Ryan Giggs: Ngoại tình, Twitter, tự do báo chí và tranh cãi về luật pháp

25/05/2011 11:03 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH)- Những chuẩn bị của M.U cho trận chung kết Champions League cuối tuần này gặp phải một trở ngại khó chịu sau khi Ryan Giggs bị báo chí nước này phanh phui đã có một cuộc tình vụng trộm với cô người mẫu, diễn viên, ngôi sao loạt phim truyền hình Big Brother, cựu hoa hậu xứ Wales và là một nhân vật nổi tiếng “sát” cầu thủ, Imogen Thomas.

Lệnh cấm vô hiệu lực

Tên của Giggs thậm chí đã được nhắc đến trong một phiên họp của Hạ viên Anh khi nghị sĩ Đảng Dân chủ tự do John Hemmings nhắc đến tiền vệ của M.U và ông thông báo 75.000 người đang theo dõi anh trên trang mạng xã hội Twitter. Vụ ngoại tình của Giggs giờ đã trở thành một vấn đề pháp lý hết sức phức tạp tại Anh. Trước đó, một tòa án Anh đã ra lệnh bảo vệ nhân thân, cấm truyền thông nêu tên Giggs, tiết lộ và bình phẩm về vụ việc (giống như vụ vụng trộm giữa John Terry và người mẫu Vanessa Perroncel). Tòa án tối cao Anh, trong ngày 23/5, cũng đã từ chối dỡ bỏ lệnh cấm đó. Tuy nhiên, Twitter đã làm các lệnh cấm trở nên vô tác dụng và Nghị sĩ Hemmings cho rằng “không thực tế” nếu muốn truy tố tất cả những người tham gia trang mạng này đã bàn tán xôn xao suốt mấy ngày nay mối tình Giggs-Thomas.

Tuy nhiên, Chủ tịch hạ viện Anh John Bercow, bảo vệ cho việc cấm nêu tên Giggs dù điều này không còn ý nghĩa thực tế bởi theo ông “đây là vấn đề nguyên tắc” và “không thể tiếp tục để họ miệt thị một con người”. Trong một phiên tranh biện ở Quốc hội về lệnh cấm tiết lộ vụ việc trước đó, Tổng chưởng lý Dominic Grieve, người sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các thủ tục truy tố vì tội xúc phạm người khác nếu có, khẳng định rằng “trách nhiệm của chúng tôi với các nghị sĩ là duy trì trật tự pháp quyền”.

Hình ảnh của Giggs trên trang bìa tờ Sunday Herald- Ảnh Internet

Cuộc tranh cãi giờ đã trở thành một trong những vụ vi phạm lệnh cấm dân sự lớn nhất của thời hiện đại. Trước đó, Giggs đã tiến hành một chiến dịch tuyệt vọng để giữ vụ việc cách xa dư luận, bao gồm việc xin một lệnh cấm giới truyền thông đăng tải cũng như dọa sẽ kiện những người sử dụng Twitter ra tòa nếu tiết lộ danh tính anh trên mạng. Đầu giờ chiều hôm qua, Thẩm phán Eady đã lại từ chối thêm một yêu cầu mới từ tập đoàn News Groups Newspapers, chuyên về các tờ báo lá cải, đòi dở bỏ lệnh cấm truyền thông đưa tin chính thức do giờ đây tất cả mọi người đã biết.

Thẩm phán nói: “Chúng tôi chưa bao giờ cho rằng có bất kỳ lợi ích hợp pháp nào đối với công chúng trong việc đăng tải những thông tin này. Trách nhiệm của tòa án là cố gắng bảo vệ người xin lệnh, đặc biệt là gia đình anh ta, từ sự xâm phạm đời tư và xúc phạm càng lâu càng tốt”. Ngay sau tuyên bố của Thẩm phán Eady, Tổng chưởng lý Grieve tuyên bố Thủ tướng Cameron sẽ yêu cầu Nghị sĩ John Whittingdale thành lập một ủy ban nhiều bên để nghiên cứu vụ việc. Sáng 23/5, trong chương trình Daybreak trên đài ITV1, ông Cameron nói ông biết chính xác danh tính của cầu thủ trong vụ việc “như bất kỳ ai khác” nhưng khẳng định “sẽ không có câu trả lời đơn giản” cho cuộc tranh luận và “cần thêm thời gian” để nhà chức trách điều nghiên vụ việc kỹ lưỡng hơn.

Trên thực tế, khuôn mặt của Giggs, kèm theo người tình Thomas, đã xuất hiện trên các tờ báo hầu như mọi nơi trên thế giới. Báo Scotland Sunday Herald đã kể lại vụ việc với tấm ảnh phóng to của anh từ ngày 22/5, còn ngày 23/5, đến lượt tờ báo tiếng Anh bán chạy nhất Ấn Độ Times of India kể lại cuộc ngoại tình, nêu đích danh Giggs ba lần, ngay trên bìa bốn. Times of India thậm chí được coi là tờ báo tiếng Anh bán chạy nhất thế giới với 3,4 triệu bản và 7 triệu độc giả mỗi ngày. Thật trớ trêu, tờ báo này được một người Anh, Robert Knight, thành lập năm 1838 với tôn chỉ là “chiến đấu cho tự do báo chí chống lại những hạn chế của giới cầm quyền”. Trên Twitter, tính tới chiều ngày hôm qua, tên của Giggs đã được nhắc tới ít nhất 30.000 lần.

Làm sao bịt miệng cả thế gian?

Trở lại cuộc tranh cãi ở Anh, quan điểm của Thủ tướng Cameron có vẻ như không thống nhất với hai nhánh lập pháp và tư pháp: “Vụ này khó mà giữ được, trong tình huống như thế này, khi báo chí không được phép in điều mà tất cả mọi người đã biết và bàn tán với nhau, nhưng luật là luật, các thẩm phán là những người có nghĩa vụ phải diễn dịch luật để áp dụng... Nên tôi nghĩ rằng chính phủ, quốc hội cần có thêm thời gian, để nhìn nhận đúng đắn hơn và cân nhắc xem nên làm gì, nhưng tôi tin chắc câu trả lời sẽ không đơn giản”.

Ông Cameron cũng nói ông sẽ xem xét tăng cường quyền lực cho Ủy ban giải quyết khiếu nại truyền thông: “Thật không công bằng cho báo chí khi các mạng xã hội có thể đưa tin còn báo chí thì không. Thế nên luật và việc thực thi luật cũng phải thích nghi. Nhưng tôi không nghĩ sẽ có câu trả lời dễ dàng. Có lẽ chúng ta phải nhìn nhận lại vai trò của Ủy ban giải quyết khiếu nại truyền thông”.

Những tin đồn về vụ ngoại tình kéo dài 6 tháng giữa Giggs và người đẹp Thomas đã bắt đầu trong khoảng một tuần qua và trở nên sôi nổi sau khi một nghị sĩ Anh buột miệng nói ra tên anh trong một chương trình truyền hình. Báo Sunday Herald, tờ báo đầu tiên ở Anh cả gan phá rào, đã đăng ảnh Giggs trên trang bìa, với một tấm băng bịt mắt, nhưng chỉ để làm vì bởi lẽ chỉ có mù mới không nhận ra đó là tiền vệ của M.U.

Paul McBride, tư vấn pháp lý của Sunday Herald, nói các thân chủ ông không có gì phải lo sợ. Ông McBride cũng cho rằng “thật khó tin và nực cười” khi bất kỳ ai với một chiếc điện thoại di động và vào được internet đều biết câu chuyện, nhưng báo chí chính thống lại phải im lặng. Bộ trưởng phụ trách Scotland Alex Salmond cũng nói sẽ là “cực kỳ ngu ngốc” nếu Tổng chưởng lý Anh tìm cách truy tố một tờ báo ở Scotland. Ông cũng mỉa mai lệnh của tòa án Anh là “hoang đường khi họ nghĩ rằng những gì họ nói có thể được tuân theo trên khắp địa cầu”.

Tóm lại, những nỗ lực khiến Twitter im lặng, dù là của Giggs, hệ thống tư pháp hay lập pháp Anh, nhiều khả năng sẽ chỉ trở thành một bàn thủng lưới nhà tai họa mà thôi.

Trần Trọng



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm