28/03/2012 14:27 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Là bậc thầy về rượu vang, Jeannie Cho Lee có thể nhận ra ngay ly rượu vang đỏ bà đang uống tại một bữa tiệc tối sang trọng ở Hong Kong không phải là "đồ xịn". Nhưng không phải ai cũng có được sự nhạy cảm và khả năng phân biệt tốt giống như bà, trong bối cảnh một làn sóng hàng giả đang xuất hiện, nhằm trục lợi trên cơn sốt rượu vang ngoại ở Trung Quốc.
Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã bùng nổ một cơn sốt tiêu thụ rượu vang ngoại, đặc biệt là vang Pháp. Cuối năm 2011, nước này đã vượt qua Anh để trở thành quốc gia tiêu thụ rượu vang lớn thứ 5 thế giới. Và theo nghiên cứu của International Wine & Spirit Research, tốc độ tăng trưởng của thị trường rượu vang ở Trung Quốc từ năm 2011 - 2015 sẽ tăng tới 54%. Dự kiến người Trung Quốc sẽ tiêu thụ 250 triệu thùng rượu vang vào năm 2016.
Hàng nhái trong hội chợ rượu vang
Cơn sốt rượu vang diễn ra, theo một lẽ tự nhiên đã thu hút sự chú ý của các tay làm giả. "Những gì chúng tôi đang chứng kiến tại đất nước này là sự xuất hiện lan tràn của các chai rượu giả, rượu nhái, ăn cắp thương hiệu một cách trắng trợn. Chúng xuất hiện khi ngành công nghiệp rượu vang ở đây đang bùng nổ rất mạnh" - chuyên gia Ian Ford thuộc công ty rượu vang Summergate Fine Wines ở Thượng Hải nhận xét.
Rượu giả khiến các cuộc đấu giá rượu vang như Acker Merrall & Condit's Don Stott trở nên rất đắt khách
Năm ngoái, khi tới dự Hội chợ rượu vang Thành Đô ở Trung Quốc, chính Ford đã phát hiện một chai vang nhái Penfolds, một trong những nhà sản xuất rượu vang lâu đời nhất của Australia, tại hội chợ này. Chai rượu nhái đề nhãn tiếng Hán, nhưng viết theo lối chữ thảo màu đỏ trông rất giống nhãn hiệu Penfolds xịn. Cũng tại hội chợ, ông còn phát hiện loại vang nhái Barons de Lafite cellar collection được bán bởi một công ty có tên Wenzhou Oldnburg Lafite Export & Import Ltd. ở thành phố Ôn Châu, miền Tây Trung Quốc. Nhãn chai sao chép có hình dáng y hệt logo của loại rượu vang Lafite Rothschild nổi tiếng với 5 mũi tên.
Ông đánh giá ở Trung Quốc, tình trạng sản xuất rượu vang giả đã biến thành một ngành công nghiệp quy mô không nhỏ, với khả năng mang lại bộn tiền. Để làm rượu giả, gian thương mua vỏ chai thật, dán nhãn copy bằng kỹ thuật vi tính, sau đó bơm rượu rẻ tiền, đóng nút và tung ra thị trường. Chai rượu thật như Lafite Rothschild có thể có giá đến 8.000 USD, nhưng chai rượu làm giả cũng chẳng hề rẻ hơn chút nào, trong khi chất lượng lại vô cùng tồi và việc phát hiện hàng giả thì không phải dễ dàng. Ford nói rằng hàng giả, hàng nhái đang lộng hành dễ dàng còn do sự ít kinh nghiệm về rượu vang của người dùng Trung Quốc.
Rượu giả "vả chết" hàng hiệu
Theo Live-ex 50 Index, tổ chức theo dõi giá rượu vang Bordeaux, cuối tháng 2 năm nay, giá của các chai rượu vang cao cấp đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, bao gồm việc nhu cầu đã giảm bớt sau khi đã đạt đỉnh mấy năm gần đây và nhất là thị trường châu Âu đang gặp khó khăn. Nhưng một số người tin rằng rượu vang giả cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng giảm giá, bởi nó khiến niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc bị giảm bớt.
"Vang giả hiển nhiên là một yếu tố tác động, bởi đã có sự sụt giảm rất mạnh về nhu cầu sử dụng một số loại rượu bị làm giả nhiều, ví dụ như loại Lafite Rothschild" - theo đánh giá của Thomas Gearing, một chuyên gia thuộc công ty đầu tư rượu vang Cult Wines của Anh - "Và khi ai đó nếm quả đắng vì mua phải một loại rượu vang giả nào đó, họ sẽ ngừng mua thương hiệu rượu này".
Lafite Rothschild, một trong những thương hiệu rượu vang bị làm giả nhiều nhất tại Trung Quốc
Lafite Rothschild là ví dụ điển hình về những tác động của nạn làm rượu rởm tại Trung Quốc. Đây từng là loại rượu đặc biệt được ưa chuộng và có giá rất đắt. Mỗi chai vang đỏ Lafite Rothschild có giá bán lẻ từ 1.000 USD tới cả 100.000 USD, tùy thuộc vào độ lâu năm. Vì thế nó thường được dùng làm quà để người ta tặng nhau.
Nhưng theo Liv-ex, từ đỉnh cao hồi năm 2008, giá Lafite Rothschild đã rớt một mạch mất 45% trong năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm rất mạnh về nhu cầu tại Trung Quốc, vì người tiêu dùng sợ mua phải hàng giả. Đầu tháng 3 này, tờ China Times dẫn nguồn Zheng Yuming, một quan chức của Bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng thương hiệu Lafite Rothschild thực chỉ sản xuất được có 240.000 chai rượu vang mỗi năm, với 1/3 trong số đó bán ở châu Á. Nhưng các thống kê cho thấy mỗi năm ở Trung Quốc người ta bán khoảng 2 triệu chai rượu dán mác Lafite, tức có tới 96% là hàng giả. Điều này cho thấy quy mô ngành công nghiệp rượu giả ở đây thực sự khổng lồ.
Hy vọng về tương lai tươi sáng hơn
Hiện không rõ có bao nhiêu chai vang giả đang được tiêu thụ ở Trung Quốc. Nhưng có một thực tế rằng rất nhiều thương hiệu đã bị ảnh hưởng bởi hàng giả. Chính phủ Trung Quốc từng bắt giữ 6 người hồi năm 2010, do làm giả rượu vang một số công ty trong nước như Dynasty và Great Wall.
Đầu năm nay, tại một số cửa hàng nhỏ ở tỉnh Chiết Giang, nhà chức trách đã phát hiện 420.000 chai vang Pháp giả. Thậm chí 5.397 chai vang giả này đã được đưa tới bán tại một số siêu thị. Các cuộc điều tra cho thấy mỗi chai vang giả này chỉ tốn 1,10 USD để sản xuất. Chúng được dán mác rượu vang đỏ Castel, vốn có giá 158 USD mỗi chai. Màu rượu trông giống hàng xịn, nhưng kiểm tra cho thấy rượu làm từ hóa chất và không có chút nho nào trong thành phần của nó.
Tuy nhiên một số người đánh giá làn sóng rượu giả đã mang tới những tác động khó ngờ. Ấy là người tiêu dùng Trung Quốc chịu khó tới các cuộc đấu giá hơn và họ bỏ ra nhiều tiền hơn để sở hữu chai rượu xịn đích thực. Được biết trong khi giá rượu vang toàn cầu đã giảm nhẹ từ mức tăng kỷ lục cách nay 2 năm, nhà đấu giá Christie vẫn bán sạch lô hàng của họ hồi tháng 2 vừa qua tại cuộc đấu giá ở Hong Kong, với doanh thu mang về đạt gấp 3 mức ước tính trước đấu giá
"Đây là hệ quả của nạn rượu giả lan tràn ở vùng Viễn Đông... người ta sẵn sàng trả rất nhiều tiền, hơn cả mức giá của thị trường, để mang về chai rượu "xịn" hoàn hảo nhất" - Gearding đánh giá.
Rượu vang cổ và có thương hiệu đã liên tiếp ghi kỷ lục trong mấy năm gần đây. Năm 2010, nhà đấu giá Sotheby's đã gây sốc khi bán đấu giá một chai rượu vang Lafite ra lò năm 1869 với giá kỷ lục 233.972 USD. Năm 2011 hội chợ đấu giá rượu vang Acker Merrall & Condit's Don Stott diễn ra ở Hong Kong đã ghi tới 145 kỷ lục thế giới về giá cho các lô rượu vang cổ, thu về 14,5 triệu USD. Gần đây nhất, nhà đấu giá Christie's đã bán một lô rượu vang Henri Jayer Burgundy với giá 2,06 triệu USD.
Ford nói rằng các cuộc đấu giá này là điểm khởi đầu cho một xu hướng mới lớn hơn, khi người tiêu dùng trở nên chọn lọc hơn về loại rượu họ sẽ mua. "Tôi nghĩ rằng có một sự biến đổi rất nhanh đang diễn ra tại đây" - ông đánh giá - "Vì thế, thời của hoạt động sản xuất rượu lậu và rượu nhái một cách điên loạn có lẽ chỉ còn tính theo từng ngày nữa thôi".
Tường Linh (Theo Reuters)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất