Sách thiếu nhi cùng trẻ vào Hè (kỳ 2): Sôi động từ bản thảo, giải thưởng và in ấn

04/06/2024 07:01 GMT+7 | Văn hoá

Mỗi năm đến Hè, thay vì "lòng man mác buồn" thì độc giả nhí và cả độc giả "từng nhí" có thêm thời gian để đắm chìm vào một thế giới văn chương nhiều màu sắc. Tết Thiếu nhi 1/6 đến cùng với một mùa văn học thiếu nhi nữa lại tới, mà năm này khá rộn ràng.

Trong thế giới văn chương đó, cuộc sống thường nhật ta tưởng rằng thân quen cũng trở nên tươi mới lạ kỳ.

Rộn ràng giải thưởng

Như thường niên, Giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) vừa chào Hè bằng việc trao cho các tác phẩm xuất sắc ở mùa thứ 5 được tổ chức. Nhà văn Lý Lan với Tự truyện một con heo được trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn, hạng mục cao nhất trong hệ thống giải thưởng của Dế Mèn. 

Điểm qua các tác phẩm nằm trong Top 10 chung khảo của giải này có thể thấy những tên sách quen thuộc như Kho báu trong thành phố của Nguyễn Khắc Cường (NXB Trẻ) hay chùm sách Bánh mì gối xinh, Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới trong bộ Vun đắp tâm hồn (NXB Kim Đồng) của nhà văn May. Hoặc, loạt truyện 6 tập Mật hiệu OGO (NXB Kim Đồng) của Kiều Bích Hương kể về đời sống của những bạn nhỏ đang sống ở nước ngoài với một văn phong hài hước, tự nhiên. 

Sách thiếu nhi cùng trẻ vào Hè (kỳ 2): Sôi động từ bản thảo, giải thưởng và in ấn - Ảnh 1.

Một số đầu sách mới cho thiếu nhi của NXB Trẻ

Đó còn là 4 tập truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Dế Út (NXB Kim Đồng), một tác phẩm truyện tranh được họa sĩ LinhRab thực hiện trong 7 năm, khởi phát từ nguồn cảm hứng Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Đây là tín hiệu vui, góp phần cổ vũ những họa sĩ truyện tranh Việt Nam tiếp tục sáng tác trong một nền truyện tranh vốn dĩ quá ít tác phẩm và cũng chưa đủ mạnh để ghi dấu ấn trên thị trường - dù không ít họa sĩ tài năng trong nước đã được các giải thưởng truyện tranh trên thế giới công nhận.

Và thêm chút duyên lành, giải thưởng có lẽ còn là nhịp cầu giúp các bản thảo được dễ dàng tìm đến các đơn vị xuất bản. Điểm lại các mùa giải trước, không ít bản thảo gửi đến Dế Mèn tham dự sau đó được in thành sách, nhận được sự yêu thích của bạn đọc, đoạt các giải thưởng khác.

Một giải thưởng cũng là dịp giúp khám phá, giới thiệu cho độc giả đại chúng biết tới những tác phẩm đã xuất bản nhưng dường như bị chìm khuất trong vô vàn sách vở ra mắt mỗi năm. Các tác phẩm tranh truyện của May hoặc tập thơ Vương quốc nhỏ bí mật của Lã Thanh Hà (bút danh Hà mã đi bộ, Như Quỳnh minh họa) của NXB Hà Nội… là những ví dụ.

Qua một giải thưởng văn học, độc giả và những người làm nghề cũng có thể có một hình dung nhất định về đời sống sáng tác dành cho thiếu nhi trong thời điểm hiện tại.

Sách thiếu nhi cùng trẻ vào Hè (kỳ 2): Sôi động từ bản thảo, giải thưởng và in ấn - Ảnh 2.

Không chỉ giải thưởng thường niên Dế Mèn, vào năm 2025, giải thưởng văn học thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức sẽ công bố những tác phẩm đoạt giải. Vừa qua, ban tổ chức Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần 5 năm 2024 cũng thông báo lần đầu tiên thành phố sẽ có một giải thưởng sách thiếu nhi.

Mỗi giải thưởng sẽ có tiêu chí lựa chọn tác phẩm của riêng mình. Cũng như giải thưởng không phải là động lực chính để các tác giả sáng tác. Nhưng những giải thưởng văn chương là cách thể hiện sự quan tâm của mọi người đối với một thể loại văn học đặc biệt, cũng là góp phần khuyến khích sự đọc ở các bạn đọc nhỏ tuổi và nhiều khi khuyến khích các em viết.

Sôi động thị trường xuất bản

Ở mảng sách dịch trước đây, cứ mùa Hè đến thì Harry Potter của J. K. Rowling, Chuyện con mèo dạy hải âu bay của Luis Sepulveda, Cây cam ngọt của tôi của Jose Mauro de Vansconcelos… vẫn là những cuốn sách thiếu nhi bán chạy ở Việt Nam. Đây là còn chưa kể những tác phẩm thiếu nhi kinh điển vẫn được tái bản dịp Hè, cho thấy tiềm năng đem lại lợi nhuận cho thị trường xuất bản trong nước của dòng sách thiếu nhi.

Sách thiếu nhi cùng trẻ vào Hè (kỳ 2): Sôi động từ bản thảo, giải thưởng và in ấn - Ảnh 3.

Một số tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học Kim Đồng (NXB Kim Đồng)

Với tuổi đời gần 70 năm (thành lập năm 1957), NXB Kim Đồng vẫn được đánh giá là đơn vị hàng đầu trong xuất bản các ấn phẩm dành cho thiếu nhi. Nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6, đơn vị này vừa công bố 9 tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học Kim Đồng lần đầu tiên (2023 - 2025). Các tác phẩm dự thi đa dạng về thể loại, từ văn xuôi đến thơ, bao gồm: Hải âu đi tìm cha (Nguyễn Thu Hằng), Nết Na và Cù Nhây (Yên Khương), Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh (Lê Đức Dương), Những đám mây ngoan (Vũ Thị Huyền Trang), Lạc khỏi ngân hà (Yên Yên), Cậu bé Bi Đất (Bôn Đông Huân), Bạn có thích làm mèo (Đ.T. Hoài Thư), các tập thơ Hạt bắp vỗ tay (Nguyễn Thánh Ngã), Chú dế đêm trăng (Mai Quyên). 

Văn học nước ngoài được xuất bản ở Việt Nam cũng không lép vế trong Hè này, với Adiba - Bà phù thủy trên cây sồiSóc biết đẻ trứng và những truyện ngụ ngôn khác, Ông lão nói chuyện với mèo và các câu chuyện nhỏ (đều của NXB Kim Đồng) của nhà văn Hà Lan Janneke Schotveld. Tương tự, đó là bộ sách phiêu lưu giả tưởng Zoey và Xá Xị của nhà văn Mỹ Asia Citro, do họa sĩ Marion Lindsay minh họa.

Độ tuổi của độc giả sách thiếu nhi cũng đa dạng, từ cụ ông 100 tuổi đến các bé 10 tuổi. Đặc biệt là những sách có thể dành cho các bé chưa học chữ vẫn tiếp cận được như các bộ sách Làm quen với xung quanh, Thiên nhiên kỳ thú, Chạy nhảy và vui đùa, Tăng vốn từ thêm kiến thức… của NXB Trẻ được xếp vào tủ sách dành cho các bé 3 tuổi trở lên. 

Giải thưởng, nhu cầu thị trưởng có thể nói đóng vai trò không nhỏ giúp nhiều tác giả viết cho sách thiếu nhi có thêm năng lượng sáng tạo. Chẳng hạn như tác giả có bút danh Mộc An hiện sinh sống và làm việc tại Bình Định. Tính từ năm 2022 đến nay, Mộc An đã có 6 tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ở một nơi có rất nhiều rồng (NXB Kim Đồng) của Mộc An đoạt giải Khát vọng Dế Mèn năm 2023. Trong năm 2024, chị ra mắt Chú bán cà rem và quyển sách thần kỳ (NXB Trẻ)một tác phẩm thiếu nhi thơ mộng. 

Cùng lúc này, nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi đang được viết, nhiều bản thảo đang trên đường đến nhà in. Tất cả đều đầy hứa hẹn sẽ trở thành ứng viên cho các giải thưởng văn học thiếu nhi trong năm sau, như giải thưởng Dế Mèn chẳng hạn!

Thêm chút duyên lành, giải thưởng Dế Mèn có lẽ còn là nhịp cầu giúp các bản thảo được dễ dàng tìm đến các đơn vị xuất bản.

(Còn tiếp)

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm