Trần Thế Phong: Từ trẻ bụi đời đến “hào quang” nhiếp ảnh

02/06/2008 15:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ ngày 25/5 đến 1/6, nhân tháng Hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế thiếu nhi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong (hiện là phóng viên ảnh báo Yêu trẻ) sẽ có triển lãm Những nẻo đường tuổi thơ (với 99 bức ảnh sáng tác về trẻ em) tại Nhà triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM).
 
Lớn lên từ trẻ bụi đời
 
Trần Thế Phong sinh năm 1969 trong một khu nhà ổ chuột tại quận 4, Sài Gòn. Năm lên 3 tuổi, cha mẹ anh ly dị, Phong ở với người cô. Người cô cũng nghèo như bao người dân lao động khác nên chỉ mới 6 tuổi đầu, Phong đã phải “bươn chải” bằng các nghề đầu đường xó chợ. Tuy vật vạ ở “tận đáy xã hội” như vậy nhưng Phong không hư hỏng, không sa vào con đường trộm cắp, móc túi, hút chích... như nhiều đứa bạn cùng cảnh ngộ khác.

Hơn nữa, anh đã cố gắng học hết cấp 2. Qua thời niên thiếu, các nghề bán vé số, khoai lang, đánh giày không còn thích hợp với cậu trai “choai choai” Thế Phong nữa, vậy là chuyển nghề. Phong đã đi bán vé xem phim, bóng đá... kiểu chợ đen, rồi đi làm công nhân mùa vụ cho các cơ sở sản xuất nhỏ. Làm “bá nghệ, bá tri” nhưng cuối cùng vẫn “vị chi bá láp” (nói cách khác là “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”), Thế Phong vẫn cơm vỉa hè, ngủ ké hiên nhà người.
 
Tác phẩm Trẻ khuyết tật của Trần Thế Phong

Đến năm 18 tuổi, Phong suy nghĩ rất “dữ” về con đường sống phía trước; anh từng có ý định nhập bọn với các tay anh chị giang hồ khét tiếng ở quận 4 để tìm “lối rẽ” cuộc đời. Vậy nhưng, chàng trai Thế Phong vẫn cứ trắng trẻo, hiền lành... và quyết định ăn chay cho đỡ tốn kém thay vì đi ăn... cướp. Sau đó, Phong cùng một người bạn mở quán cà phê cóc; quán phá sản ngay tức thì vì thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm kinh doanh.


Vét hết những đồng còn sót lại chẳng biết để làm gì, Phong bèn đi mua một cái máy chụp hình hiệu Zenik giá 800 ngàn rồi đến Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM đăng ký học khóa nhiếp ảnh 3 tháng. Học xong cũng chẳng biết để làm gì, Phong lại tiếp tục đi làm bồi bàn cho đến năm 1998 anh chuyển sang sống bằng nghề chụp hình dạo. Nhờ từng lăn lóc với cuộc đời, Phong đã nhanh nhạy, lịch thiệp, chịu khó... nên thu hút khá nhiều khách hàng, nói chung là tiền kiếm được, cũng đủ để... ăn chay.

Chụp hình để tìm lại tuổi thơ
 
 

Những nẻo đường tuổi thơ với 99 bức chia ra 9 chủ đề: Trẻ em ở bãi rác Đông Thạnh, Tuổi thơ miền biển, Trẻ em vùng cao, Trẻ em khuyết tật, Trẻ em bị nhiễm chất độc da cam... Triển lãm lần này, Trần Thế Phong đã kết hợp với nhà thơ, họa sĩ sắp đặt Ly Hoàng Ly để hiệu quả nghệ thuật thêm cao hơn.

Nhưng chỉ sau hai năm cầm máy, Phong đã bén duyên, gây được sự chú ý của giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp khi chụp bức ảnh cầu Mỹ Thuận nhân dịp cây cầu này được khánh thành năm 2000. Sự kiện cầu Mỹ Thuận thu hút nhiều tay máy “gạo cội” tham gia “trổ tài” nhằm tôn vinh vẻ đẹp của công trình thế kỷ này. Bức hình của Thế Phong chụp cầu Mỹ Thuận năm đó đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.HCM trao HCV và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao HCB.

Liên tiếp các năm sau đó, Thế Phong gắn bó tên mình với hơn 50 giải thưởng. Giải quốc tế có thể kể: Grand Prix và Huy chương Asashi Shimbun của Nhật 2001, Giải xuất sắc châu Á hai năm liền 2001, 2002. Giải trong nước có thể tính: Giải báo chí TP.HCM cho tác phẩm Mưu sinh chụp cảnh trẻ em kiếm sống ở bãi rác Đông Thạnh năm 2001, Giải nhất báo chí TP.HCM và giải B Ảnh nghệ thuật VN về chùm ảnh bão Chan Chu năm 2005... Với khoảng 7 năm cầm máy, số lượng giải thưởng nhận được như vậy có thể gọi là “một gia tài đáng nể” và anh đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.HCM và VN đã trao thẻ hội viên. Vậy là từ một cậu bé bụi đời lang thang, Trần Thế Phong đã bước ra được với cuộc đời nhờ “hào quang” của nhiếp ảnh.
 


Tuổi thơ miền biển

 
Đến nay, Trần Thế Phong mới triển lãm ảnh một lần duy nhất vào năm 2005 bằng chùm ảnh bão Chan Chu tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, TP.HCM gây quỹ từ thiện giúp đồng bào. Anh đã mất 3 ngày và 20 cuộn phim ngay trong tâm bão để ghi hình. Cũng cần nói thêm, lúc đó Thế Phong vẫn là tay máy “không biên chế” nên mọi tác nghiệp của anh đều tự túc. Nói vậy để thấy rằng, lao động nghệ thuật trong ảnh của Thế Phong chính là sự chân thật đến không thể chân thật hơn. Do đó, ảnh của anh vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính báo chí. Tự đánh giá về bản thân, Thế Phong tâm đắc nhất với đề tài trẻ em đường phố.

Dường như tuổi thơ lấm láp vẫn ám ảnh Thế Phong khi anh đối diện với những mảnh đời cũng như anh một thời. “Nếu được dịp triển lãm, tôi sẽ trưng bày duy nhất với tất cả ảnh trẻ em không được “cưng như trứng hứng như hoa”, mà toàn hình ảnh trẻ em nhọc nhằn như tôi thuở nào vậy” - Thế Phong xa xăm nghĩ ngợi cách đây hơn một năm khi anh trò chuyện cùng tôi. Cuộc triển lãm “hướng về ngày cũ” của Thế Phong lần này đã thành hiện thực. Với 99 bức ảnh thiếu nhi được trưng bày vẫn chỉ là một phần nhỏ trong hàng ngàn tác phẩm của anh. Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ, Trần Thế Phong chụp hình trẻ em cũng là để nhớ về tuổi thơ mình và hy vọng tuổi thơ bây giờ không còn nhọc nhằn như anh thuở nào. Anh chia sẻ đầy xúc động: “Tôi chụp hình trẻ em cũng đồng nghĩa với việc tôi tìm lại tuổi thơ của mình vậy”.
 
Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm