy không khí này đã khiến cô đã quá sức, Thảo chỉ hợp với cách hát nhẹ nhàng, truyền cảm và không gian của pop, cổ điển giao thoa. Tuy nhiên, đây là một cuộc chơi với những thử nghiệm, vì thế nó rất đáng để các nghệ sĩ thử sức mình và xứng để khán giả tìm kiếm những cảm xúc mới mẻ trên nền những sản phẩm âm nhạc có giá trị.
Và như vậy, những mục đích và kỳ vọng ban đầu mà BTC của chương trình đặt ra, Duyên dáng Việt Nam 26 – Thương quá Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh.
Dương Vân Anh
Thể thao& Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất