12/01/2021 16:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cuốn Tết Việt Nam xưa vừa được NXB Thế giới và MaiHa Books ấn hành, tập hợp những bài viết của các học giả Việt – Pháp từ đầu thế kỷ XX.
MaiHaBooks cùng NXB Thế giới tuyển chọn các bài viết của học giả Việt – Pháp để ấn hành cuốn Tết Việt Nam xưa trước thềm Tết Nguyên đán Tân Sửu – 2021. Các bài viết trong sách được dịch từ nguồn tư liệu do PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Nghiên cứu Việt Nam học) sưu tầm và lưu giữ.
Sách gồm các bài dịch về Tết Việt in trên Tạp chí Đông Dương của các học giả: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh... Cuốn sách khắc hoạ đậm nét những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm “tâm hồn Việt Nam” của Tết Việt.
Các bài viết khá thú vị với nhiều góc nhìn về nguồn gốc của Tết, ý nghĩa của Tết, những phong tục và quan niệm đón Tết Việt Nam xưa… Đặc biệt, sách được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết, sống động. Cuốn sách nhỏ Tết Việt Nam xưa là món quà Xuân ý nghĩa mà MaiHaBooks muốn dành tặng tới quý độc giả gần xa nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Tết Việt Nam xưa được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết. Trong đó, phần Nghi lễ Tết là những bài viết về các chủ đề: Tết và thờ cúng gia tiên; Ông Tam Đa; Lễ nghinh xuân ở Huế; Đại lễ Nam Giao; Lễ tế Đất Trời tại kinh đô Huế; Lịch của người An Nam; Tâm lý ngày Tết.
Phong tục Tết hiện lên đầy màu sắc trong phần 2 với: Lá thư Đêm Giao Thừa; Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet; Tết qua cái nhìn của một người An Nam; Tết qua câu chuyện của những du khách và nhà truyền giáo người Âu (thế kỷ XVII và XVIII); Tết Việt Nam trong mắt sử gia Georges Pisier.
Phần 3 Thú chơi Tết xoay quanh các chủ đề: Hoa thủy tiên trong ngày Tết; Đối liễn; Phúc và Thọ; Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày Tết; Hội Lim…
Học giả Phạm Quỳnh có bài viết thú vị Tâm lý ngày Tết lý giải ý nghĩa diệu kỳ, thiêng liêng của Tết. Theo đó, ông cho rằng, Tết là sự náo nức vô cùng của những người con An Nam, những người mà nhân dịp có sự đổi mới chung của thiên nhiên và con người, thể hiện niềm tin yêu vào cuộc sống và khát vọng hạnh phúc, sung túc.
Một trong những điểm thú vị của Tết Việt Nam xưa là những bài viết về những nghi lễ Tết gần như không còn nữa hoặc mới được phục dựng. Chẳng hạn, Lễ nghinh xuân ở Huế hay đúng hơn là lễ cầu khấn các thần nông nghiệp để xin họ bảo vệ đất đai trồng trọt, mang lại sự phì nhiêu và vụ mùa bội thu. Hay, Đại lễ Nam Giao qua lời kể của nhà văn hóa Phạm Quỳnh - là buổi lễ gây ấn tượng mạnh, thu hút sự tò mò chú ý của người dân nhưng ít người biết đến ý nghĩa sâu xa của nó. Lễ tế đất trời tại Kinh đô Huế qua góc nhìn của giáo sư, nhà nghiên cứu người Pháp Paul Boudet cũng rất chi tiết về những ý nghĩa và từng nghi thức.
Sống và làm việc nhiều năm ở Đông Dương, nhà văn Pháp Jean Marquet có bài viết thú vị Tết ở làng quê. “Thật ngọt ngào biết bao khi thấy trước được những bữa tiệc linh đình, những cuộc nhậu nhẹt, những ván bài, những trận chọi gà, là những lời chúc thân tình mà những ngày Tết sẽ lan tỏa trên các gia đình ở phương nam thái bình!”. Nhà văn Jean Marquet mở đầu ấn tượng như thế, rồi tiếp tục kể câu chuyện về nhân vật Minh và những người xung quanh đã chuẩn bị cho Tết, đón Tết và chơi Tết như thế nào.
Nói về cuốn sách, ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE), chia sẻ: “Những giai phẩm, ấn phẩm về Tết xưa là hoài niệm nhắc nhở cho mỗi người, người lớn và lớp trẻ thấy rõ văn hóa truyền thống, cốt cách của người Việt Nam trong cái Tết như thế nào. Điều đó là cần thiết để khẳng định tâm thế của văn hóa Việt Nam, là cầu nối xưa và nay, nhắc nhở lớp trẻ tự tôn về văn hóa, dân tộc mỗi khi Tết đến Xuân về.
Cuốn sách khiến chúng ta cảm thấy nao nao nhớ cái Tết một thời đã qua. Từ nay nhìn về xưa để chúng ta có cách sống, văn hóa sống, văn hóa Tết truyền thống, tạo nên nhân cách sống cho ngày hôm nay.
Có rất nhiều tác phẩm, ấn phẩm thơ - ca - nhạc - họa, nhưng đây có thể xem là cuốn sách đầu tiên nói về Tết của người Việt xưa dưới con mắt của người nước ngoài. Họ nhìn, thấy cái trân quý của văn hóa Tết Việt Nam như thế nào. Dù cuốn sách rất mỏng nhưng cô đọng có sức lan tỏa về văn hóa Tết, nhịp điệu Tết xưa của người Việt Nam”.
Cuốn "Tết Việt Nam xưa" của MaiHa Books hiện bán tại các hệ thống nhà sách Fahasa, Phương Nam trên toàn quốc và tại những gian hàng chính thức của MaiHaBooks trên các trang thương mại điện tử: Fahasa, Tiki, Lazada...
Hà Linh. Ảnh: MaiHa Books
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất