(giaidauscholar.com) -
Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội Phan Anh Tú tiết lộ sân Hàng Đẫy có thể được sửa chữa bằng nguồn lực xã hội hóa.
Trao đổi với
Thể thao & Văn hóa, Tổng thư ký
Phan Anh Tú cho biết Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội và Liên đoàn bóng đá Hà Nội đã gửi công văn lên Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội để xin sửa chữa, nâng cấp sân Hàng Đẫy.
Hiện, lãnh đạo thành phố đã nhận được công văn và có một vài ý tưởng về việc nâng cấp sân. Nhưng do ý tưởng vẫn đang trong quá trình bàn bạc nên ông Tú chưa thể tiết lộ cụ thể các phương án. Ông Tú chia sẻ: “Hiện nay, lãnh đạo có rất nhiều ý tưởng. Trong đó, có ý tưởng tận dụng nguồn lực xã hội hóa trong cải tạo sân nhưng hiện nay chủ trương vẫn chưa được thông qua.
Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này chỉ là cố gắng giữ gìn sân thật tốt, đảm bảo. Nếu có nguồn xã hội hóa thì rất tốt, tốt vô cùng bởi công trình thể thao mà được xã hội hóa thì sẽ được chăm sóc tốt hơn”.
Hiện tại, tình trạng hỏng hóc ở sân
Hàng Đẫy đã khá nghiêm trọng. Khu ghế ngồi VIP, một số khu của khán đài A và B đều có hiện tượng sụt lún. Một số khu vực bong tróc, mất ghế ngồi, rong rêu, nấm mốc xuất hiện. Nhiều phòng chức năng quanh sân bị bỏ hoang. Đặc biệt, mặt cỏ Hàng Đẫy vốn nhận khá nhiều lời khen ngợi cũng đang có hiện tượng xuống cấp.
Tại giải U19 Đông Nam Á 2016 hồi tháng 9, Ban tổ chức sân thậm chí đã phải quây kín một khu vực khán đài, không bán vé và cảnh báo nguy hiểm tới người hâm mộ.
Nếu sân
Hàng Đẫy được xã hội hóa (có thể do tập đoàn T&T đứng ra đầu tư), đó sẽ là tin tốt với sân cỏ huyền thoại này. Tuy nhiên, xã hội hóa cũng đặt ra những vấn đề trong quản lý và sử dụng sân sau này. Vì sân Hàng Đẫy còn là nơi phục vụ khá nhiều môn thể thao khác. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội không muốn có những tranh chấp ở Hàng Đẫy như từng có tại sân Lạch Tray giữa năm nay.
Sửa chữa và bảo dưỡng sân Hàng Đẫy vì thế vẫn sẽ là câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết.
Bạch Dương