Arsenal, 'running man' và 'cơ hội vàng' bị bỏ lỡ

19/07/2013 08:41 GMT+7

(giaidauscholar.com) - 1. Tại Mỹ Đình, Việt Nam thua Arsenal 1-7, đơn giản bởi chúng ta thua họ về đẳng cấp. Nhưng có một “trận đấu” khác, chúng ta có nhiều cơ hội hơn.

Arsenal là một thương hiệu tầm cỡ thế giới, đó là lý do để trận đấu vượt khỏi khuôn khổ của một trận bóng đá, trở thành một sự kiện truyền thông toàn cầu.

Từng giây phút, mỗi bước di chuyển của thầy trò ông Wenger ở Hà Nội được cập nhật trên các trang báo điện tử, không chỉ trong nước. Nhưng…

Khi các pháo thủ đến hồ Gươm, họ đã không xuống xe để đi bộ ngắm tháp Rùa. Khi đến chùa Một Cột, họ bị quây kín bởi người hâm mộ. HLV Wenger lo lắng và cùng các cầu thủ nhanh chóng vào xe trở về khách sạn.

Nhiều cơ hội đã trôi qua.

Có nhiều lý do khiến chúng ta bỏ lỡ những cơ hội trên. Nhìn sang Thái Lan, Malaysia, Singapore mới thấy dân ta đã quá “đói khát” ngôi sao tầm cỡ thế giới. Nhưng dù thế, nếu cấm đường khoảng 5 – 10 phút (như bảo vệ các đoàn chính khách) tại mỗi điểm để thực hiện chụp ảnh, tham quan cũng không phải quá khó làm.

Thực tế, chúng ta đã từng có được nhiều “cơ hội vàng”. Như sự kiện gia đình tài tử Mỹ Brad Pitt và Angelina Jolie đến Việt Nam du lịch. Chuyến đi được báo chí khai thác tối đa, từ hãng hàng không vận chuyển, khách sạn lưu trú, bãi biển… có sự viếng thăm của Pitt và Jolie hiển nhiên được nổi tiếng hơn. Khu du lịch biển ở Côn Đảo đã tự hào quảng cáo rằng: “Bạn có thể nghỉ tại nơi mà vợ chồng Brad Pitt - Angelina Jolie đã nghỉ”.

Nhiều người còn nhớ, hình ảnh Thủ tướng Australia, John Howard chạy bộ bên hồ Gươm. Từ khách sạn Hilton, sáng sớm, vị Thủ tướng đến từ châu Đại Dương thanh thản chạy bộ 2-3 vòng quanh bờ hồ, hòa lẫn trong nhiều người dân Hà Nội cũng chạy bộ giữa hương hoa sữa thơm nồng... Năm 2009, Nữ hoàng Đan Mạch cùng các thành viên hoàng gia du ngoạn Hà Nội từ đường Thanh Niên với khung cảnh hồ Tây chiều mùa Thu... đến khu phố cổ. Các hãng truyền thông lớn trên thế giới tràn ngập hình ảnh về một thủ đô thanh bình, tươi đẹp. Những hình ảnh quá đẹp để quảng bá du lịch Việt Nam.

Trong khi đó, để quảng bá hình ảnh trên các kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC…, từ năm 2008, chúng ta phải tiêu tốn nhiều triệu USD với mỗi 30 giây giá khoảng 160.000 USD.

2. Quay lại với “trận đấu” Việt Nam – Arsenal, thông thường, mỗi chuyến du đấu của CLB bóng đá nổi tiếng ngoài tập huấn, kiếm tiền, việc quảng bá thương hiệu là quan trọng nhất.

Arsenal không phải là đội bóng có lượng fan lớn nhất ở Việt Nam, họ xếp sau nhiều CLB như M.U, Barcelona, Juventus... Nhưng mọi chuyện có thể sẽ khác sau cơ hội mang tên "running man" Vũ Xuân Tiến.

HLV Wenger xuất thân là một thạc sĩ kinh tế, khi nhìn thấy Xuân Tiến băng băng chạy bộ theo chiếc xe buýt, với chiếc áo Arsenal trên người, ông biết ngay mình phải làm gì để quảng bá thương hiệu của CLB ở châu Á và toàn thế giới. Xuân Tiến đã có mặt trên ghế VIP sân Mỹ Đình, được ra sân cùng đội bóng ngôi sao, và anh được sang xứ sở sương mù xem đội bóng thần tượng thi đấu.

Với Arsenal, giấc mơ của chàng trai vô danh thành sự thật. Nick name "running man" của cậu đã nổi tiếng trên toàn thế giới, hiện diện trên các trang truyền thông lớn. Điều đó cũng đồng nghĩa với thương hiệu Arsenal sẽ càng được mở rộng hơn nữa.

Từ một cơ hội bình thường, họ đã ghi bàn. Còn chúng ta, từ những “cơ hội vàng”, ta để nó trôi qua.

Một lần nữa, Arsenal thắng dù chúng ta có nhiều cơ hội hơn, chung quy cũng vì “đẳng cấp”. Cũng may, chúng ta còn chiếc nón lá, ví như bàn thắng danh dự.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm