23/10/2014 08:31 GMT+7 | Văn hoá
Mỗi tà áo, một câu chuyện
Bộ sưu tập gồm 10 tà áo dài với chất liệu lụa kết hợp đinh tán vừa giữ được tinh thần Song xưa phố cũ vừa mang lại làn gió mới, thướt tha vào di sản hoa sắt Hà Nội. Trong bộ sưu tập, những tà áo dài tươi thắm với hoa văn của những song sắt gợi nhắc về những hương thầm sắc ẩn của Hà Nội.
Theo chia sẻ của NTK Duyên Hương, trong 10 bộ áo dài: 1 tà áo dài chủ đề được sáng tạo dựa trên bìa cuốn Song xưa phố cũ, 3 tà áo dài lấy cảm hứng từ cửa, 3 tà áo sáng tạo theo cảm hứng phố cũ song xưa; 3 tà áo dài dựa theo họa tiết nhỏ trong “mi thép” (như đôi uyên ương, đồng xu...) làm điểm nhấn thể hiện tinh thần Việt.
“Người xem thậm chí không nhận ra họa tiết ấy được lấy ra từ cả khối họa tiết đồ sộ trong một bộ cửa công phu của người thợ tài hoa đất Kẻ Chợ xưa song vẫn cảm được tâm hồn quê hương từ những họa tiết ấy.”- NTK Duyên Hương nói.
Ngoài tái hiện được vẻ đẹp tinh tế của người Thăng Long, mỗi tà áo dài cũng đều gợi nhắc về những câu chuyện nhỏ lẻ xưa cũ của những thân phận đã đi qua những ô cửa, và cả những biến động trong lịch sử Thủ đô. Cụ thể, bộ sưu tập áo dài Song xưa phố cũ khiến người xem nhớ về những câu chuyện nơi cửa ra vào số nhà 39 phố Trần Hưng Đạo; cửa ra vào số nhà 46 phố Trần Hưng Đạo; ban công số nhà 140 phố Bạch Mai; cửa ra vào số nhà 49 phố Lý Thái Tổ; cửa ra vào số nhà 24 phố Tức Mạc; cổng số nhà 26 Phan Bội Châu...
“Vẻ đẹp thì ai cũng thấy, song ai đã đọc Song xưa phố cũ và hiểu các câu chuyện chất chứa sau mỗi hoa văn trên áo dài sẽ cảm nhận được chiều sâu văn hóa của bộ sưu tập”- Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay.
“Tái sinh” di sản bằng... thời trang
NTK Duyên Hương chia sẻ lý do thực hiện bộ sưu tập đặc biệt: “Tôi không sinh ra ở Hà Nội. Và tôi cũng không hiểu lịch sử Hà Nội một cách sâu sắc. Nhưng tôi đang sống và làm việc ở mảnh đất này. Và tôi muốn kể những câu chuyện bằng ngôn ngữ thời trang về Thành phố này, về những di sản trăm năm tưởng chừng đã bị phai nhạt nhưng vẫn ẩn hiện đâu đó trong đời sống thường nhật. Và cuốn sách Song xưa phố cũ của Trần Hậu Yên Thế giúp tôi hiện thực hóa ý tưởng “tái sinh” di sản bằng thời trang đó.”
Theo chia sẻ của NTK Duyên Hương, điều khó khăn nhất khi thiết kế bộ sưu tập Song xưa phố cũ là chuyển tải hình ảnh hoa văn những cánh cửa, những lan can thép trong tà áo dài. “Bởi song sắt dù có được cha ông xưa uốn nắn mềm mại tới đâu chúng vẫn mang sắc thái cứng. Việc phải chuyển tải những hàng “mi thép” về dạng thướt tha, duyên dáng như đặc trưng của áo dài Việt là không hề đơn giản" - NTK Duyên Hương chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đánh giá: Duyên Hương xử lý rất thông minh hạn chế này của chất liệu. Hầu hết những mẫu hoa sắt mà Duyên Hương lựa chọn để mang lên áo dài là kiểu thức art deco. Bản thân sự ra đời của áo dài Cát Tường cũng trong trào lưu nghệ thuật này. Nó thách thức những thẩm mỹ truyền thống, khai phóng sự phóng khoáng, cách tân trẻ trung. Mặc dù tên cuốn sách là Song xưa phố cũ nhưng ngụ ý của tôi là đó là những giá trị không bao giờ xưa cũ. Thực sự NTK Duyên Hương đã thêm một lần nữa thuyết phục mọi người rằng với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, áo dài cũng như di sản song xưa sẽ mãi thách thức mọi giới hạn tàn phai nghiệt ngã của thời gian.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất